Đại Lãnh, một thắng cảnh được vinh danh trên Cửu Đỉnh
Từ Cửu đỉnh…
Một triều đại đã qua đi, nhưng Cửu Đỉnh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” giữa sân Hoàng Thành. Cái đẹp nhuốm màu thời gian còn lưu dấu sắc xanh nâu của ánh đồng và cái bề thế uy nghi của một dãy Cửu Đình đã là một tài sản vô giá và đích thực của nghệ thuật triều Nguyễn. Số phận 9 cái đỉnh này cũng hé mở khá nhiều tình tiết lịch sử liên quan đến triều đại Phong Kiến cuối cùng nước ta. Cao Đỉnh là chiếc đỉnh tương ứng vị vị Vua đầu tiên là Gia Long, thứ hai là Nhân Đỉnh tương ứng với Minh Mạng là vị Vua sai đúc cả 9 đỉnh này.
Sau đó còn có 11 vị Vua nữa nhưng chỉ có 5 vị được tôn vinh bằng cách đặt tên đỉnh, 6 vị không được đặt tên mà mặc dù vẫn còn 2 đỉnh (Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh) vẫn bỏ trống tên Vua. Vậy là ngay thâm cung bí sử triều đại này cũng còn phải được giải mã vai trò của các vị Vua chưa được đánh giá cao này, trong đó có cả vị Hoàng Đế cuối cùng là Bảo Đại. Dòng lịch sử cứ trôi theo dòng đời mà 9 cái đỉnh như một pho sử sống sinh động ẩn tàng nhiều bí ẩn của một triều đại như thách đố các thế hệ sau.
Đi tìm Đại Lãnh
Quả là Cửu Đỉnh đã hun đúc được mọi cảnh vật và đặc sản nước Nam thông qua các hình chạm khắc nghệ thuật. Có thể đếm được 153 tấm chạm khắc đồng trên Cửu Đỉnh. Đáng lưu ý, một vùng biển đẹp của nước ta cũng được nhà Nguyễn vinh danh trên đó, đấy là Đại Lãnh.
Bãi biển Đại Lãnh được khắc trên Tuyên Đỉnh (hàm nghĩa là sự sáng tỏ và ứng với vị Vua Khải Định) có chiều cao 1,89 m đường kính 1,63 m nặng xấp xỉ 2 tấn đồng.
Không chỉ nhà Nguyễn đánh giá cao bãi biển Đại Lãnh mà ngay cả tổ chức du lịch thế giới cũng đánh giá nơi đây là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á.
Hấp dẫn bởi một cái tên Đại Lãnh trên Cửu Đỉnh, chúng tôi đã làm một chuyến du khảo đến nơi non xanh nước biếc, sóng vỗ lao xao này.
Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) đẹp như tự nhiên vốn thế. Một bãi biển trải dài khoảng 3 km, cát mịn trắng phau, thoai thoải. Tắm biển ở đây có thể ra xa bờ hàng chục mét mà vẫn chưa ngập đầu người. Nước biển xanh ngăn ngắt mà độ mặn khá cao, có thể nằm duỗi tay duỗi chân bềnh bồng trên mặt biển được. Quả là “danh bất hư truyền”, những bãi biển Nha Trang, Đồ Sơn, Bãi Cháy chắc là khó sánh nổi.
Nơi đây lại có cảnh núi rừng ngoạn mục kề bên. Bắc là 12 km đèo Cả quanh co, nam là đèo Cổ Mã mà nhìn xa như dáng một chú ngựa đang lao xuống tắm biển Đông. Thế đất “biển một bên và núi một bên” ấy đúng là sơn thuỷ hữu tình mà trời ban cho tỉnh Khánh Hoà vậy. Mà những hàn lâm học sĩ triều Nguyễn cũng phải có con mắt tinh đời lắm mới tôn vinh Đại Lãnh trong biết bao nhiêu bãi biển dọc 2000 cây số bờ biển nước Nam.
Đại Lãnh lại có một điểm mạnh nữa, là nơi giao nhau giữa con đường xuyên Việt-quốc lộ số 1 và đường sắt Bắc Nam, cực kỳ thuận lợi cho du khách. Có thể đi máy bay đến sân bay Nha Trang rồi ngược đường bộ 80 km hoặc đến sân bay Tuy Hoà rồi xuôi nam khoảng 25 km là tới nơi. Nếu đi đường sắt thì Đại Lãnh có một nhà ga trùng tên nằm ngay gần trung tâm phố thị. Còn đi đường bộ lại càng tiện nữa. Khi mà nằm giữa trục đường huyết mạch số 1, tiện lợi cho các xe du lịch đường dài có cả ghế nằm lẫn ghế ngồi như các hãng Mai Linh, Hoàng Long, Open Tour…
Cho đến hôm nay, Đại Lãnh vẫn còn giữ nguyên được nhiều vẻ đẹp hoang sơ. Đến đây, du khách mới chỉ cảm nhận được hai dãy phố, dăm ba khách sạn, hàng quán. Đây đó, người ta còn như được trở về với quá khứ vài chục năm trước, khi ngắm nhìn một nhà ga xép Đại Lãnh hay một chợ Đại Lãnh được xây từ lâu lắm, đến nỗi rêu phong còn bám trên các bức tường, lều quán liêu xiêu. Đấy mới chỉ là “mặt tiền” trên đường lộ của Đại Lãnh, còn thì muốn tìm về cái đẹp của Đại Lãnh phải bước chân xuống bãi biển. Thuyền bè tấp nập, san sát. Sẽ thực sự thú vị khi vào lúc bình minh, ngắm mặt trời vừa nhô lên cũng là lúc thuyền tấp nập vào bờ trút tôm, cá, cua, mực cho các mối hàng. Cái lao xao của phiên chợ biển chỉ kéo dài vài tiếng rồi lại trả lại vẻ bình yên cho làng chài. Rồi đây, theo quy hoạch, một phần bãi biển sẽ dành cho một cảng cá lớn. Tôi cũng khó hình dung cảng cá mai này, nhưng thấy được cái cảnh trên bến dưới thuyền của ngày hôm nay là đã vui mắt lắm rồi.
Dọc bờ biển dài là rừng phi lao xanh mướt mát, lộng gió. Dường như chưa có một công trình đáng kể nào khai thác du lịch nơi đây. Đến Đại Lãnh, ngoài bãi biển hoang sơ đẹp tuyệt vời, du khách lại còn có dịp thưởng thức món đặc sản Lẩu mực tươi nguyên vừa câu được dưới biển mà giá lại thuộc loại rẻ nhất trong các bãi biển hiện nay. Quý khách lại có thể đi theo các thuyền câu mực, câu cá chình của dân làng chài ven biển cũng là một thú vui khó quên.
Trời Đại Lãnh trong xanh, biển Đại Lãnh mặn mòi mà khoáng đạt, có nhìn Đại Lãnh trên bản đồ Google mới thấy được cái thềm biển trời cho, nhìn ra biển Thái Bình Dương bao la và cả một vùng thắng cảnh liên hoàn thuộc loại đẹp nhất trời Nam.
Kề sát Đại Lãnh về phía Bắc là đèo Cả quanh co 12 km. Đi trên xe du lịch vào buổi chiều tà mà ngắm bãi biển Vũng Rô dưới chân đèo xanh ngăn ngắt, cũng là một vũng biển nổi tiếng. Cạnh Vũng Rô còn có một ngọn Hải Đăng cổ kính từ thời Pháp thuộc làm hoa tiêu cho thuyền bè qua lại. Dọc đường xuôi đèo Cả, du khách còn được ngắm cảnh đẹp Đá Bia: thiên nhiên khéo dựng một “bia đá” chon von án ngữ đỉnh núi để làm cho bâng khuâng khách thơ nhiều thế hệ. Quanh Đá Bia cũng còn có nhiều truyền thuyết dân gian của người Chăm, một thời là cư dân bản xứ nơi này.
Từ Đại Lãnh, nếu có thời gian, du khách còn có thể xuôi về phía nam để đến một vùng du lịch đẹp không kém, là vịnh Vân Phong. Vịnh còn đang nguyên sơ nhưng chỉ chưa đầy chục năm nữa thì nơi đây mọc lên khá nhiều công trình thế kỷ: một cảng nước sâu thuộc loại nhất nhì Đông Nam Á vì án ngữ con đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, lại còn hàng loạt dự án khu resort tầm cỡ đầu tư hàng tỉ đô la ven vịnh này.
Có thể từ Đại Lãnh theo con đường do Tổng cục du lịch mới mở rẽ từ Quốc lộ số 1 đi khoảng 20 km là đã đến thăm được các làng chài nguyên khai như làng Khải Lương, Đầm Môn… nơi mà khách lãng du có thể thấy được các bãi biển cát trắng phau cạnh làng chài, được tham quan các lồng bè nuôi tôm hùm. Du khách cũng có thể theo các tàu thuyền du lịch đi lặn ngầm ở các rạn san hô để xem cá lượn tung tăng. Cảnh ở đây cũng điểm xuyết những “hòn non bộ” là các bãi đá đủ hình dáng lô nhô như mọc lên từ đáy biển. Ven bờ vịnh Vân Phong còn có một làng chài đặc biệt có tên gọi là Sơn Đừng, nơi mà cư dân cư trú ngay ven biển, nhưng lại thạo nghề phát rừng hơn, họ cũng có màu da đen hơn và hình dáng cũng khác biệt chút ít với người địa phương. Nghe nói họ từ một vùng xa xôi nào đó theo biển mà dạt về đây và được người địa phương gọi là người “Đàng Hạ”.
Du khách cũng đừng quên đến thăm Mũi Đôi, nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh, là nơi đất liền của tổ quốc được đón ánh mặt trời đầu tiên trong ngày. Có du khách đã từng đo toạ độ điểm cực đông của tổ quốc bằng máy GPS là: 109027’899’’ kinh độ Đông.
Những người yêu thích lịch sử vịnh Vân Phong cũng có thể đến thăm lại nơi từng là làng cổ cách đây 2500 năm vừa được khai quật năm 2009 và các hiện vật đã mang về trưng bày tại Bảo tàng Khánh Hoà, những rìu đá, các loại vòng trang sức đá, bàn mài, chày nghiền, cả di cốt người xưa nữa. Làng cổ cũng nằm ven bờ vịnh và có địa danh ngày nay là làng Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà.
Thế là chỉ cần một khoảng thời gian 2 ngày đã có thể có một chuyến du khảo thú vị đến một vùng biển nổi tiếng Đại Lãnh và cả một vùng đầy tiềm năng du lịch kề bên là vịnh Vân Phong, Mũi Đôi, Vũng Rô, Đá Bàn vừa thấy được cái chất hoang sơ, vừa thấy được cái chất thoáng đạt của một vùng biển trời bao la.
Bài: PGS.TS. Trịnh Sinh
Theo: Travellive
0 nhận xét: