'Phượt', nỗi đam mê và hiểm họa
Giới trẻ rủ nhau phượt
Xu hướng phượt phát triển mạnh trong giới trẻ đồng nghĩa với việc sẽ có những tai nạn như ngã xe, lạc đường, hỏng xe, lở đất...
Lương Bình, 5 năm kinh nghiệm phượt, cho biết có nhiều rủi ro bất ngờ ập đến với bạn trẻ thích phượt bằng xe máy tới vùng núi cao, nhiều đèo, nơi đường thường rất xấu, vực sâu và càng nguy hiểm nếu gặp mưa gió, sương mù.
Cũng theo Lương Bình, nhóm phượt càng đông người, rủi ro càng cao vì có nhiều thành viên chưa từng quen biết nên khó quản lý. Tai nạn thường xảy đến với người không có kinh nghiệm, tách đoàn để đi một mình.
Những vụ dân phượt bị tai nạn gần đây thường liên quan đến sông suối, bị nước cuốn. “Đoàn đi nhiều người và có kinh nghiệm thường phải cử người đi dò đường, dò suối trước”, Bình cho biết.
Năm 2007, một nữ sinh trượt ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi khi phượt ở vùng núi Cao Bằng. Năm 2009, cũng tại Cao Bằng, nam sinh viên ĐH Mỏ địa chất tử nạn và nữ sinh ĐH Kinh tế quốc dân bị thương nặng khi xe của họ đâm vào người đi đường.
Khôi Nguyên, vừa trở về từ cung đường Hà Nội- Hà Giang, kể: “Hành trình 4 ngày của mình gặp nhiều nguy hiểm. Có thành viên lần đầu đi phượt, ít kinh nghiệm, lái xe rất gấu, vượt cắt ngang xe tải khi đang đổ đèo, may xe tải phanh kịp...”.
Nick name Chuột đồng, nổi tiếng trên các diễn đàn của dân phượt, cho rằng, chạy xe đêm là mạo hiểm. Một thành viên trong nhóm của Chuột đồng trên đường từ Mù Cang Chải (Yên Bái) về Hà Nội từng bị tai nạn vì lóa mắt bởi đèn pha xe tải. Cũng lái xe trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức giữa đêm trên đường từ Thủy điện Yaly (Gia Lai) về thành phố Kon Tum trong hành trình khám phá Tây Nguyên, Minh Châu (Hà Nội) nhiều phen suýt gặp nạn.
Lan Chi, vừa phượt cùng 20 thành viên đến Apachải (Điện Biên), nói: “Lần đầu phượt bằng xe máy, lại đi xa, nhưng nhiều bạn nam quá chủ quan khi cua xe, đổ đèo, lắm lúc khiến người ngồi sau chỉ còn biết nín thở cầu an”.
Bí quyết
“An toàn hay không là ở chính mình, phải biết tự bảo vệ mình và tôn trọng tính kỷ luật của nhóm”, Lương Bình nói. Bình khuyên dân phượt tuyệt đối không tách đoàn, không đi xa trong lần đầu và phải có người điều hành giàu kinh nghiệm.
Với vai trò trưởng đoàn nhiều hành trình phượt, Na Nguyễn chia sẻ bí quyết: “Công tác hậu cần và tìm hiểu hành trình phải được chú trọng. Cần chia các chặng nhỏ để nghỉ, ngắm cảnh, chạy xe với tốc độ 35-40km/h. Gặp sông suối, hoặc leo núi, đi đường rừng chú ý trơn, trượt”. Na Nguyễn nhấn mạnh, nếu phượt đến các vùng rừng núi, các bạn nên đọc cuốn Kỹ năng sinh tồn hoang dã để có thêm kinh nghiệm ứng phó khi gặp các sự cố.
Theo Baomoi
0 nhận xét: