Rớ Cửa Đại
Nơi đây có lòng sông rộng, nhiều bãi cát bồi, nước lợ nên có nhiều loại tôm, cua, cá… tìm về trú ngụ. Có lẽ vì thế mà từ lâu cư dân vùng Cửa Đại đã quen lấy nghề đánh bắt thủy hải sản để làm kế mưu sinh.
Cư dân vùng Cửa Đại có nhiều lối đánh bắt cá tôm nhưng độc đáo nhất có lẽ vẫn là lối kéo vó quay, tiếng địa phương gọi là rớ chồ. Nghề này không biết có tự bao giờ nhưng hiện nay ở khu vực Cửa Đại có tới hàng trăm cái rớ chồ được dựng lên vừa để kiếm cá tôm, vừa tạo nên một vẻ đẹp độc đáo cho vùng cửa biển ở xứ miền Trung này.
Rớ chồ được làm bằng một tấm lưới lớn, rộng khoảng 80 đến 130m2. Bốn góc rớ được cố định bằng bốn cây tre to cắm xuống lòng sông và được kết nối với một trục quay đặt trên một cái chòi qua hệ thống dây tời dài.
Để kéo được chiếc rớ khổng lồ này người ngồi trên chòi phải dùng hai chân đạp vào các thang của trục tời để quay cho rớ nổi lên khỏi mặt nước.
Khi rớ được kéo lên, người ta bơi một chiếc xuồng nhỏ ra giữa sông, nhẹ nhàng dùng tay vén bụng rớ từ ngoài vào trong để dồn tôm cá vào phía cửa thoát nằm ở ngay dưới bụng rớ. Lúc cá tôm được dồn về một chỗ, họ lại nhẹ nhàng túm lấy miệng cửa thoát kéo thấp xuống để cho cá tôm trút hết vào lòng xuồng.
Nghề kéo rớ chồ hầu như hoạt động quanh năm, trừ những ngày nước sông dâng cao chảy mạnh. Hàng năm, cứ vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, nghề kéo rớ chồ lại vào vụ hoạt động nhộn nhịp hơn cả.
Ngày nay, nghề kéo rớ chồ vẫn là hoạt động mưu sinh chính của hàng trăm hộ gia đình sống ở khu vực Cửa Đại. Chính vì vậy mà vào những lúc sáng sớm hay khi hoàng hôn xuống, những chiếc rớ chồ ở Cửa Đại lại lung linh trong ánh nắng và mặt nước mênh mông tạo nên một cảnh đẹp nên thơ nơi miền sông nước Cửa Đại của Quảng Nam.
Theo BAVN Online
bạn muốn đi đâu, lên rừng hay ra biển vietnam motorbike tour Loop Bike Tours chiều bạn hết
Trả lờiXóa