Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
< Đỉnh Tây Côn Lĩnh lúc ẩn lúc hiện trong mây.
Kỳ 5: Vương quốc ngọc am đã tuyệt chủng.
Sau này, khi về thị trấn Vinh Quang, hỏi các cụ già ở Hoàng Su Phì, mới biết sơ qua về vụ rơi máy bay thảm khốc ở lưng đỉnh Tây Côn Lĩnh. Theo đó, vào năm 1947, một chiếc máy bay, không rõ là Dakota hay C47, đi ném bom ở vùng Lào Cai, đã bị Việt Minh bắn thương.
Máy bay trúng đạn, nên phi công đã lái về thị xã Hà Giang. Tuy nhiên, khi qua đỉnh Tây Côn Lĩnh, có thể vì mây mù, núi cao, phi công quan sát không rõ, nên đã đâm vào vách núi. Cũng có thể khi bay đến ngọn núi này, máy bay đã mất thăng bằng và đâm xuống.
Hiện tại, rất nhiều đồ dùng của người dân Chúng Phùng được làm từ bộ phận của chiếc máy bay đó. Vỏ máy bay bằng nhôm, mềm, được uốn thành điếu cày rất nhiều. Thép và hợp kim được nấu chảy luyện thành dao, liềm, xoong, chảo, thậm chí là đồ xao chè.
Từ khu nghĩa địa chôn người Pháp, chúng tôi tiếp tục nhằm hướng đỉnh Tây Côn Lĩnh cuốc bộ. Đi chừng 2 tiếng đồng hồ thì đến vách núi nơi chiếc máy bay rơi. Vách núi nằm ngay bên con suối dốc ngược, nước chảy ào ào.
< Vàng Seo Vần chỉ nơi máy bay rơi từ thời Pháp thuộc.
Đi tiếp chừng một giờ dọc ven suối Túng Quá Lìn, thì đến điểm giao cắt giữa hai con suối. Tuy nhiên, một con suối cạn trơ đáy. Theo Vàng Seo Vần, vào mùa mưa, con suối này chảy như lũ, nhưng vào mùa khô, thì lại chẳng có giọt nước nào. Con suối này bắt nguồn từ gần đỉnh Tây Côn Lĩnh, đổ thẳng xuống suối Túng Quá Lìn.
Chúng tôi đi theo hướng con suối cạn nứt nẻ, nghỉ chân giữa khu rừng trúc bạt ngàn, xanh biếc. Do suối chảy mạnh vào mùa lũ, nên làm trơ ra những khúc gỗ, những gốc cây nửa chìm, nửa nổi trong đất.
Tôi ngồi trên tảng đá lắng tai nghe tiếng chim ríu rít. Ông Trần Ngọc Lâm và lương y Phạm Văn Thanh vạch những bụi cỏ ven suối tìm thuốc quý. Anh chàng Vần rút chiếc dao đi rừng chém phầp phập vào một gốc lũa nhô lên khỏi lòng suối. Vần chặt chém một lát thì được một bó củi, chất thành đống nhỏ trước mặt tôi.
< Thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh bên một gốc ngọc am khổng lồ đã chết từ cả trăm năm trước.
Vần lấy bao diêm quẹt lửa, châm ngọn lửa leo lét vào đống củi. Thật lạ, đống củi bùng cháy như tẩm xăng, bốc mùi thơm ngào ngạt, mùi đậm hơn cả trầm hương. Tôi thấy mùi hương rất quen.
Tôi nhặt một thanh củi đưa lên mũi, bỗng chột dạ, nhận ra đây là mùi hương tôi đã nhiều lần ngửi thấy trong những lần theo chân PGS. TS. Nguyễn Lân Cường đi khai quật những ngôi mộ hợp chất. Mùi của loại gỗ này chính xác là mùi của tinh dầu ngọc am trong các ngôi mộ hợp chất.
Mộ hợp chất là loại mộ của quan lại, vua chúa, người giàu xuất hiện từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 ở Việt Nam. Người giàu được chôn trong chiếc quan tài bằng gỗ ngọc am và xác được thả trong lớp tinh dầu ngọc am đặc sánh. Quan tài được đặt trong bể hợp chất vôi cát mật và được bịt kín. Những ngôi mộ hợp chất này có thể giữ được xác ướp nguyên vẹn như mới chết hàng ngàn năm. Đây là kỹ thuật ướp xác đặc biệt của người Việt và bí quyết đơn giản nằm ở tinh dầu của thứ gỗ quý đặc biệt này.
< Những gốc ngọc am nửa chìm nửa nổi trong lòng đất.
Theo TS. Nguyễn Lân Cường, ngọc am là tên cổ, còn tên thông dụng là hoàng đàn rủ, tên la tinh là Cupressus funebris (Trung Quốc gọi là bách mộc). Đây là loại cây thân gỗ, lá kim, cao đến 35m, tán hình tháp, vỏ thân màu đỏ nâu và nhẵn. Cành mọc đứng, đầu rủ xuống nên gọi là hoàng đàn rủ.
Hoàng đàn rủ phân bố khá phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Trùng Khánh và một số tỉnh phía Nam. Tại Việt Nam, ngọc am mọc rải rác ở Hà Giang, trên độ cao gần 2.000m.
Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, thì ngọc am đã tuyệt chủng ở Việt Nam, không còn thấy loài cây này xuất hiện ở đâu nữa.
Tôi chợt nhớ lại cuộc Triển lãm Sinh vật cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại khuôn viên Bảo tàng Hà Nội. Tại cuộc triển lãm này, trong gian hàng trưng bày sinh vật cảnh của tỉnh Hà Giang, có một số tác phẩm lũa ngọc am. Đứng bên những tác phẩm này, có thể ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt bốc ra từ những gốc cây đã nằm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm dưới lòng đất.
< Những tác phẩm lũa ngọc am được phát giá bạc tỉ ở Bảo tàng Hà Nội.
Nhiều người đã hỏi giá những tác phẩm lũa ngọc am và các nghệ nhân mang chúng xuống từ vùng đất địa đầu phát giá cả tỉ bạc khiến ai cũng kinh hãi. Theo mấy nghệ nhân này, loài ngọc am chỉ mọc ở vùng Hà Giang và đã tuyệt chủng từ hàng trăm năm rồi.
Để kiếm được những gốc cây ngọc am, họ phải đào xuống lòng đất cả chục mét, xới tung cả một khu rừng, mới có cơ may kiếm được.
Những thân ngọc am chết từ nhiều trăm năm trước, gốc chìm xuống lòng đất, phần vỏ mục ruỗng, để lại phần lõi vĩnh cửu với thời gian. Gió mưa, lở núi, xói mòn, những gốc ngọc am lộ ra khỏi lòng đất. Chính vì thế, theo các nghệ nhân, chỉ những người có duyên lớn lắm mới gặp được.
Lần đầu tiên đến trụ sở Công ty Thần Châu Ngọc Việt của ông Đào Trọng Cường – người sở hữu khối ngọc bích Jade lớn nhất thế giới, tôi không được đại gia này giới thiệu về những viên đá trị giá triệu đô, mà ông khoe với tôi việc vừa tậu được một cái gốc cây ngọc am không to lắm. Ông Cường gắn nó vào bệ đá và để trang trọng giữa công ty. Ai đến, ông cũng khoe cái gốc cây này và bảo nó vô giá.
Ôi trời ơi! Trước mắt tôi, dưới lòng con suối cạn trơ đáy, hiện ra lổn nhổn những gốc ngọc am. Nếu đào lòng suối này lên, có thể thu được hàng ngàn gốc ngọc am quý hiếm. Cả cánh rừng ngọc am đã tuyệt chủng, những gốc cây lặn xuống lòng đất, rồi nước chảy xói mòn, những gốc cây này lộ ra. Hoặc quá trình lở núi, lũ quét, những gốc ngọc am bị cuốn xuống suối và bị bùn đất nhấn chìm. Vậy là, tôi đã lạc vào vương quốc của loài cây cực kỳ quý hiếm, nhưng đã bị coi là tuyệt chủng ở Việt Nam.
Tôi và lương y Phạm Văn Thanh hoa mắt với những gốc cây mà ở Mỹ Đình người ta đòi bạc tỉ. Tôi và anh Thanh ra sức dùng dao đào bới. Anh chàng Vần trông thấy cười toe toét: “Nhà báo bê làm sao được xuống núi. Mà có đem được xuống núi cũng không mang về được đâu. Kiểm lâm và công an bắt đi tù đấy”. Nghe thấy Vần nói thế, tôi và anh Thanh cụt hứng.
Sau này tìm hiểu, tôi mới biết đại ngàn Tây Côn Lĩnh từng là xứ sở của loài ngọc am. Tuy nhiên, loài cây này đã tuyệt chủng rồi. Dù công an, kiểm lâm truy bắt rất gắt gao, song hiện ở Hoàng Su Phì vẫn có một số đường dây buôn bán gỗ ngọc am về Hà Nội.
Có chuyện này, không biết có nên kể ra không. Lúc xuống núi, gặp lại anh Vàng Dìn Lênh, hỏi về cây ngọc am, anh ta nói nhỏ vào tai tôi: “Vẫn còn một cây ngọc am đấy, nhưng xa lắm, phải đi bộ 2 ngày mới tới. Nhưng đừng kể với kiểm lâm là ta nói nhé, không ta bị đi tù đấy!”.
Lênh nói với vẻ rất nghiêm trọng, rồi anh dẫn tôi ra giá phơi ngô trước nhà, chỉ vào đống quả đầy gai. Theo lời Lênh, đây là quả ngọc am mà Lênh mới hái từ cây ngọc am trong khe núi. Về thị trấn Vinh Quang, tôi mới biết, hiện trong rừng Tây Côn Lĩnh vẫn còn một cây ngọc am, nhưng được các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền đang bảo vệ cây ngọc am này như báu vật để nhân giống.
Để có được cánh rừng ngọc am, có lẽ cần thời gian cả trăm năm nữa.
Còn tiếp
» Đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ cuối)
» Kho thảo dược quý trên “nóc nhà Đông Bắc” (Kỳ 6)
» Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
» Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 4)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)
0 nhận xét: