Về Gò Công hoài cổ
Thăm quê hương danh gia thế tộc
Từ trước đến nay, chưa thấy công ty lữ hành nào tổ chức tour về Gò Công, có lẽ do giao thông chưa thuận lợi. Đường gần nhất từ Sài Gòn về Gò Công là theo hướng đi huyện Cần Đước (Long An), qua phà Mỹ Lợi, rồi thẳng quốc lộ 50 vào thị xã. Quốc lộ 50 được nâng cấp mấy năm rồi mà chưa xong nên trên quãng đường khoảng 60km mọi người phải chịu đựng bụi mù gần 30km. Nếu con đường này hoàn thành thì đi xe máy từ Sài Gòn về Gò Công chỉ hơn một tiếng vì đường khá rộng. Để không bị nhồi xóc, hít bụi, mà đi từ Sài Gòn vòng xuống ngã ba Trung Lương mất 70km, rồi mới vào thị xã Gò Công thêm 25km nữa sẽ thành 95km.
Theo tư liệu lịch sử, trong 40 làng của tỉnh Gò Công vào thế kỷ 19, làng Thành Phố có chợ và những khu phố mua bán sầm uất nhất, tập trung nhiều gia đình khá giả. Những năm 1860 - 1862, hầu hết nhà ở làng này đều xây tường, lợp mái ngói và năm 1862 làng Thành Phố trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công, nay là thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Đến nay, với hơn 200 ngôi nhà trên 100 tuổi còn giữ dáng cổ xưa, có thể nói Gò Công là nơi còn nhà cổ nhiều nhất không chỉ ở Tiền Giang (350 ngôi nhà cổ toàn tỉnh) mà cả ở miền Tây Nam bộ. Nhà cổ ở Gò Công được xây dựng bằng ô dước trộn mật kết dính với gạch. Khác nhà cổ ở Hội An đa số nhỏ, san sát nhau, nhà cổ ở Gò Công thường lớn ba gian, mái ngói âm dương, nền cao, có nhà thêm hai chái; nhà cất trên những mảnh đất rộng, chung quanh có sân vườn.
Ngôi nhà cổ có giá trị không kém nhà của đốc phủ Hải là nhà của bà Lâm Vu Liên được xây dựng cuối thế kỷ 19. Nhà có mái cong, cột bằng gỗ mun, chạm trổ độc đáo. Đường Nguyễn Huệ có nhiều nhà cổ xây cao, kiến trúc ba gian theo kiểu nhà người Việt, nội thất, vật dụng trong nhà toàn bằng gỗ, kể cả tranh trang trí, nhưng lối đi vào nhà và tường hiên theo kiến trúc Pháp.
Dấu tích về Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại, là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào ở Gò Công không còn nghe nói tới, nhưng khu lăng Hoàng Gia thì dân thị xã không ai không biết. Cách chợ Gò Công khoảng 4km, trên quốc lộ 50 là địa danh giồng Sơn Quy, nơi lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826, bao thế hệ giữ gìn, được công nhận di tích quốc gia năm 1992. Đây là khu lăng mộ Phạm và đền thờ của đức quốc công Phạm Đăng Hưng, cha thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Người giữ đền thờ cho biết lăng được xây dựng bởi thợ địa phương nhưng thiết kế của nghệ nhân cung đình Huế, nên có nét kiến trúc Huế. Khuôn viên lăng rộng đến 3.000m2, nhưng không xây dựng cho ra vẻ đồ sộ, uy nghiêm như lăng mộ của các quan đại thần khác, còn nhà thờ giống kiến trúc của nhà ở, chính điều này khiến cho người dân Gò Công thấy lăng Hoàng Gia gần gũi đối với họ và du khách.
Chỉ có ở Gò Công
Đi qua từng con đường, góc phố ở Gò Công, chúng tôi cứ thấy phảng phất vẻ xưa cổ mà những kiến trúc mới không che khuất được. Ra lăng Hoàng Gia, dù quốc lộ 50 còn chưa được làm xong, bụi mịt mù, nhưng những chiếc ôtô cứ chạy vào con đường này. Đó là những người khá giả ở Sài Gòn, ở miền Tây mới xây nhà lớn, đi Gò Công tìm mua tủ thờ. "Nhất tủ thờ Gò Công", những nghệ nhân ở ấp Ông Non, xã Tân Trung đã làm nên danh tiếng cho làng mộc chuyên đóng tủ thờ ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Những làng nghề mộc ở miền Nam không ít, nhưng chuyên về tủ thờ thì Gò Công luôn được nhắc đến đầu tiên. Người làng nghề cho biết tổ tiên họ đã đến "miệt Gò Công" gần một trăm năm, sinh sống bằng nghề làm tủ thờ. Cổng làng nghề được dựng ở gần ngã tư Cả Nhồi nhưng các cửa hàng kinh doanh tủ thờ, các xưởng mộc lớn tập trung nhiều hai bên quốc lộ 50 để người phương xa đến dễ dàng nhận biết. Tủ thờ mới đóng nhưng kiểu xưa, chạm trổ, cẩn đẹp, giá từ 20 - 30 triệu đến cả trăm triệu đồng một chiếc, thảo nào mà người khá giả thích đưa sự trang nghiêm cổ xưa vào nhà mới và muốn chứng tỏ cấp độ giàu có đã lặn lội xuống Gò Công mua tủ.
Chủ cơ sở Sáu Xuân biết chúng tôi là khách du lịch, sau một hồi thuyết minh miễn phí về làng nghề tủ thờ, anh hướng dẫn thêm: "Gò Công không chỉ có làng tủ thờ là "hàng độc", mà một số nơi có cách ăn, uống cũng thuộc loại không ở đâu có". Anh tình nguyện làm hướng dẫn viên, cùng chúng tôi trở lại nội ô thị xã. Anh đưa chúng tôi vào quán càphê bình dân đối diện hồ nước mà cư dân ở đây quen gọi là bến tắm ngựa. Anh kêu càphê đen đá. Người bán mang ra càphê pha phin và một ly nước đá, rồi vào nhưng đúng lúc càphê trong phin vừa nhỏ giọt hết, cô đến ngay khuấy đường vào càphê rồi đổ vào từng ly. Hoá ra, cách phục vụ càphê ở quán này là vậy, giống như biểu diễn pha càphê cho khách xem.
Anh Sáu tiếp tục mời mọi người món hủ tíu lòng heo, cách ăn chỉ có ở Gò Công. Trên bàn để sẵn một tô củ cải trắng xắt khối vuông cỡ con xúc xắc và ớt hiểm, hai thứ được ngâm với giấm đường, gọi là thấu. Anh hướng dẫn chúng tôi bỏ thấu vào chén nước mắm, ăn kèm với hủ tíu bột lọc, lòng heo, ngon khác tô hủ tíu xương hay hủ tíu Nam Vang ở Sài Gòn.
Anh Sáu bảo: "Đã xuống tới đây thì đi vườn sơri cho biết luôn. Sơri ngọt cũng chỉ có ở Gò Công là ngon nhất". Thế là mọi người đi đến vườn sơri trước khi rời Gò Công.
Theo SGTT
0 nhận xét: