Lắng hồn đền Gióng

Rời xa những ồn ào khói bụi, những bon chen tấp nập của chốn thành đô chúng tôi về với đền Gióng, để hòa mình vào với vẻ đẹp làng quê nơi thôn dã...

Thẳng hướng cầu Thanh Trì đi khoảng 10km chúng tôi đến xã Phù Đổng – Huyện Gia Lâm – Hà Nội. Đón lấy chúng tôi là cái bình yên bao đời vẫn còn được lưu giữ của làng quê Việt.
 Chạy dài theo sườn đê là những lũy tre, từng đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng vó ngựa rộn rã mà thanh bình đến lạ.

Nằm thấp dưới đường đê, đền Gióng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra. Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây dựng thành một ngôi đền khang trang.


Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại.

Từ trên đê nhìn xuống cả đền Gióng như thu vào tầm mắt với những nét cổ kính, linh thiêng. Trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý. Màu thời gian như dồn tụ lại nơi đây khi bạn khẽ chạm tay vào những viên gạch của cổng đền. Màu của quá khứ của lịch sử đến hơn 100 năm có lẻ.

Bước vào trong là khu nhà tám mái cho mỗi du khách một cảm nhận. Có cái thâm trầm uy nghiêm lại có cái thanh tịnh phảng phất. Trầm mặc mà vẫn có nét thanh tao. Đặc biệt du khách sẽ được thấy bộ chiêng trống ấn tượng được gióng lên mỗi khi khai hội đền Gióng.

Và rồi, tâm hồn du khách như được lắng lại trong cái thinh không, thanh tịnh khi bước vào không gian của chùa Kiến Sơ, công trình gắn liền với đền Gióng, nơi thờ tam đạo (Nho, Phật, Đạo). Từng nhịp chuông ngân đều cùng những tiếng đọc kinh của các cụ trong làng cho ta cảm nhận thanh bình, cho những phút lắng lòng với đời.

Về với đền Gióng hôm nay không chỉ là để nhớ về lịch sử của cậu bé làng Gióng, cậu bé sau ba năm đã vụt lớn để trở thành người anh hùng vung gậy sắt, nhổ từng khóm tre đánh giặc mà hơn hết còn tìm lại những phút lắng hồn của riêng mình chỉ với chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đi xe máy….
Đi – Đến – Cảm nhận và lắng hồn cùng lịch sử cùng thời gian giữa nhịp sống hiện đại ồn ào, xô bồ và tất bật.

Đường về Đền Gióng nay đã ngắn lại rất nhiều nhờ những cây cầu thông suốt. Bên triền đê mùa này hoa cải vàng đã khoe sắc, ngô cũng xanh mướt mát. Đây là những địa điểm lý tưởng để bạn lưu lại những bộ ảnh đẹp.

Lễ hội Đền Gióng được tổ chức vào ngày 9/4 (âm lịch hàng năm) thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước về tham dự. Lễ hội Thánh Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.
Đặc biệt ngày 16/11/2010 UNESCO đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Afamily