Bài 3: Trekking: Lông nhông trên những nẻo đường
Cơm, gạo, mắm, muối...
“Từ Hà Nội đi đứa nào cũng bàn chải, kem đánh răng, khăn khố đủ cả. Nhưng sau khi đống balo được hạ thổ từ trên nóc xe xuống Nậm Xé thì rơi vãi đâu hết. Hậu quả là về sau không chỉ ăn chung, ngủ cùng mà 4, 5 đứa còn "tranh nhau chí choé" bên suối để đùn đẩy nhau đánh răng, rửa mặt trước vào mỗi sáng”.
Đó là một trong những kỷ niệm ngộ nghĩnh của các thành viên tham gia đợt trekking trên dãy Hoàng Liên Sơn dịp Tết âm vừa qua. “Có thể là rất buồn cười, thậm chí là không tưởng” - Ngọc Anh, trưởng nhóm Lông Nhông – nhóm du lịch bụi đầu tiên chuyên đi trekking, cười cười kể.
“Ngoài lều bạt, túi ngủ, chúng tôi phải chuẩn bị cả đến từng thứ thực phẩm như rau, gạo, mắm, muối... và vật dụng như nồi, bát, đũa, tăm... Bởi lẽ, những cung đường mà chúng tôi chọn khá đặc biệt, rất hiếm người qua lại, nếu có chỉ vương những dấu chân của dân bản. Không chuẩn bị kỹ thì méo mặt”.
Kinh nghiệm này được rút ra từ chuyến đi bộ đường trường đầu tiên của nhóm. Năm ấy, trekking trong tuyến Cát Cát, một bản của Lào Cai, cả nhóm đã phải dùng đũa tự chế vì trót để quên túi đũa ở nhà.
Quỳnh Hoa, một thành viên khác trong nhóm cho biết: “Phải đong đếm từng miligram thực phẩm. Tiêu chí chọn thực phẩm là phải thật nhiều năng lượng nhưng tối giản về trọng lượng, bởi tất cả sẽ dồn lên vai bạn. Cái gì cũng bị giảm thiểu một cách tối đa”.
Tiêu chí này còn được áp dụng triệt để trong khâu chuẩn bị hành lý. Mỗi khoảng không trong balo đều giá trị và được tính toán kỹ càng. Quần áo cũng phải lựa chọn căn ke cho thích hợp: Chỉ được phép mang vừa phải. Đủ ấm nhưng không được nặng. Tốt nhất là nhẹ và nhanh khô. Phái nữ muốn điệu đà một chút cũng bị trưởng đoàn tịch thu son phấn, gương lược.
Một lần, do chủ quan, Lông Nhông đi lạc giữa rừng, thực phẩm mang theo lại không dồi dào. Cả đoàn bị một phen đói vàng mắt. Lần đó, may mắn “thoát nạn” nhờ tìm được một loại rau rừng - rau dớn. Thế là cả nhà được bữa tươi, toàn rau dù đắng một chút nhưng ngon và sạch.
Thành Trung, sinh viên ĐH Bách Khoa mỗi lần chuẩn bị cho các chuyến trekking lại lọ mọ thổi cơm, nắm từng nắm nhỏ mang theo. Trung bảo: “Đi kiểu này mỗi một vắt cơm quý lắm. Không có nhiều thời gian để thổi. Mỗi vắt cơm nhỏ vào buổi sáng sớm với muối vừng đủ biết thế nào gọi là ấm bụng. Thế mới có sức mà đi tiếp”.
Hành xác dặm trường
“Đi kiểu này” theo cách nói của Trung, có nghĩa là thoát ly hoàn toàn với đô thị văn minh, cách biệt cả những khu dân cư sinh sống. Ăn rừng, ngủ lều, sống giữa thiên nhiên, tự túc đối với mọi nhu cầu sinh hoạt. So với những chuyến phượt xe máy hay vi vu ô tô, thì những đợt cuốc bộ miệt mài hàng chục cây số từ cánh rừng này sang quả núi nọ của họ có nhiều sắc thái riêng.
Có lúc đi bộ dưới cái nắng gần 40ºC, không một chút bóng râm, toàn đường đất đỏ và bụi bay mù mịt. Lần khác xuyên rừng trong khi mưa đá đổ ập trên đầu và vắt bắn tanh tách dưới chân. Có những khi đi triền miên trong rừng già, nơi chỉ có tiếng suối, tiếng lá reo… vừa chạm núi thấy bóng hai mẹ con dân bản, cả đoàn đã mừng rú lên như lâu lắm không được gặp người.
Thời tiết nắng mưa thất thường, khí hậu rừng núi khắc nghiệt, lại lao động với cường độ không nhẹ, chuyện lăn ra ốm là hoàn toàn có thể… Thuốc kháng sinh và các loại biệt dược thường được chuẩn bị cẩn thận.
Lọ mọ dài ngày trong rừng sâu nên họ không có lý gì để từ chối thưởng thức những “đặc sản núi rừng”: Vắt lân la làm quen, ruồi vàng thi nhau cắn, kiến càng đốt sưng chân... hay oái oăm như cô nàng tên Thu còn “được” một chàng ve to bằng ngón chân út hỏi thăm ở những vị trí bất ngờ.
Ban đầu tất nhiên là thấy ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu, thậm chí ghê sợ, đặc biệt là các chị em nhưng sau vài hôm nhiều người cảm thấy quen dần. Những lúc nghỉ ngơi, mấy tên tếu táo còn tự trào “chứng tỏ mình máu ngọt, có sức hấp dẫn với côn trùng” hay “coi những vết cắn như một dấu ấn kỷ niệm”.
Nếu có gì đặc biệt nhất ở tour trekking so với các loại hình du lịch bụi khác thì có lẽ là việc khuân đồ. Đi xe máy hay ô-tô… bạn có thể phó mặc hành lý cho “chúng” chở giúp, dừng chân ở nhà nghỉ hay bản làng nào thì vứt tạm ở đó để rảnh rang vãn cảnh. Nhưng, nếu trekking thì ba-lo sẽ là vật bất ly thân trong hầu hết thời gian. “Đi bộ nhiều đã mệt, chưa kể lại bị “đè” thêm một đống trên vai, nhiều lúc tự hỏi sao mình khoẻ thế? Mỗi “đống” ấy ít cũng phải 5kg: túi ngủ, quần áo, đồ cá nhân, lương khô, đồ hộp, rau sấy, hai bên hông là 2 chai Lavie 1,5l” - một nữ trekker tâm sự.
Các anh em còn “khủng” hơn: kẻ lỉnh kỉnh nồi xoong, người lủng lắng máy ảnh, tên lặc lè lều võng… Áo quần, mũ tất ướt đẫm mồ hôi, lưng nhiều khi còng xuống vì mỏi…
Đã về Hà Nội một thời gian nhưng một thành viên vẫn nhớ như in chặng đường gian khó: "Len lỏi theo đường mòn nhỏ xíu dưới nắng trời, mồ hôi túa ra như tắm làm xót thêm những vết cứa dài trên mặt, cổ, tay từng đứa. Đôi lúc giật thót mình quay lại như bị ma trêu, hoá ra là một bụi gai vô tình níu áo, kéo balô trêu chọc. Cách nhau chỉ chục mét nhưng không thấy bóng, thỉnh thoảng gọi nhau một tiếng hú vang vang".
Kéo dài trong khoảng thời gian 1, 2 tuần, những chuyến đi như thế là những thử thách thực sự với những đội sinh viên vốn ít lao động chân tay hay dân văn phòng vốn quen ngồi máy lạnh.
To “đi” or not to “đi”
Vất vả như thế nên trekking tour hiện tại chưa có nhiều tín đồ. Vì không phải ai cũng có đủ khả năng về thể lực và tinh thần để “dầm dề” trong điều kiện khắc nghiệt ấy.
“Khổ nhất là đi vào những vùng rừng không có nước” - Ngọc Anh kể. Có lần đi hết buổi sáng, cả đoàn chỉ còn đúng nửa chai nước suối. Đến trưa vội mừng rỡ vì nghe thấy tiếng suối rất gần, nhưng đi mãi vẫn chưa thấy, dù tiếng nước vẫn văng vẳng quanh tai. Mãi đến 4h chiều khi gần như cả đoàn lả ra vì khát, con suối mới hiện ra.
Có những trải nghiệm trớ trêu như chuyến xuyên rừng Hoàng Liên Sơn dịp Tết vừa rồi: Buổi sáng đi qua, những cánh đồng, rặng cây còn xanh ngắt. Chiều quay trở lại vì lạc đường đã không còn nhận ra nổi đường cũ. Khắp nơi chỉ một màu xám tro. Lúc đó, cả đoàn mới hú hồn may mà không chết cháy. “Có lẽ bà con dân bản lên rẫy đốt nương, lửa cháy xém khắp nơi”.
… Trở về cuộc sống văn minh sau 1 tuần “chịu đựng” chế độ ăn uống bụi phủi, một cậu chàng lè lưỡi khi nhớ về thực đơn trong chuyến đi: “Giờ sợ nhất là lương khô, ợ ợ! Thêm cái món xúc cù là nữa. Eo, hãi lắm rồi”.
Tương đối cao to, Ngọc Dương, một gã thiết kế thì khốn khổ mỗi lần đoàn đi vào rừng tre, rừng vầu. Chiều cao quá khổ của anh, cộng với một chiếc ba lô cao ngồng trên vai càng khó di chuyển trong tư thế ngồi khi len lỏi qua những tàng cây sát sạt trên đầu.
Với Thanh Thủy, sinh viên Genentic thì kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi bộ xuyên rừng là một ngày mưa tầm tã. Hôm ấy, buổi tối cả đoàn phải đội mưa đi kiếm từng nhánh củi, xếp lại cho khô rồi ra sức nhóm lên một chút lửa.
Đi rừng đêm, ngọn lửa không chỉ là phương tiện sưởi ấm một cách cơ học mà còn làm ấm lòng người giữa cái heo hút lạnh giá của núi rừng. Nhưng trời ẩm, nên củi ướt khó cháy, khói hun lên cay xè mắt. Những bàn tay tím tái vì rét vẫn cố nhen nhóm để thổi bùng lên ngọn lửa leo lét.
“Đã bao giờ bạn ngắm một biển mây chìm dưới chân với những chóp núi nhấp nhô trước mắt. Bạn đi giữa ngàn vạn cây rừng, giữa ngàn vạn mây bao bọc. Và bạn nhận ra mình thật bé nhỏ giữa đại ngàn”.
Đó là những dòng tự sự của Linh bi, cô gái nhỏ bé vừa trở về sau chuyến trekking 2 tuần từ Mù Cang Chải vắt sang Sa pa. “Có những lúc bước chân chúng tôi bị chùn lại, có những lúc chúng tôi đã khuỵ gối. Và có những lúc chúng tôi đã tự bảo rằng, mình sẽ không bao giờ “hành xác” thế này nữa.
Nhưng rồi, sau mỗi chuyến đi, như một con nghiện núi rừng, như một cơn nghiện thử thách, chúng tôi lại xách ba lô lên đường cho một hành trình mới, một thử thách mới, một cuộc hành xác mới”.
Bài 4: Những người trẻ, đi và chia sẻ
Diệu Linh - Hoàng Lê
Theo VietNamNet
0 nhận xét: