Những chuyện nhớ đời trên hành trình "phượt"
Mùa phượt
Mỗi năm, vào mùa xuân, những người đam mê du lịch bụi lại rủ nhau “trên từng cây số”, và giai đoạn cao điểm nhất có lẽ vào tháng 4, khi mà những ngày lễ dồn dập đến và mọi người được nghỉ dài ngày.
Tại miền Nam, các chặng đường đi Phú Quốc, Côn Đảo, Đồng Tháp Mười, Hà Tiên…, miền Bắc thì những chặng đường lên Tây Bắc luôn là niềm đam mê của giới trẻ, những cái tên như Mù Cang Chải, (Yên Bái), Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang), cao nguyên Mộc Châu (Hòa Bình)….luôn ở tư thế mời gọi. Trong khi đó, người miền Trung lại hướng đến Tây Nguyên bao la hùng vĩ với các thành phố Ban Mê Thuột, Pleiku hay địa danh cửa khẩu Bờ Y, cột mốc Đông Dương…
Anh Châu Anh (40 tuổi, làm việc trong lĩnh vực kinh doanh tại Đà Nẵng), một người đã trải qua rất nhiều chuyến phượt ở miền Nam, mới đây đã thực hiện chuyến đi lên cửa khẩu Bờ Y, cột mốc Đông Dương (Kon Tum). Cùng với 13 người bạn của mình, anh Châu Anh đã vượt qua khoảng 850 km (cả đi lẫn về) bằng xe máy.
“Thời còn sống ở TP HCM, tôi đã có những chuyến đi Đồng Tháp Mười hay lên Tây Nguyên rồi. Khi về làm việc tại Đà Nẵng, tôi khá lo lắng vì không biết các bạn ở đây có “máu” đi không, và điều bất ngờ là sau khi đăng tin tìm bạn phượt cửa khẩu Bờ Y, cột mốc Đông Dương thì đã rất nhiều bạn tham gia”, anh Châu Anh chia sẻ.
Phượt vốn là niềm đam mê của những người thích mạo hiểm, muốn thử thách bản thân, thích khám phá không chỉ thiên nhiên hoang dã mà còn muốn được tận hưởng những món ăn, những nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất mình đặt chân đến.
Trong hành trình lên Kon Tum, anh Châu Anh và nhóm bạn của mình đã thưởng thức món ếch nướng ống tre độc đáo của người dân tộc, hay qua cửa khẩu ăn gà Lào, uống rượu Lào trong một không khí cũng rất Lào.
Trong khi đó, đến hẹn lại lên, rất nhiều người trẻ ở miền Bắc sục sôi đi chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai). Ngày 27/4, chủ cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ lao động và dụng cụ để phượt (Yết Kiêu, Hà Nội) cho biết: “Mấy hôm nay nhiều người đến mua đồ để đi leo núi lắm, chưa năm nào đông người đi như năm nay”.
Đỉnh Fansipan với chiều cao 3.143m là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong 3 nước Đông Dương nên được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Fansipan cách thị trấn Sa Pa khoảng 9km, cho nên ngoài niềm khao khát chinh phục đỉnh cao, tại vùng đất này, những người phượt sẽ được cảm nhận những nét đẹp của văn hóa người Mông hay thưởng thức những món ăn nướng thơm lừng của người dân nơi đây. Chính vì thế, mỗi mùa đông hay mùa xuân về, đây luôn là tâm điểm của những người mê phượt.
Những chuyện “khắc cốt ghi tâm”
Trong hành trình lên cửa khầu Bờ Y vừa qua, một thành viên trong đoàn 16 người của anh Châu Anh đã gây bất ngờ bởi cái duyên thay lốp, thay xăm. Lúc đi, xe của người này bị thủng xăm, nhưng là những người phượt chuyên nghiệp nên mọi người đã thay được ngay tức thì, để đảm bảo an toàn, đi được một đoạn thì mua thêm lốp xe để tiếp tục hành trình cho yên tâm. Tuy nhiên, trên đường về, một lần nữa anh chàng này lại bị thủng xăm và lại phải tiếp tục.
Đường lên Bờ Y nhiều khúc cua nguy hiểm, đây lại là những chuyến đi bằng xe máy đầy gió và nắng, cho nên nhiều bạn nữ, dù rất bản lĩnh cũng có lúc hoảng hốt, nhất là đến những đoạn đổ đèo, các cô gái chỉ có thể xin dừng xe và… đi bộ.
Nhưng có lẽ, hành trình chinh phục đỉnh Fansipan với những chuyến trèo đèo lội suối, ngủ đêm trong rừng… đã mang lại những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhiều người trẻ.
Chị Phạm Thu Loan (Trưởng phòng chăm sóc khách hàng một doanh nghiệp phần mềm tại Hà Nội) cho biết chuyến đi chinh phục đỉnh Fansipan đã để lại vô số những chuyện cười của chị và đồng nghiệp.
Tháng 2 vừa qua, chị Loan cùng hơn 100 thành viên trong phòng đã có chuyến leo Fansipan, trong đó có hơn một nửa từ TP HCM bay ra nhập cuộc. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, một cô gái đã phải “méo mặt” vì không mang theo giày leo núi, trên chân cô là một đôi giầy búp bê, và để vượt qua hàng nghìn met trước mắt thì đó là điều không thể. Cuối cùng, một porter (người vận chuyển đồ) đã chủ động cõng cô leo lên núi, và chính anh cũng là người đưa cô trở về.
Trong hành trình đó, vì mới đi nên mọi người chưa đặt trọn niềm tin, và rất lo lắng, nhỡ người đàn ông “cõng đồng nghiệp của mình đi đâu mất thì thôi rồi”. Thế là, mọi người dặn dò nhau phải theo sát cặp đôi này, dọc đường đi phải luôn luôn dõi theo màu áo của nhân vật chính chẳng khác gì thám tử.
< Với sức khỏe "phi thường", những anh porter rất hữu ích cho những đoàn "phượt".
“Mọi người lúc đầu cứ nghĩ là người đàn ông đó làm vì tiền, hoặc vì cô gái đó xinh đẹp. Thế nhưng khi tìm hiểu thì không phải, và thậm chí lúc kết thúc hành trình, anh ấy không lấy tiền khiến ai cũng bất ngờ. Đó cũng là một phút giây lắng đọng về tình người trong xã hội hiện nay”, chị Loan chia sẻ.
Cũng vì chuẩn bị không kỹ giầy cứng, thiếu tất... cho nên trong quá trình leo núi, có bạn chân bị rát, phồng... nên đành phải xin các bạn nữ... băng vệ sinh để làm tấm lót đi cho êm.
Mặc dù đã tập luyện hàng tháng trời, thế nhưng trong quá trình leo núi, nhiều cô gái chỉ có khóc và khăng khăng không chịu đi tiếp. Và khi trèo lên một ngọn núi nào, đến gần đỉnh thì cả nam hay nữ đều bò bằng tứ chi. “Mọi người trong đoàn lúc đó cứ gật gù, công nhận động vật nó thông minh thật, nó đi bằng 4 chân nên mới dai sức như thế, mình có 2 chân, đi sao nổi”, chị Loan kể.
Một trong những điều mà có lẽ những người sắp leo Fans sẽ ngạc nhiên, đó là khi đã đứng trên đỉnh nóc nhà Đông Dương rồi, sau cảm giác sung sướng, tự hào, thì các phượt gia sẽ thiểu não nhìn và hỏi nhau: “Giờ thì làm sao mà xuống đây?”
Với nhiều người, khi bắt đầu một hành trình, và thậm chí cả khi đã đi được một phần quãng đường, có thể sẽ tự hỏi "sao mình đến đây để làm cái điều khổ sở thế này?", tuy nhiên, những ai đã đi, và vượt qua, thì đều đã có những trải nghiệm quý giá và có những khoảnh khắc không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình, đặc biệt là đã vượt qua chính bản thân mình. Đó là điều khiến những chuyến phượt luôn hấp dẫn với người trẻ.
Thủy Nguyên
Theo Bưu điện Việt Nam
0 nhận xét: