Nơi sông Đà dừng lại
Từ Hà Nội, bạn có thể xuất phát vào thứ bảy (thậm chí vào buổi chiều) theo hướng quốc lộ 6 đi Hòa Bình. Sau hai giờ xe máy hoặc ôtô tới thị xã, đừng quên ghé thăm nhà máy thủy điện lớn nhất nước, tham quan tổ máy và đập thủy điện sông Đà. Từ trên mặt đập nhìn xuôi dòng chảy sẽ thấy thị xã Hòa Bình êm đềm với những mái nhà lô nhô, núi non chập chùng vây quanh.
Nếu may mắn tới vào ngày mở cửa xả, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ và dữ dội khi dòng nước được tích tụ trong lòng hồ được cởi bỏ sợi dây ràng buộc ào ạt đổ về xuôi. Bạn sẽ cảm nhận sâu sắc sức mạnh kỳ diệu của con người trong việc chinh phục thiên nhiên, chinh phục dòng sông Đà hung dữ.
Cách thị xã 5km là ngã ba Chăm-Mát, ở chân dốc Cun có một biển chỉ đường tới cảng Bình Thanh hoặc bến Thung Nai, khoảng 25km đường núi quanh co và có chút gập ghềnh do đường chưa được làm hoàn thiện. Từ hai bến thuyền này luôn có tàu, cano hoặc sà lan đưa du khách tới các hòn đảo nhỏ lênh đênh trong lòng hồ để cắm trại, picnic. Giá thuê thuyền khá rẻ, 70.000-80.000 đồng/giờ cho thuyền chở được khoảng 30 người.
Lòng hồ Hòa Bình rất đẹp với hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông, trông như một Hạ Long ở trên núi. Khi sông Đà bị ngăn lại, nước đã dâng lên ngập cả một vùng rộng lớn và những ngọn núi cao vời vợi lại trở thành những hòn đảo bồng bềnh. Người dân đi lại bằng thuyền mảng, bè nứa, thuyền máy và sà lan vận chuyển hàng hóa đi lại khắp nơi.
Thông thường dân du lịch bụi hay rủ nhau tới đảo Bè Bạn, Chợ Bờ hay đền bà Chúa Thác Bờ để dừng chân, nghỉ đêm và tìm hiểu cuộc sống của người xứ Mường nơi đây. Các bạn sinh viên thường chọn một hòn đảo bất kỳ để đổ bộ, sống những giây phút kiểu Robinson trên hoang đảo, vui chơi và đốt lửa trại suốt đêm. Tuyệt nhất là những đêm trăng, thiên nhiên càng trở nên lộng lẫy và quyến rũ.
Chiều xuống, hoàng hôn trên lòng hồ Hòa Bình rực lửa, mặt trời đỏ ối tròn căng khuất dần sau những rặng núi tím sẫm, không gian trong lành mát mẻ, những gợn sóng nước lăn tăn. Sớm mai, bình minh lại khẽ khàng đánh thức du khách bằng tiếng chim chóc lích rích, tiếng mái chèo đạp nước, tiếng sà lan chạy ầm ì… Những thanh âm của cuộc sống giữa xứ Mường sẽ gieo vào lòng du khách những cảm xúc êm dịu và bình an.
Đêm ở lòng hồ, một trong những thú vui hấp dẫn nhất là theo thuyền câu đi giăng lưới. Đêm sẫm màu loang trên mặt hồ, thuyền câu bé tẻo teo lặng lẽ rời bến. Yên tĩnh đến nỗi bạn có thể nghe cả tiếng cá đớp động dưới mặt nước mênh mông. Sau 1- 2 giờ thả lưới, thả thuyền trôi bồng bềnh không bận lòng, công việc thu lưới sẽ khiến bạn hào hứng và chộn rộn. Từng con cá mắc lưới được gỡ ra và thả vào xô, một con là một câu hò, con nào còn nhỏ được thả về cho dòng sông nuôi lớn rồi lần sau sẽ đánh bắt.
Sau khi thu lưới đến chương trình nướng cá uống rượu thưởng trăng giữa dòng (nếu đêm đi bắt cá đúng vào đêm rằm). Rất phiêu du và lãng mạn.
Những đoàn đông thường chọn cách lên thuyền lớn ra thả giữa dòng, xem thuyền câu kéo lưới, tổ chức hát hò giữa không gian tĩnh lặng và huyền hoặc. Hoặc đơn giản chỉ là ngồi bên đống lửa trại, tay đàn tay sáo và chia nhau những chén rượu thắm tình bè bạn.
Sáng chủ nhật hằng tuần có một phiên chợ nổi ở Chợ Bờ. Phiên chợ không tấp nập và rộn ràng như nhiều người nghĩ. Có vài chiếc thuyền lớn đầy ắp hàng hóa từ dưới xuôi lên bán lại cho bà con quanh vùng. Dân từ các đảo gần đó đi thuyền tay đến chợ nổi mua hàng. Cảnh các đoàn thuyền tỏa đi bốn phương tám hướng khi phiên chợ tan thật sự là một bức họa xinh đẹp khiến bạn nhớ mãi.
Ở Chợ Bờ có một bản nhỏ mà đám trẻ con ở đó gọi là bản Sông và một ngôi đền thờ bà Chúa Thác Bờ. Bản Sông nhỏ xíu với vài nóc nhà, trẻ con Chợ Bờ hằng ngày phải đi học bằng thuyền chèo tay, mất 20 phút mới tới được trường tiểu học nằm trên một hòn đảo khác.
Cách Chợ Bờ khoảng nửa giờ canô là đền bà Chúa Thác Bờ nổi tiếng xa gần, thờ bà chúa cai quản cả một miền Tây Bắc. Tương truyền trước đây đoạn Thác Bờ - Ghềnh Hoa hiểm trở vô cùng, thuyền bè đi qua hay bị đắm, sau đó người dân lập đền thờ để mong bà che chở và phù trợ cho dân chài, thuyền buôn đi qua xứ này.
Đền thờ cũ vốn đã chìm dưới hàng chục mét nước của thủy điện Hòa Bình, đền thờ ngày nay được lập bên trên nền của đền thờ cũ, lúc nào cũng tấp nập khách thập phương đến hành lễ, hầu đồng. Đặc biệt vào những ngày rằm, mồng một ở đền bà Chúa Thác Bờ luôn diễn ra các buổi hầu đồng rất lớn, những giá đồng linh thiêng và kỳ thú, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, được hòa mình trong tiếng đàn ca sáo nhị và những cung bậc cảm xúc khác của bao câu hát chầu văn.
Đến xứ Mường phải ăn lợn Mường (quay, nướng) đặt trên lá chuối xanh. Đảo Bè Bạn, hòn đảo của những người lính làm du lịch, đã trở thành thương hiệu khi đưa công nghệ hun khói Nga vào bếp núc để phục vụ du khách.
Đảo còn được biết đến với một cái tên khác là đảo Cối Xay Gió do trên đảo có một tháp canh tròn được trang trí bằng những cánh quạt khổng lồ luôn lãng đãng quay theo chiều gió. Tháp canh chính là một địa điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn hay bình minh trên lòng hồ sông Đà. Các món ăn như cá sông Đà, lợn Mường với công nghệ hun khói Nga và sự phục vụ hồn nhiên chân chất của những người dân xứ Mường sẽ làm vừa lòng kể cả những du khách khó tính nhất.
Nếu dư dả thời gian, bạn có thể thu xếp để tới thăm Bản Mu, bản Gia Mỗ ở bên ngoài khu lòng hồ hay ngược thuyền lên thăm đất Mai Châu, lang thang trong lòng hồ thăm đảo Lan, đảo Quạ, thăm động Ngòi Hoa, Hang Bờ… Cho dù đi đâu, làm gì trong lòng hồ Hòa Bình, lúc nào bạn cũng cảm nhận được một thiên nhiên tươi đẹp, một cuộc sống thanh bình ở nơi có một dòng sông đã dừng lại…
Chi phí cho chuyến đi khá rẻ, chỉ 300.000-400.000 đồng.
Theo baodulich
0 nhận xét: