Quần Đảo Cát Bà
Vị trí, địa lý
Quần đảo có tọa độ 106°52′- 107°07′Đông, 20°42′- 20°54′độ vĩ Bắc. Diện tích khoảng gần 300 km². Dân số 8.400 người (năm 1996). Các đảo nhỏ khác: hòn Cát Ông, hòn Cát Đuối, hòn Mây, hòn Quai Xanh, hòn Tai Kéo...
Cát Bà, còn gọi là đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất trên tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long.Theo truyền thuyết địa phương thì tên Cát Bà còn được đọc tên Các Bà. Vì có một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận. Đảo có tên là đảo các Ông. Như vậy, Cát Bà là đọc chệch của các Bà.
Cát Bà là một hòn đảo đẹp và thơ mộng, nằm ở độ cao trung bình 70 m so với mực nước biển (dao động trong khoảng 0-331 m). Trên đảo này có thị trấn Cát Bà ở phía đông nam (trông ra vịnh Lan Hạ) và 6 xã: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám. Cư dân chủ yếu là người Kinh.
Có thể đến Cát Bà bằng hai loại phương tiện giao thông:
- Đi tàu thủy từ Bến BínhHải Phòng hoặc từ Vịnh Hạ Long ;
- Đi tàu Cao Tốc từ Bến Bính Hải Phòng đến cầu cảng Cát Bà ; Đi tàu Cánh Ngầm từ Bến Bính Hải Phòng đến cầu cảng Cát Bà
- Đi đường bộ từ Hải Phòng, qua phà biển Đình Vũ nối Hải Phòng với đảo Cát Hải, và phà Bến Gót nối đảo Cát Hải với đảo Cát Bà.
Lịch sử
Tương truyền xưa kia tên đảo là Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Ở thị trấn Cát Bà hiện nay có đền Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp thuộc (như bản đồ năm 1938) còn ghi là Các Bà. Như vậy có lẽ tên gọi Các Bà đã bị đọc trệch thành Cát Bà.
Trước đây đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Bà, năm 1977 mới sáp nhập với huyện Cát Hải thành huyện Cát Hải mới. Trước đây đảo thuộc tỉnh Quảng Yên, sau thuộc khu Hồng Quảng, đến năm 1956 mới chuyển về thành phố Hải Phòng.
Thị trấn Cát Bà hiện nay là huyện lị huyện Cát Hải. Trước năm 1945, thị trấn Cát Bà là phố Cát Bà, rồi đại lý Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, tỉnh Quảng Yên. Sau năm 1945, trở thành thị xã Cát Bà. Đến năm 1957 thị xã Cát Bà đổi thành thị trấn và huyện Cát Bà mới thành lập.
Khí hậu
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa chịu ảnh hưởng của đại dương nên các chỉ số trung bình về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa cũng tương đương như các khu vực xung quanh, tuy nhiên có đặc điểm là mùa đông thì ít lạnh hơn và mùa hè thì ít nóng hơn so với đất liền. Cụ thể là:
- Lượng mưa: 1.700-1.800 mm/năm, dao động theo mùa. Mùa mưa chủ yếu là tháng 7, 8.
- Nhiệt độ trung bình: 25-28°C, dao động theo mùa. Về mùa hè có thể lên trên 30°C, về mùa đông trung bình 15-20°C nhưng có thời điểm có thể xuống dưới 10°C (khi có gió mùa đông bắc).
- Độ ẩm trung bình: 85%.
- Dao động của thủy triều: 3,3-3,9 mét.
- Độ mặn nước biển: Từ 0,930% (mùa mưa) đến 3,111% (mùa khô)
Du lịch
Trên đảo chính Cát Bà có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi là một nơi đang được đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái. Phía Đông Nam của đảo có vịnh Lan Hạ, phía Tây Nam có vịnh Cát Gia có một số bãi cát nhỏ nhưng sạch, sóng không lớn thuận tiện cho phát triển du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Trên biển xuất hiện nhiều núi đá vôi đẹp tương tự vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Ở một số đảo nhỏ, cũng có nhiều bãi tắm đẹp.
- Đường xuyên đảo Cát Bà: dài 27 km, có nhiều đèo dốc quanh co, xuống khoăn, qua áng, men theo mép biển, xuyên qua vườn quốc gia, phong cảnh kỳ thú, non nước hữu tình.
- Vườn quốc gia Cát Bà: có diện tích 15.200 ha, trong đó có 9.000 ha rừng, 5.400 ha biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng.
- Động Trung Trang: Nằm cách thị trấn 15 km cạnh đường xuyên đảo, có nhiều nhũ đá thiên nhiên. Động này có thể chứa hàng trăm người.
- Động Hùng Sơn: Cách thị trấn 13 km, trên đường xuyên đảo. Động còn có tên Động Quân Y vì trong Chiến tranh Việt Nam người ta đã xây cả một bệnh viện hàng trăm giường nằm ở trong lòng núi.
- Động Phù Long (Cái Viềng) mới tìm ra, được cho là đẹp hơn động Trung Trang.
Các bãi tắm: Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Dứa, Cát Ông, Cát Trai Gái, Đường Danh v.v... là những bãi tắm nhỏ, đẹp, kín đáo, có nhiều mưa, che nắng, cát trắng mịn, nước biển có độ mặn cao, trong suốt tới đáy. Người ta dự định xây dựng ở đây những "thuỷ cung" để con người có thể trực tiếp quan sát các đàn cá heo, tôm hùm, rùa biển, mực ống, cá mập bơi lượn quanh những cụm san hô đỏ.
Cát Bà với vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, nó được mệnh danh là Hòn Ngọc của Vịnh Bắc Bộ
Khu dự trữ sinh quyển
Quần đảo Cát Bà có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO.
Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 19 tháng 12 năm 2004. Ngày 1 tháng 4 năm 2005 tại đây đã diễn ra lễ đón nhận bằng quyết định của UNESCO và kỷ niệm sự kiện này. Việt Nam hiện có 4 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận là: Cần Giờ, Cát Tiên, châu thổ sông Hồng và quần đảo Cát Bà.
Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế song kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động.
Vườn quốc gia Cát Bà
Vườn quốc gia Cát Bà là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, Hải Phòng.
Tổng diện tích tự nhiên của vườn là 15.200 ha. Trong đó có 9.800 ha là rừng núi và 5.400 ha là mặt nước biển
Toàn bộ VQG Cát Bà gồm một vùng núi non hiểm trở có độ cao <500 m, trong đó đa phần là nằm trong khoảng 50-200 m. Đảo Cát Bà chủ yếu là núi đá vôi xen kẽ nhiều thung lũng hẹp chạy dài theo hướng Đông Bắc-Tây Nam.
Rừng ở đây có một kiểu chính là kiểu rừng mưa nhiệt đới thường xanh, nhưng do điều kiện địa hình, đất đai và chế độ nước nên ở đây có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Rừng ở đây cũng có nhiều kiểu sinh thái rừng cá biệt như quần hợp Kim giao (tại khu vực gần đỉnh Ngự Lâm); đơn ưu Và nước (khu vực Ao Ếch).
Thành phần thực vật có 741 loài, nhiều loại cây gỗ quý như trai lý, lát hoa, lim xẹt, dẻ hoa, kim giao, gõ trắng, chò đãi, trên thế giới chỉ có ở dãy núi Himalaya, thực vật ngập mặn 23 loài, rong biển 75 loài, thực vật phù du 199 loài.
Trên khu vực Vườn có Có 282 loài trong đó 32 loài thú, 78 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng ngư, 11 loài ếch nhái. Đặc biệt có loài voọc Cát Bà (tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus phân loài poliocephalus) tức voọc đầu vàng (một số tài liệu gọi nhầm là voọc đầu trắng, tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus phân loài leucocephalus chỉ có ở Trung Quốc) là loài đặc hữu hẹp của Cát Bà, hiện tại chỉ còn 66 cá thể, chỉ còn phân bố ở các núi ven bờ biển (theo số liệu cung cấp của chi cục kiểm lâm VQG Cát Bà, năm 2007). Động vật phù du 98 loài, cá biển 196 loài, san hô 177 loài.
Nguồn Wikipedia - ảnh Nguyenhuuhuan.info
vietnam motorbike tour Loop Bike Tours có mang tua diễn đến đây chứ
Trả lờiXóa