Thăm đất mỏ Quảng Ninh
Du khách đã đến Quảng Ninh thì Hạ Long phải là điểm thăm thú đầu tiên. Thế nhưng, trước khi rẽ vào bến tàu du lịch Hạ Long, anh bạn người Quảng Ninh của tôi cứ nhất định phải đánh một vòng qua cầu Bãi Cháy. Anh nói phải ngắm Hạ Long từ trên cao và từ xa để thấy hết được cái mênh mông diệu kỳ của vịnh. Gió sớm từ biển thổi vào trong lành, mang theo hương vị biển cả khiến mọi người phải dừng lại trên cầu Bãi Cháy hít một hơi căng lồng ngực. Vừa xuống dốc cầu Bãi Cháy, chúng tôi rẽ vào con đường Ba Đèo khá vắng vẻ.
Từ đây có thể nhìn ra bao quát vịnh Hạ Long. Cả một vùng trời biển mênh mang hiện ra lờ mờ trong sương sớm, những con thuyền, những đảo đá... thoắt ẩn thoắt hiện tạo nên một bức tranh vô cùng sống động.
Sau khi thưởng thức từ xa hương vị của buổi bình minh trên vịnh Hạ Long, chúng tôi quyết định trở lại bến tàu du lịch Hạ Long và thuê tàu ra vịnh. Từ bờ nhìn ra, những đảo đá trên vịnh Hạ Long như bức tường che chắn biển cả và đất liền. Nhưng thuyền đi đến đâu thì bức tường ấy cứ như mở ra nhường lối. Nước biển ở vịnh Hạ Long vốn bình thường đã xanh trong, mùa này lại càng xanh hơn.
Thuyền chúng tôi cứ chầm chậm, chầm chậm xa bờ để tiến gần đến những hòn, những đảo... trên vịnh và anh bạn đưa tay chỉ, vừa kể những câu chuyện truyền thuyết về hòn Gà Chọi, hòn Chó Đá, hòn Lã Vọng... Trong đoàn chúng tôi không ít người đã hơn một lần đến Hạ Long, nhưng không ai không khỏi ồ lên ngạc nhiên trước những công trình của tạo hóa cũng như sức tưởng tượng phong phú của các bậc tiền nhân- những người đã đặt tên cho hòn, cho đảo... và lưu truyền lại những truyền thuyết làm tăng thêm vẻ diệu kỳ của Hạ Long.
Thuyền đi ngang hòn Đỉnh Hương, thoạt nhìn, mọi người có cảm giác như đây là một lư hương khổng lồ mọc giữa trên biển khơi. Anh bạn của tôi giới thiệu rằng hình ảnh hòn Đỉnh Hương được in trên tờ tiền polymer 200.000 đồng của Việt Nam thì mọi người đều thích thú móc ví tìm tờ 200.000 đồng để so sánh rồi gật gù: “Đúng thế!” và cứ lia máy ảnh đủ mọi góc độ của hòn.
Trên vịnh Hạ Long có hai điểm nên dừng chân là hang Đầu Gỗ và động Thiên Cung. Hang Đầu Gỗ được mệnh danh là “động của các kỳ quan”, nằm trên đảo Đầu Gỗ- xưa có tên là đảo Canh Độc. Vượt qua hàng chục bậc đá, chúng tôi đứng trước cửa động, lòng dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp trầm mặc, uy nghi của hang.
Càng đi sâu vào hang, mọi người càng trầm trồ trước những tuyệt tác điêu khắc đá của thiên nhiên, của thời gian. Trên vách đá của hang động tượng hình khung cảnh hoang sơ với những đàn voi đi kiếm ăn, những chú sư tử lim dim ngủ...; nhũ đá tạo nên hình ảnh của rừng măng đá, vị tu sĩ mặc áo choàng thâm, hình ảnh rồng bay phụng múa, hình ảnh bầu sữa mẹ... Thật ra, để nhận diện được những hình ảnh theo lời thuyết minh của người hướng dẫn, đòi hỏi du khách cũng phải có trí tưởng tượng, cũng phải thả hồn mình theo truyền thuyết. Đó cũng là sự thú vị khi du khách có dịp để mình lạc vào thế giới cổ tích và như thấy mình thơ trẻ hơn.
Động Thiên Cung cũng nằm trên đảo Đầu Gỗ và đây cũng là một trong những hang động đẹp nổi tiếng ở vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây. Con đường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, tán cây rừng che phủ càng tăng thêm vẻ huyền bí. Vào động, mọi mệt mỏi của chặng đường dài cứ dần tan biến bởi vẻ đẹp sống động đến ngỡ ngàng của những hình ảnh sinh hoạt đời thường, của muông thú, hoa lá... được tạo nên từ nhũ đá...
Gần 5 giờ dong thuyền trên vịnh Hạ Long, chúng tôi rời vịnh với bao tiếc nuối khi chưa được khám phá sự thú vị của một tour qua đêm trên vịnh. Tuy nhiên, bù lại, anh bạn tôi đã lên kế hoạch thẳng tiến Móng Cái. Chúng tôi lại trải qua gần 5 giờ đồng hồ trên chiếc xe khách lắc lư để vượt quãng đường khoảng 180 cây số từ thành phố Hạ Long đi Móng Cái. Trong tương lai, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ là thành phố cửa khẩu quốc tế. Còn bây giờ, Móng Cái đã sầm uất với những trung tâm thương mại, những khu vui chơi giải trí, cửa hiệu tấp nập du khách.
Những ngày thu đất Bắc, bãi biển Trà Cổ của Móng Cái- một trong những bãi biển được mệnh danh là trữ tình nhất Việt Nam- như chìm trong sương khói mờ ảo. Bãi biển Trà Cổ dài 17 km, từ mũi Sa Vĩ cho đến mũi Ngọc. Ở đây, cát trắng mịn màng, nước biển xanh trong gợi nhớ những bãi biển nổi tiếng của miền Trung. Nhờ người quen, chúng tôi tìm được 3 chiếc xe đạp và đạp men theo con đường nhựa dài chạy thẳng ra mũi Sa Vĩ. Tôi nhớ có ai đó nói rằng nếu vẽ bản đồ Việt Nam thì có lẽ nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên chữ S chính là Sa Vĩ này. Đứng ở mũi Sa Vĩ, tôi thầm đọc câu thơ của Tố Hữu “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước...” mà lòng không khỏi bồi hồi bởi những cảm nhận thiêng liêng ở nơi bắt đầu của đất nước
Trà Cổ còn nhiều di tích mà du khách không thể nào bỏ qua khi đã đến đây, như: chùa Nam Thọ mang phong cách kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ, đình Trà Cổ được cấp bằng chứng nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật, nhà thờ cổ Thiên Chúa giáo với phong cách kiến trúc trang nghiêm theo kiểu Gothic... Đặc biệt là đình Trà Cổ được xây dựng từ đời hậu Lê, thế kỷ 15, nằm cách biên giới Việt- Trung 8 km. Đình đã được tu sửa nhiều lần để thờ thành hoàng làng là 6 vị tiên công có công khai phá miền đất Trà Cổ, sinh làng lập ấp. Hơn 500 năm qua, Trà Cổ thay đổi không ngừng nhất là gần đây khi nhiều dự án du lịch được triển khai nhưng đình Trà Cổ vẫn giữ vẹn nét cổ xưa, hiên ngang giữa biển trời vùng Đông Bắc như một “cột mốc” văn hóa khẳng định chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam.
Chúng tôi chia tay Trà Cổ và đó cũng là điểm kết thúc cuộc hành trình thăm đất mỏ Quảng Ninh. Xe lăn bánh, chúng tôi cứ ngoái lại Sa Vĩ, tìm kiếm bức phù điêu Trà Cổ nằm sát mé biển với 4 chữ “vành đai biên giới” và hẹn nhau một ngày nào đó sẽ trở lại, sẽ đạp xe đi hết chiều dài 17 km từ mũi Sa Vĩ đến mũi Ngọc để thêm một lần cảm nhận hương biển nguyên sơ nơi địa đầu Tổ quốc, để thấy từng tấc đất miền biên ải đang “hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên) của mình.
Theo Báo Cần Thơ
0 nhận xét: