Kim Sơn đất ngọt...

Kim Sơn - Phát Diệm, không chỉ có nhà thờ đá. Với tôi, dải đất ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) còn hấp dẫn bởi những người nông dân lam lũ nhưng giản dị, chân tình.

Đất cói vào mùa

Mùa này, người dân xứ biển Kim Sơn đang vào vụ thu hoạch cói rộ. Không quá nhiều cói như Nga Sơn (Thanh Hóa) nhưng ở đây cói cũng chất đầy nhà, phơi tràn từ sân, ngõ đến ven đường nên đi đến đâu cũng thấy mùi ngai ngái, dịu ngọt của cói. Cói tươi sau khi được thu hoạch về, người dân đem phơi khô, chẻ nhỏ, sau đó nhuộm thành màu vàng, tím, xanh, đỏ rồi dàn đều ra phơi. Nhìn qua, ai cũng ngỡ như một thảm hoa rực rỡ.
Không biết tự bao giờ, cây cói đã gắn bó với người dân Kim Sơn như cơm ăn, thức uống hàng ngày. Người ta bảo làm cói cũng vất vả không khác gì trồng lúa, cũng cày bừa đất, cấy cói, làm cỏ, bón phân nhưng do đất đai ở đây thích hợp với loại cây này nên diện tích cứ tăng dần theo năm tháng, hiện toàn huyện có khoảng 500 - 600ha cói, tổng sản lượng lên tới 5.500 - 6.000 tấn cói chẻ/năm.

Không chỉ đơn giản là nguyên liệu làm nên những chiếc chiếu êm ái, cói còn được người dân nơi đây tết thành những chiếc túi, mũ, bị, hộp trang trí hay những tấm thảm xinh xắn. Sản phẩm từ cói không chỉ giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, làm giàu mà còn trở thành niềm tự hào của người dân đất biển, bởi nó đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài cói, đất Kim Sơn còn hấp dẫn bởi bạt ngàn hoa trái, cây xanh và những cánh đồng nuôi trồng thủy sản. Ngay cả ở những vùng đất thịt nặng như Kim Mỹ, Cồn Thoi, Bình Minh, những vườn cây ăn trái sum suê cũng nối tiếp nhau, chủ yếu là nhãn, xoài, dừa, đu đủ,... Nghề trồng cây cảnh ở đây cũng khá phát triển. Dọc Quốc lộ 10 từ thị trấn Phát Diệm về tới xã Bình Minh, hai bên đường có tới hàng chục vườn cây cảnh khá quy mô. Những cây sanh, si, đa, bồ đề, hoa giấy cổ thụ được người dân tỉa tót, uốn nắn, có những chậu sanh trăm năm tuổi được rao bán với giá vài trăm triệu đồng...

Năm 1872, danh điền Nguyễn Công Trứ đã cùng bà con tới Kim Sơn quai đê lấn biển, tạo lập nên vùng đất này. Từ một miền đất hoang sơ, cằn cỗi, thưa vắng bóng người, giờ lúa, cói đã ngời xanh. Người dân Kim Sơn không ngại gian khó, hiểm nguy mà vẫn tiếp tục chinh phục thiên nhiên, thau chua rửa mặn để mở rộng những cánh đồng, đào thêm những vuông ao nuôi cá, tôm, cua... Kể từ ngày mở cõi đến nay, Kim Sơn đã có 7 lần khai khẩn, mở đất, góp phần mở rộng diện tích ra biển từ 80 - 100m/năm.

Ẩm thực phong phú

Kim Sơn nổi tiếng với các món ăn dân dã như nem (làm từ thịt nạc, trộn với thính làm bằng gạo rang giã nhỏ), bún mọc, chạo, nhưng với tôi, hấp dẫn nhất vẫn là gỏi cá nhệch. Cứ vào độ tháng 2 trở đi là Kim Sơn vào mùa bắt cá nhệch. Cá nhệch rất giống lươn, nhưng bề ngang to hơn, có con nặng tới cả kilôgam. Đây là loài cá trơn, khá dữ tợn nên đánh bắt không dễ. Cá nhệch có thể chế biến thành nhiều món như kho, rán, nấu canh chua, nhưng ưa chuộng nhất vẫn là gỏi. Sau khi bắt cá về, người ta lấy nước tro, lá tre tuốt sạch nhớt, lọc lấy thịt rồi thái mỏng, trộn với thính. Làm cá đã kỳ công, nhưng vẫn không quan trọng bằng việc nấu dấm. Đây là loại nước chấm gồm xương cá giã nhỏ, gừng, tỏi, ớt, sả, nấu cùng với mẻ. Nấu làm sao khi ăn, dấm phải đặc sánh, có màu vàng ruộm, dậy mùi thơm của các loại gia vị.

Ngay cả việc ăn gỏi cá cũng phải thong thả, từ tốn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của nó. Người ta khẽ cuốn một chiếc lá sung thành cái phễu, gắp thịt cá, rau thơm các loại rồi múc dấm lên trên, đưa vào miệng từ từ thưởng thức. Không hề có mùi tanh của cá mà chỉ thấy vị béo, ngọt và bùi, vô cùng hấp dẫn.

Mỗi lần về Kim Sơn, tôi còn được thưởng thức đặc sản bún mọc. Hẳn ai cũng nghĩ, ở đâu chả có bún mọc, nhưng tôi chắc chắn bún mọc Kim Sơn rất đặc biệt, chả thế mà có hẳn một thương hiệu uy tín: bún mọc Tố Như. Cũng là tô bún rối trắng muốt, cũng là bát nước dùng trong veo, thơm lừng, nhưng bún mọc Tố Như hấp dẫn thực khách sành ăn bởi những miếng mọc vừa giòn, vừa ngọt, nước dùng thơm đậm đà vị xương hầm, ăn kèm với chả quế. Chỉ bằng những điều giản dị ấy thôi, Kim Sơn đã níu giữ bước chân người, đã trở thành một miền nhớ thẳm sâu trong ký ức.

Rời Kim Sơn, trong tôi vẫn còn vương vấn những dư vị đậm chất thôn quê, dân dã, giản dị của miền đất ngọt.

Theo Quehuong.online