Lạc lối vì mưa Đà Lạt!

Phần cuối bài "Chuyến du lịch Nha Trang - Đà lạt 5 ngày" - Phần 2
Phòng chúng tôi nhận được tại khách sạn Đỗ Quyên khá rộng rãi, ấm cúng và trang bị đủ những gì một KS hạng trung cần phải có như TH cáp, điện thoại, tủ lạnh, bồn tắm nước nóng, tủ trang điểm. Trên bàn khách cũng có một lọ hoa nhưng ở xứ hoa mà lại bày hoa... giấy mới quái chứ!
Phòng có cửa sổ đón nắng nhìn ra sân sau, phía bên kia tường chính là tòa Giám mục địa phận Đà Lạt, vậy là có Chúa ở gần bên.

Bày biện, sắp xếp đồ đạc cá nhân vào các tủ xong, nghỉ một tý rồi khoác áo lạnh vào đi loanh quanh. Các chuyến tham quan do nhà xe tổ chức sẽ bắt đầu vào ngày mai, ngày kia vì bây giờ đã xế chiều rồi. Vả lại, họ còn phải lo cho bữa cơm tối cho hàng trăm người trong đoàn nữa chứ. Xuống sảnh hỏi, chúng tôi mới biết chợ Đà lạt cách KS chỉ vài trăm mét thôi, vậy là tha hồ mua sắm hay tham quan, ăn uống với giá địa phương rồi nhỉ.

Bữa cơm chiều nóng hổi được bày ra cho đoàn bên khu B phía đối diện đường, cũng với 2 món mặn + một món xào + một món canh + tráng miệng với mọi nguyên liệu của xứ legume, nhào vô cho đủ 10 người/bàn rồi thưởng thức tài của nhà bếp thôi.

Chiều tối trời trở mây kèm mưa lất phất nhưng mặc kệ, giờ tự do: mình cần tham quan chợ cái đã, ít ra cũng phải biết chung quanh nơi mình ở chứ! Vậy là khoắc vai "nửa kia", tui tôi lại rời phòng đi bát phố.
Cái lành lạnh của xứ hoa khiến chúng tôi bỡ ngỡ rồi quên khuấy việc định hướng, quên cả việc lấy tấm danh thiếp của KS (trên ấy có phần bản đồ nhỏ), cứ đi đại theo hướng phải rồi trái, theo đường vòng vo tới cái chợ bán đồ cũ (hôm sau mới biết đây là đường Phan Bội Châu). Đồ cũ đây chính là áo khoác, áo len, nón len... hầm bà lằng cả núi, xem ra nói cũ chứ nhiều cái trông đẹp lắm, nhiều cái nhìn khoái mắt hơn cả cái tôi đang bận. Vậy là tụi tôi nhào vô lựa rồi thử lung tung cái nào cũng muốn mua nhưng ngại cồng kềnh. Rốt cuộc cũng lựa ra một cái ưng ý, mặc vô luôn với giá chỉ 40 ngàn bèo bọt.

Bổng nhiên trời đổ mưa nặng hạt khiến chúng tôi cứ chạy thẳng vào cái cầu dẫn vào chợ gần đó. Ở tầng này là khu ẩm thực bán đủ thứ đồ ăn cho đến nửa đêm, thôi vô làm chén chè nóng cái đã/
Mưa vẫn không ngới, tụi tôi lần xuống tầng dưới băng ra mé ngoài chợ, thoáng chốc trực diện ngay với cái bùng binh (Nguyễn Thi Minh Khai), lại băng lên cái cầu thang (ra Thành Thái), loay hoay rồi... mù đường! Thôi ghé vào hàng quang gánh ngay đó làm vài trứng hột vịt lộn cái đã, dẫu gì cũng đã ướt loi ngoi rồi.

Đớp hít xong, bà bán hàng chỉ hướng về đường LTHGấm, chúng tôi trả tiền, cảm ơn rồi dzọt. Chưa có kinh nghiệm thì thế thôi, chỉ một hôm sau: tôi biết rõ nếu đi ngỏ tắt từ nơi này qua chợ, trở ngườc lại đường Phan Bội Châu, Lê Thi Hồng Gấm thì chỉ mất có 300m thôi).

Kệ, không biết nhưng vui. Đội mưa, đi theo đường NTMKhai (vẫn nhận ra tren đường này có khu chợ đêm, hẹn mai vậy) rồi lại tới cái bùng binh nữa cạnh hồ Xuân Hương. queọ trái phát nữa là ra LTHG, Đỗ Quyên kia rồi! Mửng này phải về phòng ngâm nước thiệt nóng cho đã, he he.

Sáng xuống dưới: nhà bếp đã sẳn sàng với món bún vịt, nhào vô làm một tô cho ấm bụng, uống cà phê rồi cả đoàn lên xe đi tham quan.
Cứ một buổi tham quan ba điểm tức là một ngày 6 điểm, vé do nhà tổ chức lo sẳn hết nên mình cứ việc đi, ăn, chơi thôi.

Các thác nước nổi tiếng như thác Prenn, Datanla, Cam Ly... hay những nơi du khách thích ghé như Vườn hoa TP, Dinh Bảo Đại... đều có trong lịch trình chuyến đi nhưng những nơi mà tụi tôi thích nhất là Thung lũng Vàng, Thiền viện Trúc Lâm, và Hồ Tuyền Lâm.

Thung lũng vàng nằm cạnh nhà máy nước Dankia - Suối Vàng, có diện tích khoảng 20 ha nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 12 cây số. Đây đúng là một khu vườn sinh thái, khu du lịch rộng lớn phong phú thực vật giữa rừng thông bạt ngàn, lẫn vào đó là một số cổ thụ có tuổi thọ đã hàng trăm năm.
Cạnh những khu vườn cây là vườn đá được sắp xếp theo một ý tưởng độc đáo mang ý nghĩa "giao hoà và thân thiện" với nhiều loại đá hiếm sưu tầm từ nhiều nơi trên Tây Nguyên.

So với nhiều khu du lịch hiện có ở Đà Lạt, Thung Lũng Vàng không có dáng vẻ hoành tráng, nhưng tạo được dấu ấn trong lòng khách du lịch khi ứng dụng nghệ thuật sắp đặt trong thiết kế và tận dụng những tiểu cảnh dựa trên cơ sở triết lý Đông phương khiến cho cảnh quan chung của cả khu vực trông tựa một bức tranh sơn thuỷ vậy.

Các khu vui chơi với những cái tên gợi sự khám phá như vườn đá Tứ Linh có bức tượng lớn mang hình dáng vị thần đang gieo hạt, khu vui chơi Thái Cực, hồ Lưỡng Nghi cùng những viên đá lót lối đi lên đồi được xếp theo hình quẻ Thiên hỏa đồng nhân trong Kinh Dịch...

Sau khi lang thang một vòng để ngắm nhìn các vườn cây, bãi đá, vườn bonsai hay các thác nước nhân tạo, chúng tôi ngả lưng trên những thảm cỏ êm mượt bên những sườn đồi thoai thoải để vừa nghe thông reo vi vu, vừa ngửi mùi thơm quyến rũ từ những tán thông già.

Nếu bạn đi theo nhóm trẻ, bạn có thể tổ chức sinh hoạt dã ngoại dưới tán lá rừng hoặc câu cá bên những hồ nước nhân tạo hay trong những vạt rừng thông êm ả tuyệt lắm.

Hoa và cây quý tại đây thì nhiều lắm: từ những loài thông 5 lá hiếm của VN, TQ còn có Bạch tùng, Thanh tùng, Tùng búp, Tùng xà ngũ phúc, thông Đỏ. Ngoài ra còn có vườn hoa đỗ quyên... cùng một số giống cây từ nước ngoài du nhập như Voong ke, Hồng sa mạc, Phong lữ thảo, cây lá phong...

Ở đây cũng có vô số loài hoa đặc trưng của Đà Lạt như Cẩm tú cầu, Thạch thảo, Mimosa... được trồng theo từng cụm, từng vạt, du khách có thể tha hồ chụp hình. Cuối vườn bonsai có cây bồ đề gần 300 năm tuổi.

Rời thung lũng Vàng với một chút tiếc nuối vì thời gian quá ít: Một tiếng rưỡi đồng hồ chưa đủ để khách hòa mình thỏa thuê vào thiên nhiên.

Thiền viện Trúc Lâm, hồ Tuyền Lâm - Khi đoàn chúng tôi đến thì bãi xe đã có khá nhiều chiếc đậu tại đó rồi.

Sau khi nhà tổ chức dặn dò thời gian thăm viện, mọi người đều bước chân tới cổng và tủa ra nhiều hướng khác nhau, vãng cảnh theo ý mình.
Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, cạnh hồ Tuyền Lâm thuộc phường 3 thành phố Ðà Lạt. Với diện tích tổng cộng khoảng 25ha được chia thành 3 khu riêng biệt: khu ngoại viện, khu nội viện Tăng và khu nội viện Ni.

Khu ngoại viện gồm Chánh điện, Nhà khách, Tham vấn đường và Lầu chuông. Thiền viện Trúc Lâm là nơi nghiên cứu về Thiền tông lớn nhất ở VN hiện nay, nơi hàng ngàn tăng ni, phật tử đến theo học và cũng là nơi có hàng trăm ngàn du khách đến tham quan hàng năm.

"Đức Phật làm Đông cung, bỏ điện ngọc, lên Bồ đề thành chánh giác.
Giác Hoàng ở ngôi báu, lìa ngai vàng, lên Yên Tử dạy chúng tăng".
Hai câu liễn tại cổng tam quan thứ nhất cho ta biết khái quát lịch sử hình thành của đạo Phật và của phái Thiền tông VN có từ đời Trần.

Đến bậc cấp cuối cùng là đến cổng tam quan thứ ba, ta đọc thấy câu:

"Thiếu Thất chín năm đợi gặp Thần Quang truyền Tâm ấn.
Trúc Lâm mười kỷ đã đem Thập Thiện hóa nhân gian".
Ấn tượng với du khách ngay khi bước lên 222 bậc cấp là nét kiến trúc nổi bật của Thiền viện với những đầu đao cong vút, ở mặt chính điện trên nóc mái là hình bánh xe luân hồi, biểu trưng cho cổ xe lớn của phái Đại thừa trong Phật giáo. Nghe nói kiến trúc nơi này có sự tham gia thiết kế của trúc sư Ngô Viết Thụ, người thiết kế Dinh độc lập thì phải.

Chúng tôi đứng tại lầu chuông nhìn chiếc đại hồng chung nặng 1.100 kg (do hai Phật tử cúng dường và nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, pháp danh Tâm Tài, thực hiện ở Phường Đúc - Huế). Quanh mặt chuông có khắc bài thơ của Trúc Lâm Đầu Đà, pháp danh của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) lúc xuất gia đầu Phật, tổ sư của phái Thiền tông Việt Nam.

Lối đi quanh co dẫn chúng tôi xuống hồ Tĩnh tâm, mặt nước trong xanh in bóng những rặng thông đong đưa theo gió bên đồi Thanh Lương. Gần cạnh đó là nhà khách 2 tầng nằm gọn trên một ngọn đồi có khu vườn xanh mát, phía trước nhà là rừng trúc xanh tươi. Đứng trước sân nhà có thể thấy đỉnh núi voi phục soi bóng xuống hồ Tuyền Lâm hùng vĩ.

Nói thật, nếu đang stress vì cuộc sống thành thì mà được vào nơi này chiêm ngưỡng vài giờ thôi (chứ chưa cần học đạo) thì cũng đủ thanh thản cõi lòng rồi.
Rời Thiền viện Trúc Lâm, chúng tôi thăm hồ Tuyền Lâm cạnh đó. Đây là hồ nước ngọt rộng nhất Ðà Lạt, với diện tích khoảng 320 ha, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 7 km và cách thác Ðatanla 2km. Hồ nằm gần núi Phụng Hoàng, đây được xem là khu phức hợp tập trung nhiều cảnh quan đẹp và dịch vụ du lịch phong phú. Hồ Tuyền Lâm cũng là nguồn cung cấp nước ngọt cho cả TP hoa.

Lòng hồ Tuyền Lâm có nhiều đảo nhỏ, đầy ắp nước trong xanh ngay cả trong 6 tháng mùa khô. Quanh hồ là rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi ngút tầm mắt, tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ.

Nghe nói có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu...

Đêm cuối cùng ở Đà Lạt, chúng tôi lại rảo bộ ra chợ mua ít thứ đặc sản, ghé chợ đêm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai nhấm nháp vài món lạ rồi ngồi ngắm người qua lại trên ghế đá tại bùng binh trước chợ. Nơi này bày bán rất nhiều thứ quà lưu niệm như các vòng cổ, những chiếc chuông gió xinh xinh là từ thạch cao, tranh khắc gổ do những nghệ nhân trẻ làm tại chổ.

Gió lành lạnh thổi từ hồ Xuân Hương khiến du khách kéo cao cổ áo khoác, gió đong đưa những quả chuông phát ra tiếng long kong thánh thót. Thật ra hiện nay, xứ hoa cũng đã giảm lạnh nhiều nhất là về mùa hè. Một số KS lục tục trang bị thêm... máy lạnh rồi, nghe thì kỳ quặc bởi miệt cao nguyên Lâm Viên xưa nay bao giờ cũng thừa thải cái hơi lạnh miễn phí kia mà. Chắc một phần cũng do hiệu ứng nhà kính toàn cầu, phần còn lại là do con người chúng ta cả thôi, phá rừng, khai hoang: biết bao vạt rừng thông ba lá của ĐL đã phải vĩnh viễn ra đi dành đất cho những cơ ngơi của con người?

Cả đoàn lên xe trở về TP HCM vào sáng hôm sau, trên đoạn đường này có ghé vào một vài nơi nữa như thác Prenn, thác Datanla.

Trước cổng vào thác Prenn có một cái chợ nông sản sầm uất, tại đây người dân địa phương bán nhiều thứ rau cải mà họ trồng tỉa được, tươi ngon còn giá cả thì rất rẻ. Đoạn đường này đoàn có ghé vào một khu du lịch gì đó nữa (thuộc tư nhân) mà tôi quên mất tên, chỉ còn nhớ là cũng khá nhiều cảnh đẹp, đường lên núi, có thác, có chùa...

Xe hướng về thị trấn Liên Nghĩa rồi Di Linh và về Bảo Lộc. Miền cao nguyễn vẫy tay chào đón du khách pương xa khi từ giã bằng một màn sương dày đặc... bụi đất trên đoạn đèo Bảo Lộc này do nhiều đoạn đang thi công sửa chữa.
Nếu đem cả đèo này, đèo Ngoạn Mục thì không thể so sánh được với đèo Hòn Giao mà chúng tôi đã được chứng kiến trong chuyến đi nhưng tất cả vẫn đẹp, cái đẹp bội phần so với các con đường trong thành phố đầy dẫy những "núi" cao ốc hai bên, mịt mù khói xe.
Về tới nhà đúng 7 giờ rưỡi tối, kết thúc chuyến đi 5 ngày.

Tổng kết:
- Giá vé: 2.700 ngàn/ 2 người + 320 ngàn bổ xung (vì muốn có phòng riêng)
- Ăn 10 buổi.
- 4 đêm phòng.
- 15 điểm tham quan.
Do Du lịch Ngọc Giàu tổ chức.
Nói chung là thỏa mãn.