Thiên đường ở hòn Đá Bạc, Cà Mau

Truyền thuyết dân gian kể rằng hòn Đá Bạc xưa là chốn bồng lai tiên cảnh. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng ngày nay hòn Đá Bạc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách ở vùng đất mũi Cà Mau, mũi đất địa đầu tổ quốc.

Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34 ha, gồm các hòn nằm liền nhau là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá. Trên các hòn có một số đỉnh đồi cây cối chen vào các hốc đá, mọc um tùm.

Quanh hòn, hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau với nhiều hình thù kỳ lạ như những bàn tay, bàn chân Tiên, giếng Tiên, sân Tiên.
Sau khoảng 30 phút chạy xe từ trung tâm huyện Trần Văn Thời, bạn sẽ đến xóm Kênh Hòn tận mắt chứng kiến phong cảnh nơi đây, bình dị như chính cái tên. Những ngôi nhà sàn vươn dài ra mặt sông và cảnh sinh họat đời thường bình dị: người chèo ghe, kẻ giăng lưới, làm đồng, trẻ con bơi lội, đùa giỡn…

Đứng từ chỗ mua vé vào hòn Đá Bạc (15.000 đồng/vé), Ấn tượng đầu tiên là con đường vào Hòn Đá Bạc - một cây cầu có chiều dài chừng 400 mét vượt biển, được phân rõ hai chiều cho xe vào và ra.

Hòn Đá Bạc có hai cụm đảo chính. Nhìn xa, hai cụm đảo như đôi gò bồng đảo của một thiếu nữ xuân thì. Cả hai cụm đảo đều xanh ngắt một màu cây cỏ, được bao quanh bởi những bờ đá granite đẹp tuyệt vời.
Điểm thu hút nhất của hòn Đá Bạc là một khối đá có hình bàn tay người. Sóng và gió biển đã ngàn năm cần mẫn điêu khắc cho con người một tác phẩm thật độc đáo, thú vị.

Hòn Đá Bạc nằm trong eo biển hẹp với nhiều bãi gềnh đá chìm nổi theo thủy triều nên là nơi trú ẩn của nhiều loài hải sản. Vì vậy, nhiều du khách đến hòn Đá Bạc để câu cá làm thú vui thư giãn.

Du khách dễ dàng câu được cá nâu, cá bốp, cá ngát… nhưng hấp dẫn hơn là được thưởng thức các đặc sản này. Cá bốp, cá ngát, cá nâu nấu lẩu chua bằng cơm mẻ đều ngon, thêm rau đồng cỏ nội của đất Hòn, nhất là có vị chua đượm của lá giang (một thứ dây leo trên hòn, khác lá giang trên núi) thì tuyệt vời hơn. Hay cá nâu kho trái giác - một thứ trái của dây leo nơi hoang dã, có vị chua ngọt, thì ăn cơm quên no.

Theo kinh nghiệm của những du khách đã nhiều lần đến hòn Đá Bạc và người dân địa phương thì nên đến hòn Đá Bạc vào khoảng từ tháng 9 trở đi, vào những lúc trời yên, biển lặng, nước trong nhất. Lúc đó, nước biển trong xanh, cá nâu tung tăng bơi lội, tha hồ mà câu. Còn ngư dân của kinh Hòn cũng đua nhau ra biển đánh bắt hải sản. Du khách rảo quanh Hòn để tận mắt nhìn ngư dân nơi đây bơi thuyền ra biển câu mực, cá nâu, hay lặn xuống biển để đục bắt hàu từ các hốc đá dưới nước.

Những người ăn sành điệu cho rằng không nơi nào hàu ngon bằng ở hòn Đá Bạc. Hàu nướng mỡ hành, hàu nấu cháo hay hàu tái chanh mù tạt... Hàu ở hòn Đá Bạc rất nhiều, giá cũng phải chăng. Ngư dân bán 3.000 đồng/con, còn trong nhà hàng đã chế biến bán 6.000 đồng/con. Tôm, mực, cua, cá… cũng có giá mềm. Ngư dân bán cá ngát chỉ 30.000 đồng/kg, cá chẽm 40.000 - 50.000 đồng/kg, tôm tít 130.000 đồng, cua 100.000 đồng/kg… còn nhà hàng bán lẩu cá ngát, cá chẽm 150.000 - 200.000 đồng/lẩu, kho tộ 40.000 - 60.000 đồng/tộ.

Ở đây có khách sạn 24 phòng. Phòng rộng, thoáng, trông ra biển. Giá phòng lạnh 200.000 đồng, phòng quạt 150.000 đồng. Hiện nay, nhà hàng khách sạn ở khu du lịch hòn Đá Bạc cũng vừa sửa chữa nâng cấp xong. Ông Lê Chí Công, Giám đốc Nhà hàng Khách sạn Khu du lịch hòn Đá Bạc, cho biết thêm: “Bây giờ, du khách đến hòn Đá Bạc ngày càng đông. Chúng tôi đang xây dựng lăng cá Ông và trưng bày bộ xương cá ông dài hơn 20m, nặng hơn 40 tấn, xây thêm bờ kè, bãi tắm…”.

Du khách đến đây vào dịp trời yên, biển lặng, đứng trên hòn Đá Bạc ngắm nhìn hoàng hôn hay vào dịp trăng sáng ngồi ven biển rì rào sóng vỗ thưởng thức cháo hàu hay nướng mực “nhâm nhi” cùng bằng hữu để ngắm trăng trên biển sẽ là những kỷ niệm khó quên.

Theo website 24h.com - thesaigontimes - Báo Cà Mau