Lễ hội tết Tân Mão 2011 tại TP HCM
Các chương trình chính:
1. Đường hoa Nguyễn Huệ 2011:
Từ ngày 21/01/2011 đến 31/01/2011 (nhằm từ 18 tháng chạp đến 28 tháng chạp), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn bắt đầu thi công Đường hoa Nguyễn Huệ (lần thứ 8) chủ đề “Tầm Cao Mới” tiếp nối với chủ đề “Xuân Bình Minh” của Đường hoa 2010. Đường hoa 2011 thể hiện những phấn đấu nỗ lực của Thành phố để đạt những thành quả cao hơn về kinh tế, chính trị, xã hội.
Đường hoa với các phân đoạn gồm Hồn Việt, Tết Phương Nam, Tầm Cao Mới, Xuân An Vui, Vào Mùa và Vườn Nhân Ái sẽ chính thức mở cửa phục vụ công chúng trong 7 ngày, từ 19g00 đêm 31/01/2011 (28 tháng chạp) đến 22g00 đêm 06/02/2011 (mùng 4 Tết).
• Nét đẹp và ý nghĩa Đường hoa Nguyễn Huệ 2011:
Năm nay, với chủ đề Hồn Việt, khu công viên Tượng đài Bác nổi bật sắc vàng của hoa mai. Xung quanh Tượng Bác được sắp đặt các bình hoa sen, loài hoa tượng trưng sự giản dị, thanh cao và đằm thắm. Một hành lang dài được được tạo thành bởi những chậu mai vàng khoe sắc thắm.
Tại vòng xoay cây liễu, các loại hoa mang sắc màu của vàng, hồng, đỏ được sắp đặt một cách khéo léo tạo thành một vầng thái dương rạng rỡ như soi rọi ánh bình minh, đem lại sức sống mới cho năm 2011.
Chỉ một vài bước chân về phía trước, phân đoạn đường Nguyễn Huệ từ đường Lê Lợi đến đường Nguyễn Thiệp với chủ đề Tết Phương Nam, đôi mèo hạnh phúc – biểu tượng của năm Tân Mão - sẽ tươi cười chào đón du khách đến với một Tết Phương Nam đúng nghĩa đầy sắc màu đặc trưng. Cụm tiểu cảnh Nắng Phương Nam, gió Phương Nam được thể hiện bằng những thanh gỗ mộc mạc phối hợp với hoa thật tinh tế. Xen kẽ với các tiểu cảnh quạt hoa là những chú mèo chúc xuân đầy nét nghệ thuật, những hình ảnh thân quen của Bánh Tét, dưa hấu, liễn đối chúc xuân, trống hoa đua nở góp phần tạo nên một không khí xuân chào năm mới.
Đoạn Đường hoa từ đường Nguyễn Thiệp đến đường Huỳnh Thúc Kháng chủ đề Tầm Cao Mới với biểu tượng chính là những vòng hoa tượng trưng cho những vòng tay vươn lên cao thể hiện sự đoàn kết xây dựng, phát triển của Việt Nam trong năm mới. Trong suốt phân đoạn, các tiểu cảnh cách điệu của đèn lồng, hoa tre…sẽ khiến du khách phải dừng chân ngắm nhìn. Tại giao lộ Nguyễn Huệ - Huỳnh Thúc Kháng hình ảnh cánh diều hoành tráng được tạo thành bởi vô số cánh diều nhỏ thể hiện sự đoàn kết, chung sức của người dân vì sự phát triển của đất nước Việt Nam thân yêu.
Hơi nước mát dịu từ hồ nước được thiết kế theo phong cách hiện đại phối hợp tinh tế với các loại hoa kiểng bình dị, một trong các tiểu cảnh của phân đoạn Xuân An Vui kéo dài từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Ngô Đức Kế. Các tiểu cảnh Vòm hoa lan, cánh sen cách điệu, thúng hoa, ghe hoa và hoa rừng là sự kết hợp tuyệt vời giữa hoa và các chất liệu mộc mạc của tre, trúc mang lại cho du khách một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Nối liền với đại cảnh Hồ Sen, các tiểu cảnh giỏ hoa tình yêu, xe đạp hoa, ngôi nhà hoa hồng thay lời chúc xuân của Thành phố Hồ Chí Minh đến tất cả mọi người.
Phân đoạn từ đường Ngô Đức Kế và đường Hải Triều với thông điệp Vào Mùa đưa du khách vào một vụ mùa bội thu với hoa trái to tròn, với ô vuông phơi lúa, với những chậu gốm và hoa bung mình trong nắng. Dọc hai bên đường, những bức tranh Tết, thiệp chúc Tết, phướn Đường hoa đầy màu sắc như hòa thêm với niềm vui của một ngày mùa.
Đang đắm mình trong không gian của vùng quê trù phú với các nông phẩm kết hợp với chất liệu gốm sứ, du khách sẽ bị thu hút bởi một cây mai vàng rực nằm giữa một hồ nước xinh xắn – Hồ Chúc Phúc tiểu cảnh chính của phân đoạn từ đường Hải Triều đến đường Tôn Đức Thắng với chủ đề Vườn Nhân Ái. Tại khu vực này, Ban Tổ chức Đường hoa và Công ty CP Kinh Đô trao tặng du khách những tấm thiệp xinh xắn. Cây mai vàng khoe sắc không chỉ là một phần của tiểu cảnh mà còn là nơi để treo các thiệp Tết do du khách ghi câu chúc với mong ước chuyển những lời chúc đầy yêu hương, phước lành đến người thân.
Hồ Chúc Phúc đã từng hiện diện tại Đường hoa Mậu Tý 2008 lại một lần nữa hội ngộ cùng du khách. Xuân Tân Mão này, toàn bộ sự sẻ chia của du khách dành cho đồng bào vùng thiên tai thông qua những đồng xu được thả vào hồ Chúc Phúc cùng với số tiền do công ty CP Kinh Đô đóng góp sẽ được Ban Tổ chức Đường hoa chuyển vào Quỹ hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai sau khi kết thúc Đường hoa Nguyễn Huệ 2011.
Tiểu cảnh Lều Hoa tại phân đoạn giáp đường Tôn Đức Thắng là sự kết hợp giữa chất liệu vải và hoa mang hình ảnh một bàn tay nhẹ nhàng ôm lấy những bông hoa nhỏ bé thể hiện cho tinh thần tương thân tương ái của người dân Thành phố.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2011 được trưng bày suốt trục đường Nguyễn Huệ, phối âm thanh hài hòa, tôn vẻ đẹp của không gian Xuân. Trưng bày nghệ thuật cắm hoa, tổ chức Hồ Chúc Phúc để quyên góp từ thiện. Bố trí một số điểm cà phê giải khát trước các khách sạn, thương xá Tax và trên vỉa hè để phục vụ khách tham quan. Tổ chức phố đi bộ trên đường Lê Lợi với một số nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa sạp, trò chơi dân gian,… vào đêm kết thúc Đường hoa (mùng 4 Tết).
Hạn chế lưu thông xe cộ:
- Ngăn lưu thông xe trên làn ô tô đường Nguyễn Huệ (từ Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng) suốt thời gian thi công và thu dọn.
- Ngăn toàn bộ lưu thông xe cả trên làn ô tô và gắn máy đường Nguyễn Huệ (toàn trục đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ) suốt thời gian phục vụ công chúng.
- Ngăn toàn bộ xe lưu thông cả trên làn ô tô và gắn máy đường Lê Lợi, từ Quảng trường Quách Thị Trang đến Nhà Hát Thành Phố vào tối ngày 06/02/2011 (mùng 4 Tết).
2. Ngày Hội Bánh Tét 2011 tiếp nối mục tiêu chăm lo cho người nghèo đã được thực hiện từ Ngày hội Bánh Tét 2009 và 2010.
- Từ ngày 26/01/2011 (23 tháng chạp) đến ngày 31/01/2011 (28 tháng chạp), Ủy ban Nhân dân 24 quận, huyện lần lượt tổ chức cuộc thi Nấu Bánh Tét 2011 kết hợp tặng Bánh Tét và quà Tết cho các hộ nghèo tại địa phương.
- 8g00 ngày 31/01/2011 (28 tháng chạp) Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội và Công viên Văn hóa Đầm Sen tổ chức Lễ trao tặng 10.000 đòn Bánh Tét cho các Mái Ấm, Nhà mở trên địa bàn Thành phố. Song song đó, đoàn trao tặng Bánh Tét cũng tổ chức Lễ trao tặng cho các Mái ấm, Nhà mở thuộc các quận huyện ngoại thành tại 3 địa điểm: Bình Phước, Chánh Phú Hòa (Bình Dương) và Trung tâm Dạy nghề Thanh thiếu niên Thành phố (huyện Hóc Môn).
Ngày Dâng cúng Bánh Tét:
- 7g00 ngày 31/01/2011 (28 Tết) dâng tại Đền Hùng (Q.9)
- 7g30 ngày 01/02/2011 (29 Tết) dâng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng Tôn Đức Thắng.
3. Pháo hoa Giao thừa:
Nhằm chào mừng Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán 2011, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bắn Pháo hoa đêm giao thừa Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán.
- Tết Dương lịch: 00g00 đêm 01/01/2011, pháo hoa tầm thấp diễn ra tại 2 địa điểm: khu vực xưởng đóng tàu Caric (quận 2) và Công viên Văn hóa Đầm Sen.
- Tết Nguyên Đán: 00g00 đêm 30 tháng chạp (nhằm 03/02/2011), pháo hoa chào mừng Xuân Tân Mão diễn ra đồng loạt tại 8 điểm gồm:
5 điểm tầm cao:
+ Khu vực xưởng đóng tàu Caric (quận 2)
+ Dự án Xây dựng Trung tâm Hành chính Quận 7 (P. Tân Phú, Q.7)
+ Dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp)
+ Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn)
+ Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi)
3 điểm tầm thấp:
+Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (quận 9)
+ Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11)
+ Huyện Cần Giờ
4. Phố tỏa sáng (Đường đèn):
Từ ngày 26/01/2011 đến ngày 14/02/2011 với sự tài trợ của các doanh nghiệp:
- Đường Lê Lợi do công ty CPĐT Vạn Thịnh Phát, công ty CPĐT An Đông (Windsor Plaza Hotel) và công ty CPĐT Đại Trường Sơn tài trợ.
- Đường Đồng Khởi được tài trợ bởi công ty công ty CPĐT Quảng trường Thời Đại (TimesSquare Việt Nam) và công ty CPĐT An Đông (Windsor Plaza Hotel).
5. Khoảnh khắc đón Năm mới diễn ra từ 21g00 – 24g00 đêm 31/12/2010 với màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng và chương trình ca nhạc hoành tráng tại sân khấu ngoài trời trước tòa nhà Sunwah – Nguyễn Huệ.
6. Trang hoàng Mặt Phố Tết và trình diễn Doorshows:
Nhằm tạo không khí Tết vui tươi phục vụ du khách, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn phối hợp các khách sạn trong hệ thống tại khu vực trung tâm Thành phố tổ chức trang hoàng Mặt Phố Tết với biểu tượng của năm Tân Mão, song song đó từ ngày 31/01/2011 (28 tháng chạp) đến 06/02/2011 (mùng 4 Tết) hàng loạt các chương trình nghệ thuật như múa lân sư, ca nhạc, biểu diễn trống…sẽ lần lượt diễn ra tại các khách sạn Caravelle, Rex, Majestic, Grand, Continental, Kim Đô, Oscar, Bông Sen, Palace…
11 điểm giữ xe đường hoa Nguyễn Huệ 2011
Nhằm phục vụ công chúng thưởng lãm đường hoa Nguyễn Huệ 2011 cũng như tham gia các hoạt động lễ hội Tết tại khu trung tâm, Ban Tổ chức lễ hội Tết TPHCM thông báo chính thức 11 điểm giữ xe phục vụ với giá 2.000 đồng/lượt, gồm:
1. Lề Công viên 23-9, khu A đường Lê Lai, đoạn từ Nguyễn Thị Nghĩa đến Công trường Quách Thị Trang.
2. Lề Công viên 23-9, khu A, đường Phạm Ngũ Lão, đoạn từ Nguyễn Thị Nghĩa đến Công trường Quách Thị Trang.
3. Lề đường Mạc Thị Bưởi, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Phan Văn Đạt.
4. Lề đường Phan Văn Đạt, đoạn từ Mạc Thị Bưởi đến Công trường Mê Linh.
5. Lề đường Lý Tự Trọng, đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur.
6. Lề đường Pasteur, đoạn từ Lý Tự Trọng đến Lê Thánh Tôn.
7. Lề đường Công trường Quách Thị Trang đến Tổng Công ty Đường Sắt.
8. Lề đường Hàm Nghi, góc Công trường Lam Sơn (vách Tổng Công ty Đường sắt).
9. Lề đường Hàm Nghi, đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur (vách Trường Kỹ thuật Cao Thắng).
10. Lề đường Lý Tự Trọng, đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi
11. Lề đường Lý Tự Trọng, đoạn từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng (phía Trường Trần Đại Nghĩa).
Thời gian giữ xe từ 6 giờ đến 24 giờ ngày 31-1 đến 6-2 (từ 28 tháng chạp đến mùng 4 Tết).
Riêng đêm giao thừa, 2-2, từ 18 giờ đến 24 giờ, ban tổ chức tăng cường thêm 2 điểm giữ xe để phục vụ công chúng xem chương trình biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa:
1. Lề Công viên 30-4 đường Alexandre De Rhodes, đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur.
2. Lề Công viên 30-4 đường Hàn Thuyên, đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur.
Theo Duonghoanguyenhue, NLĐ
0 nhận xét: