Phượt cùng xuân
Nếu có thể, hãy liên lạc trước hoặc giữ số điện thoại của ai đó từng đi cung điểm đến mà bạn sắp đi để được chỉ dẫn. Chuyện ăn uống cũng nên đặc biệt lưu ý để tránh ngộ độc, thậm chí phải mang theo mì gói, đồ hộp, thuốc men.
Thái độ, tinh thần khi đi phượt dịp tết cũng cần lưu ý. Vì tết là dịp rất đặc biệt, hãy niềm nở khi tiếp xúc với người khác, có thể các bạn được đón tiếp như người nhà". (Trần Viết Hồng Lân - phó chủ tịch Hội Du khảo trẻ TP.HCM)
“Tết này đi nhé!”, “Ừ! Thì đi”. Những lời rủ rê nhanh gọn như thế là khởi đầu của những chuyến phượt ngày tết. Đi để một cái tết theo cách riêng của mình, để “cảm” mùa xuân trên những vùng đất khác, và nhất là để những đôi chân thỏa cơn khát “thèm đi”.
Tết khám phá
Tết này, Trần Huỳnh Nhật Thương (SV ĐH KHXH&NV, TP.HCM) sẽ “đơn thương độc mã” đi qua các tỉnh miền Tây từ mùng 2 đến mùng 6 tết. Kế hoạch của cô nàng như sau: mùng 2 tết đi từ quê Đồng Nai lên Sài Gòn, sau đó ra bến xe miền Tây đón xe đi thẳng xuống An Giang, ở An Giang đến hết mùng 3 Tết để làm “phó nháy” trong đám cưới một người bạn, sau đó đón xe đi Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh.
Lộ trình dài thượt như vậy nhưng cô nàng chỉ giắt túi vỏn vẹn một triệu đồng. Và lý do cô nàng đưa ra cũng rất tình cảm: “Hầu hết các tỉnh miền Tây mình đến đều có bạn ở đó. Vì vậy mình chỉ lo tiền xe thôi còn chuyện ở và ăn uống thì có bạn chăm sóc rồi”.
Không đợi đón giao thừa hay mùng 1 tết, anh chàng Trần Phước Lộc (Q.6, TP.HCM) thì đã vi vu miền Trung từ 25 tháng chạp và dự kiến đến mùng 4 tết sẽ quay lại TP.HCM. Vài ngày sau, Lộc sẽ tiếp tục “lang thang” ở Siem Riep (Campuchia). Kế hoạch "rong chơi" này đã được lên một tháng trước tết.
Hành trình miền Trung của Lộc có các điểm dừng như Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Yên, Bình Định.
Tây Nguyên là điểm đến của Thanh Tâm (học sinh trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn) từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Mùng 6 Tết, Tâm sẽ về ăn cơm cùng ba mẹ, sang mùng 7 lại vác ba lô đi tiếp. Gia đình ủng hộ Thanh Tâm hai tay vì chuyến đi ngày Tết này không chỉ là du lịch mà còn là thử thách lớn đầu tiên trong công việc hướng dẫn tour của Thanh Tâm.
Nối dài những nẻo đường xuân
Đi để có một cái tết mới, tết khác với mọi năm, đi để tìm hiểu hương vị tết miền Trung, ẩm thực miền Trung - là những lý do thôi thúc Phước Lộc vác ba lô lên đường.
Lộc từng có kinh nghiệm đón tết xa nhà khi là du học sinh ở Malaysia, đêm giao thừa sẽ không tránh khỏi bồi hồi, không khỏi ước ao có mặt bên gia đình. Nhưng chính ba mẹ Lộc lại động viên con trai cứ đi để biết thêm không khí tết ở những vùng đất mới.
Cô bạn Nhật Thương cũng nhận được sự động viên của ba mẹ: “Con cứ đi cho biết đó biết đây và tích lũy thêm vốn thực tế cho lĩnh vực báo chí mà con đang theo học”.
Nhật Thương đang rất hào hứng với tour miền Tây do mình tự thiết kế: “Mình cũng muốn tìm hiểu về miền Tây và lưu giữ những cảm nhận ấy quá những bức ảnh tự tay mình chụp. Có những người bạn làm hướng dẫn viên thì chắc chắn hành trình của mình sẽ rất thú vị”.
Nhưng không vì thế mà cô bạn không thử hình dung những khó khăn, trục trặc có thể xảy ra khi “thân gái dặm trường”: “Nhà mình thì không phản đối chuyến đi của mình nhưng cũng hơi lo vì đây là lần đầu tiên đi xa một mình. Phải cẩn thận chuyện xe cộ kẻo giữa đường bơ vơ không biết kêu ai!”.
Thanh Tâm - học sinh trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn - thì đang hồi hộp: “Đây là năm đầu tiên xa nhà trong mấy ngày tết. Có lẽ đó cũng sẽ là dịp để mình cảm nhận được tâm trang của những SV đón tết xa nhà, những công nhân vì vé tàu xe đắt đỏ mà suốt mấy năm không được về quê đón tết. Những điều đó sẽ tiếp thêm ý chí cho mình trong những ngày tết xa nhà sắp tới”.
Những chuyến mùa xuân bao giờ cũng có mùi vị đặc biệt so với những thời khắc khác trong năm. Riêng bởi hành trình ấy có một chút bồi hồi, một chút buâng khuâng, có cái hồ hởi khi "lắng nghe mùa xuân về" trên một vùng đất mới, có cái nhớ thương người thân yêu, có cả chút "dũng cảm" của bạn trẻ...
Theo Tuoitre
0 nhận xét: