Thác Sao Va (Xao va)
Đã có lần tiếp xúc với Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lữ Đình Thi, ông tâm sự: Chỉ cách đây chừng dăm bảy năm thôi, khi nói đến việc “làm du lịch” ở Quế Phong không ít người nông dân quanh năm bán mặt trên nương trên rẫy xem đó là “việc xa xỉ”!
Chẳng ai nghĩ ngọn thác, cái hang quanh năm bám lấy bản làng hay những nếp nhà sàn họ vẫn sống, vẫn ngày lại ngày lên xuống lại có thể trở thành điểm du lịch để những người (tạm gọi là du khách) mãi tận đâu tìm đến, thưởng ngoạn, ngắm nghía, chụp ảnh và cả sự trầm trồ.
Chính những cán bộ nơi đây cũng thừa nhận rằng, lĩnh vực “công nghiệp không khói” ở đây chỉ thực sự được bàn tới một cách thấu đáo, triệt để khi ban hành Đề án phát triển du lịch - lễ hội được huyện Quế Phong triển khai trong thời gian tới.
Từ đây, cơ sở pháp lý quan trọng để khái niệm “làm du lịch” mới dần trở nên gần gũi hơn với người dân và chính quyền các cơ sở. Và, chính trong nền tảng này, những địa danh đầy tiềm năng như Sao Va, Đền chín gian, hay các hang núi, khu nhà sàn, kể cả tour du lịch đi các xã vùng biên Tri Lễ, Hạnh Dịch, Thông Thụ có thể trở thành điểm dừng lý tưởng trong hành trình du lịch sinh thái vùng Tây Bắc của tỉnh...
Chúng tôi tìm đến “di sản thiên nhiên” đang nằm trong “quy hoạch” điểm du lịch hàng đầu của huyện là thác Sao Va. Một trong những điểm lý tưởng từ lâu đã cuốn hút du khách. Với thế đứng cắt dọc vạt rừng xanh ngắt, ngọn thác thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh.
Dòng nước óng ánh dưới ánh nắng trông hiền hòa chảy dọc đôi bờ đá. Đến với Sao Va, ngọn thác này từng gắn mình với câu chuyện lịch sử của cộng đồng người Thái Tây Bắc.
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp, lại được con người khoác thêm lớp màn lịch sử, cùng với quần thể hang động, đền và kiến trúc văn hóa vật thể, thác Sao Va đã và đang hứa hẹn là điểm lý tưởng nhất của Quế Phong nếu công tác quy hoạch, xây dựng các công trình phụ trợ du lịch như xây dựng bãi đá nghệ thuật, khu nhà sàn các dân tộc, khu chợ, khu làng nghề, khu cắm trại, vườn chim, vườn phong lan...
< Đã có thời kỳ thác Sao Va suýt chết khi thủy điện Sao Va tích nước: không chỉ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của bà con vùng hạ lưu mà còn ảnh hưởng việc khai thác tiềm năng du lịch của thắng cảnh thác.
Ngoài Sao Va, du khách có thể ngược dốc Phú Phương lên đỉnh Pú Pỏm để đến với Đền Chín Gian, nơi khai lập 9 mường lớn, xem những dấu tích của lịch sử từ những thế kỷ XV còn được mọi người kể lại hoặc được ghi lại trong sử sách. Để chứng kiến các nghi lễ truyền thống như Lễ rước, Lễ chém trâu, Lễ Đại tế, Lễ tạ. Hay cũng từ Sao Va xuôi xuống chân núi tiến vào lòng hồ thủy điện Hủa Na, Cửa khẩu Thông Thụ...
Đã bao đời, người Kinh, người Thái, người Mông sống hòa vào thiên nhiên, là nơi từng che chở, nuôi dưỡng không ít bản làng trù phú. Trong nhiều bản Thái ngày nay còn giữ vẹn nguyên được những nếp nhà sàn truyền thống dọc các sườn đồi hay ven bờ suối.
Không chỉ bảo tồn được văn hóa nhà sàn, điệu dân ca, điệu khắp, câu nhuôn mà còn duy trì được nhiều nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, gìn giữ được những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt đặc trưng...
Du lịch sinh thái cộng đồng vừa là thế mạnh, vừa là hướng đi đúng đắn, phù hợp nhất để du lịch đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang nằm ở giai đoạn “manh nha”, muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Quế Phong còn một khối lượng công việc phải làm.
Từ việc khảo sát các địa danh tự nhiên, các di tích trên địa bàn để quản lý; khảo sát toàn bộ các làng, bản đủ điều kiện bảo tồn văn hóa vật thể, mở rộng các điểm du lịch cộng đồng; mở rộng quảng bá các di tích, ngành nghề truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian, khôi phục các lễ hội truyền thống; xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như điểm lưu trú, điểm sinh hoạt văn hóa, đường, điện; sản xuất các sản phẩm du lịch đặc trưng như dệt thổ cẩm, đan lát... đến việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu du lịch, các di tích, thắng cảnh trên địa bàn và đặc biệt là bản sắc văn hóa Thái, Khơ mú, Mông...
Với thế mạnh có được nguồn lực cả về tự nhiên và văn hóa xã hội, nhưng để khai thác hiệu quả nhằm biến thế mạnh đó trở thành các giá trị vật chất cụ thể, nhằm phát triển kinh tế bền vững, mở rộng giao lưu, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa... huyện Quế Phong cần nhiều điều kiện hơn để có một bước tiến trong hoạt động du lịch cộng đồng.
Theo báo CA Nghệ An
0 nhận xét: