Hấp dẫn sinh thái Phong Điền
Về sau, Phong Điền là thổ nhưỡng rất thích hợp để trồng cam. Cam mật và cam xoàn là thương hiệu lừng lẫy một thời của địa phương này. Nhưng, sau đợt dịch “vàng lá gân xanh", cam Phong Điền đã đi vào dĩ vãng, đất này trở thành miệt vườn thịnh đạt với khá nhiều loại cây ăn trái mà nổi bật là dâu Hạ Châu.
Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, đến đây, ta như lạc vào thế giới cổ tích trong những vườn dâu xanh mát một màu lá điểm những “chuỗi trắng ngà” của những trái dâu treo đầy cành nhánh. Dâu Hạ Châu có đặc điểm vượt trội là khi chín vỏ và ruột có màu trắng ngà đẹp mắt, trông rất giống trái bòn bon, có vị ngọt thanh và thơm nhẹ.
Theo nhiều người, dâu Hạ Châu có nguồn gốc ở “miền dưới”. Mà “miền dưới”, theo nhà văn Sơn Nam là Malaysia. Bên cạnh “dâu vàng” Hạ Châu, Phong Điền còn hấp dẫn du khách với bòn bon “dâu bạc”. Đến đây, du khách có thể thoải mái vào vườn, hái trái ăn khi nào ngán thì thôi, rồi nằm võng đu đưa hưởng ngọn gió trời luồn qua cành nhánh những hàng dâu trồng ven hai bên bờ mương vườn tràn trề nước bạc.
Mùa dâu, du khách cũng có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của nó tại vườn du lịch sinh thái Giáo Dương. Vườn nằm trong bóng mát của các tàng cây ăn trái lưu niên như bưởi, mít, xoài, sầu riêng; nhưng nhiều nhất và hấp dẫn nhất vẫn là măng cụt và dâu Hạ Châu.
Đi dọc giữa hai hàng cây vàng ươm những trái dâu chín, vói tay hái một trái cho vô miệng thưởng thức vị ngọt pha chút chua dễ chịu, ai chẳng ưa! Và người ta càng thích hơn khi đến đây, vào một trong 20 tum của vườn thưởng thức những con cá, con tôm đậm đà vị ngọt sông nước phù sa. Nếu có yêu cầu, khách sẽ được vườn cung cấp cần câu cùng mồi câu, thư thả buông cần. Cá câu được, đa số là tai tượng, chép, điêu hồng, sẽ được nhà bếp chế biến theo yêu cầu của khách, bằng không thì mang về nhà.
Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương còn có những sinh vật được nuôi trong những chiếc lồng, nào trăn, khỉ, nhím, cá sấu, kỳ nhông. Đặc biệt ta sẽ thú vị khi được tự tay bơi chiếc xuồng ba lá dài theo các kinh mương trong vườn rợp bóng cây xanh. Đến đây, nếu cần, khách có thể nghỉ đêm trong phòng trọ của vườn, thư thái lắng nghe cây trái xạc xào trong ngọn gió thanh vắng đồng bằng dịu mát.
Ăn "Cơm điền chủ"
Với diện tích hơn 8 héc ta, làng du lịch Mỹ Khánh là tâm điểm của du lịch sinh thái ở Phong Điền và thành phố Cần Thơ. Với ưu điểm “trên bến dưới thuyền”, Mỹ Khánh tổ chức những tua du lịch sông nước, bằng tàu hoặc du thuyền, khám phá sông nước miền Tây Nam bộ qua các kinh rạch ăm ắp nước ngọt phù sa cùng các làng nghề thủ công mang đậm nét đặc trưng của cư dân Nam bộ.
Các ngày lễ, tết... Mỹ Khánh lại nhộn nhịp trong không khí lễ hội dân gian nhiều màu sắc. Câu cá là chuyện ngày thường, quá quen thuộc, đặc biệt, du khách sẽ được tham dự một buổi tát mương hay dỡ chà bắt cá.
Hoài niệm một thời xưa, khách cùng gia đình sẽ có dịp "nhập vai" điền chủ sống trong ngôi nhà cổ 100 tuổi, giao du những hương chức hội tề của thời phong kiến xa xưa. Gia đình điền chủ sẽ được viên cai tổng cùng các tá điền, kẻ che dù người hướng dẫn, đưa đi tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức bánh tráng mới ra lò nóng hổi, thưởng thức những chén rượu nếp rặt vừa mới ra lò còn thơm mùi hèm.
“Cơm điền chủ” là một chương trình độc đáo, hấp dẫn. Du khách thưởng thức những món ngon Nam bộ những năm 1930-1945, thoải mái bên bàn ăn với người hầu kẻ quạt, tráng miệng trái cây, chè, bánh ngọt bên tách trà nóng thơm hương sen hương lài trong tiếng ca vọng cổ phát ra từ chiếc máy hát dĩa quay tay từ thời nửa đầu thế kỷ trước.
Gần kề khu du lịch Mỹ Khánh, chợ nổi Phong Điền nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17km về phía đông nam. Chợ nhóm vào lúc 4-5 giờ sáng khi mặt trời chưa mọc cho đến 7-8 giờ sáng, lúc mặt trời lên cao cỡ ngọn sào thì tan. Cuộc sống thương hồ với cảnh xuồng ghe trao đổi hàng hóa vô cùng nhộn nhịp khiến ta liên tưởng đến câu hát xưa:
“Phong Điền chợ nổi trên sôngBồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”.
Lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi và giàn gừa độc đáo
Phong Điền có một số di tích đáng lưu ý như lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi ở xã Nhơn Nghĩa. Năm 1985, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ Trung ương đã phát hiện di chỉ văn hóa Óc Eo ở lung Cột Cầu. Và những mẫu vật ấy hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.
Theo một số người am hiểu về lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi thì nơi đây xưa kia là vùng đầm lầy, khi khai hoang, người ta bắt gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 3-4 thước. Có thể là người ta nghĩ đó là những chiếc cột xây cầu, nên đặt tên lung Cột Cầu.
Riêng bưng Đá Nổi thì được gọi từ việc người ta phát hiện nhiều tảng đá xanh, hình khối chữ nhật đã được gia công “nổi” trong bưng. Đặc biệt, tại bưng còn một tảng đá “nổi” nằm ngay bên dưới một ngôi nhà thủy tạ.
Từ lung Cột Cầu - bưng Đá Nổi đi thêm đoạn đường xanh rợp bóng cây là tới ấp Nhơn Khánh, cùng xã Nhơn Nghĩa. Tại đây, giữa mảnh đất ruộng xen lẫn vườn cây rậm rạp, xuất hiện bên đường một giàn gừa khổng lồ. Đó là một quần thể gừa khổng lồ khó tưởng tượng được. Ngọn, nhánh, rễ đan quyện vào nhau rất đẹp mắt, không biết cây nào với cây nào hay chỉ từ một cây phân ra nhiều cành nhánh um tùm. Giàn gừa cao khoảng 6 thước, chiếm một không gian đến 3.000 thước vuông.
Trong giàn gừa có miếu Bà, được xây dựng lại bằng gạch, tôn xi măng từ năm 1996. Hằng năm, vào ngày 27-2 âm lịch (có thông tin khác là ngày 28/3 âm lịch?) đều tổ chức lễ cúng, có cả tiết mục múa bóng rỗi, thu hút cả ngàn lượt người tham dự. Được biết, huyện Phong Điền đã có quy hoạch, sẽ xây dựng di tích Giàn Gừa thành điểm tham quan du lịch sinh thái, nhưng quan trọng nhất là bảo tồn giá trị di sản độc đáo này của địa phương.
- Theo TBKTSG, internet
0 nhận xét: