Rùng mình với biển Hòn Rơm, Mỹ Khê

Nghe danh khu du lịch biển Hòn Rơm (Phan Thiết, Bình Thuận) đẹp nổi tiếng đã lâu, nên chúng tôi thật sự thất vọng sau một buổi sáng chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường và kinh doanh du lịch lộn xộn tại đây.

< Cửa cống to nhất tạo thành “suối” nước thải chạy ngoằn nghoèo cắt ngang bãi tắm, rồi xả xuống biển - Ảnh: Hà Phương

Phải công nhận thiên nhiên đã ban tặng Hòn Rơm một dải bờ biển trải dài tuyệt đẹp, nước biển xanh ngắt. Khi chúng tôi tới đây, bãi tắm đông nghịt khách nội địa nhưng chủ yếu dồn vào khu đầu và cuối bãi.

Nguyên nhân do “khúc giữa” bị chia cắt bởi ít nhất ba “suối” nước thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên bờ xả thẳng xuống biển.

< Một đoạn bờ biển đầy vỏ hải sản đang phân hủy và rác (bên phải là chợ hải sản) - Ảnh: Hà Phương

Bãi cát ở đây cũng khá đặc biệt, đoạn mịn màng sạch sẽ, đoạn lại lổn nhổn xác hải sản đã qua chế biến và rác thải. Du khách sơ ý nghếch mắt ngắm cảnh trời biển không may giẫm phải đám này, phúc lớn mới không rách chân. Có đoạn rác rưởi nổi dập dềnh ngay mép nước, trông hết sức phản cảm…
Đặc biệt, phía cuối bãi tập trung đông khách tắm nhưng chỉ cách mép sóng khoảng 20m là một chợ nhỏ bán hải sản tươi sống phục vụ khách du lịch, hoạt động khá tấp nập. Những người bán hàng múc nước biển chế biến hải sản rồi xả lênh láng ra cát. Khi chúng tôi hỏi vì sao được kinh doanh ngay sát bãi tắm, một nguời bán hàng giải thích đầy ý nghĩa: “Không phải tự nhiên bọn tui được vào đây đâu" (!).

Nhiều khách tắm biển hồn nhiên cho biết: “Bờ biển ô nhiễm thật, nhưng ra xa là sạch mà”! Tuy nhiên, một số phàn nàn môtô nước (cho khách thuê) chạy quá gần chỗ khách tắm, gây cảm giác nguy hiểm và xả khói khét lẹt.

< Rác thải dập dềnh ven bờ - Ảnh: Hà Phương

Thấy chúng tôi không xuống tắm, cô hướng dẫn viên ngần ngại giải thích tình trạng ô nhiễm và lộn xộn này đã kéo dài khá lâu nhưng đơn vị quản lý khu du lịch Hòn Rơm không chấn chỉnh. Do đó, khách du lịch nên tắm ở Mũi Né (dọc đường Nguyễn Đình Chiểu) vì bờ biển vắng vẻ, sạch sẽ lại chẳng phải mua vé vào cửa. Các resort tại đây rất cởi mở cho khách lạ vào tham quan, chụp ảnh và đi nhờ xuống tắm biển.

< Chợ hải sản ngay gần mép nước hoạt động nhộn nhịp

Ông Nguyễn Ngọc An - giám đốc phòng nội địa Công ty Fiditour - cho biết từ bốn năm trước đã ngừng đưa khách tắm biển và ngủ tại Hòn Rơm vì ô nhiễm, cơ sở vật chất quá bình dân. Hiện các tour đến Phan Thiết của Fiditour đều cho khách lưu trú, tắm biển tại Mũi Né. “Chúng tôi chỉ đưa khách tới Hòn Rơm khi có yêu cầu riêng, chủ yếu nhằm ăn uống rẻ hơn tại Mũi Né chứ không phải để tắm biển” - ông An nói.

Đáng tiếc, một số công ty lữ hành lớn tại Hà Nội vẫn đang chào bán tour TP.HCM - Mũi Né với chương trình “Tắm biển Hòn Rơm với bờ biển sạch đẹp”. Và chúng tôi trót mua phải tour này nên rời Hòn Rơm với tâm trạng của người vừa… bị lừa!

Giám đốc điều hành Công ty du lịch Lotusia Nguyễn Mạnh Khương nhận xét: “Khách nội địa thường dễ tính, về phàn nàn mấy câu là xong nên lữ hành chẳng mấy quan tâm tiếp thu. Nhưng nếu tổ chức tour như vậy với khách quốc tế, chắc chắn khi về họ sẽ đòi phạt tiền lữ hành vì cung cấp thông tin không chính xác, thậm chí nói thẳng là lừa khách”!

Theo Dulich.tuoitre

ĐGD: Cứ theo cung cách này thì Hòn Rơm đang tự giết nguồn sống, hình ảnh của chính mình... và hậu quả nhãn tiền của việc ấy sẽ không còn bao xa. Xin hãy mau mau thay đổi vì du lịch là tiền đề chính giúp Bình Thuận phát triển vững bền.

Đà Nẵng: Đen đen, vàng khè... biển Mỹ Khê?


< Hồ trữ nước thải nằm bên phải của cống xả ô nhiễm với những mảng rêu lềnh bềnh nổi trên mặt nước

Biển Mỹ Khê - dài 30km, là một niềm tự hào lớn của Đà Nẵng với cái tên “Một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” (năm 2005).
< Cống xả nước thải lềnh phềnh những rác

Nhưng giờ đây khi nói đến biển Mỹ Khê, Dũng (SV năm 2 khoa hóa ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) hùng hồn miêu tả: “Một màu đen đen, chấm thêm vàng khè”...

< Dòng nước thải tràn lên cát rồi chảy ra biển

Từ hai năm nay, một bãi tắm trên biển Mỹ Khê phải chịu sự ô nhiễm từ các cống lớn vô tư xả nước thải ra biển. Nằm hai bên cống xả là hai hồ trũng chứa nước thải nhưng vẫn không ngăn được dòng nước nhơ nhớp tràn lên cát, chảy ra biển. Hồ nước váng lên những mảng xanh vàng của rêu, lẫn với màu đen đen của nước cống và rác rưởi, nhìn mà rùng mình.

Bà Thu (một người bán hàng trên biển) lắc đầu ngao ngán: “Nhiều du khách tắm biển phải tránh xa khu vực này vì mùi hôi và sợ dịch bệnh. Vào mùa mưa nước thải càng tràn ra biển khủng khiếp hơn”.
Đến bao giờ biển Mỹ Khê mới được trở lại với vẻ trong lành vốn có?

- Theo TTO