Thác ở rừng Tánh Linh
Cộng với cảnh quan thiên nhiên của vùng rừng nguyên sinh nhiệt đới với nhiều loại cây cổ thụ cao ngút ngàn và nhiều loại động vật quý hiếm đang được bảo tồn rộng hàng chục ngàn ha, tạo cho nơi đây hùng vĩ nên thơ và huyền bí rất có điều kiện để xây dựng thành cụm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
So với các vùng du lịch khác của tỉnh, Du lịch Tánh Linh hầu như mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, tiềm năng của vùng này thật sự đáng để các nhà kinh doanh du lịch chú ý, nhất là bức tranh thác kỳ thú và khung cảnh hoang sơ của vùng rừng núi. Thêm vào đó, vùng này là căn cứ kháng chiến vang danh một thời của chiến trường Khu VI.
Thác Bà nằm giữa vùng rừng núi hoang sơ của khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Giữa khu rừng già với dầu, sến hàng mấy chục năm tuổi, Thác Bà với 3 tầng thác độc đáo, trong đó thác 3, cao và hiểm trở nhất là căn cứ địa của Tỉnh ủy Bình Tuy cũ.
Thác Mai cũng là một địa điểm thiên nhiên kỳ thú còn lưu giữ được vẻ hoang sơ. Thác rất lớn, có chiều dài khoảng 2 km, diện tích mặt nước và bãi đá ước tính 500 ha, được hợp thành từ vô số dòng suối, thác và sông con. Dạo chơi ở khu vực này bạn sẽ thấy một thác Mai gai góc, lởm chởm và bí hiểm. Nước cứ nối tiếp nhau xô vào đá, còn đá cũng nối tiếp nhau trùng điệp, chừng như dòng thác không có chỗ tận cùng.
Giữa những ghềnh đá, tiếng thác đổ ầm ì suốt đêm ngày nhưng cũng có nơi dòng chảy êm ả, nước trong veo.
Khu vực thác tắm nằm ở phía trên dòng chảy. Ở đây, có chỗ nước không sâu, dòng chảy hiền hoà, êm ả giữa những tảng đá tròn trịa. Tiếng nước nhè nhẹ nghe như reo bên mạn thuyền. Cũng có đoạn rộng mênh mông, gập ghềnh đá và nước tung bọt trắng xoá.
Bên cạnh những thác đã và đang nhiều du khách biết đến kể trên thì Tánh Linh còn có nhiều thác hoang sơ, hùng vĩ và độc đáo. Chỉ riêng tại khu vực đèo Tà Pứa, thuộc xã Đức Phú đã có một hệ thống thác, với mỗi thác có những vẻ đẹp và điểm hấp dẫn rất riêng.
Hùng vĩ nhất có lẽ là thác Mưa Bay. Do thác có độ cao trên 40m, nên sức mạnh của thác đủ sức tạo ra…một cơn mưa phùn bao phủ cả một không gian rộng lớn xung quanh, cho cảm giác như có một cơn mưa bay bất tận.
Thác đã đẹp, nhưng khung cảnh dưới chân thác còn lãng đãng hơn nhiều khi nằm lọt thỏm giữa khu rừng già, xung quanh là những vách đá sẫm đen, bóng loáng và cao trên 60m. Thấp hơn một chút là thác Trượt. Đây là thác hiện thu hút rất đông du khách đến tham quan. Thác Trượt thấp, nhưng dài khoảng 30m lại tương đối bằng phẳng nên du khách thích cảm giác mạnh có thể trượt theo thác. Giữa nét thơ mộng của rừng lá thấp, bãi đá nhiều màu rộng gần 1 héc ta với nhiều dòng thác thấp chảy len lỏi nên nhiều người có thể cùng trượt thác.
Chếch về hướng phải thác Trượt có một thác vừa lạ về cấu trúc, vừa lạ về tên gọi. Thác gồm 2 dòng thác cùng đổ xuống, tựa 2 chiếc sừng trâu trắng xóa nên gọi là thác Đầu Trâu. Ngoài độ cao hơn 30m, thác Đầu Trâu còn hấp dẫn bởi một hồ nước thiên nhiên dưới chân thác rộng hơn 100 mét vuông. Nước quanh năm trong vắt, mát lạnh và đủ sức lôi cuốn hàng trăm du khách cùng thỏa sức vẫy vùng!
Ngoài ra, tại khu vực Đa Mi, thuộc xã La Ngâu, Tánh Linh còn may mắn sở hữu thác Đa Mi! Điểm nổi bật nhất của thác Đa Mi là rộng hơn 2.000 mét vuông với nhiều tầng thác đều nhau. Nếu có điều kiện ngược hướng trên cao của thác để đếm tầng, thác sẽ có không ít hơn 50 tầng thác cao thấp khác nhau! Ngoài vẻ kỳ lạ, do có nhiều tầng thác khác nhau, nên có cảm giác thác Đa Mi quanh năm hòa tấu nên khúc nhạc nước đa âm sắc mà có lẽ không nơi nào có được.
Thông tin từ UBND huyện Tánh Linh, hiện địa phương đã có kế hoạch khảo sát các tiềm năng Rừng – Thác để quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch thám hiểm. Và cho dù là loại hình du lịch hấp dẫn nào, chắc chắn trong số những thắng cảnh, điểm du lịch của Tánh Linh không thể không nhắc đến hệ thống thác đa dạng và kỳ thú của mình!
Tổng hợp từ internet
0 nhận xét: