Ăn Tết trên đường đi 'phượt'
Mùa xuân là mùa lễ hội, khi cảnh quan đẹp nhất trong năm, cũng là dịp tốt nhất để khám phá văn hóa mỗi vùng miền - là lý do khiến Tết năm nào anh Đặng Duy Việt, cán bộ dự án xây dựng ở Hà Nội, cũng lên đường. Những năm trước, anh thường đoàn tụ cùng gia đình trong ngày mùng một, và khởi hành từ mùng 2.
Sau những lần ăn Tết cùng bà con Tây Nguyên hay ngao du sông nước miền tây..., năm nay, anh quyết định xuất ngoại sớm, khám phá mảnh đất Vân Nam Trung Quốc với những địa danh nổi tiếng như Đại Lý, Lệ Giang, cao nguyên Shangrila...
"Mỗi lần đi lại một lần thấm rằng mỗi miền đất có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Mình nhớ dịp Tết 2009 đi Tây Nguyên vào đúng dịp hoa cà phê nở, háo hức lắm. Hồi đó mình đi máy bay vào Đà Nẵng rồi thuê xe máy lang thang đi tiếp, chụp ảnh, thăm nghệ nhân, cảnh quan, các di tích lịch sử...", anh Việt say sưa kể lại kỷ niệm chuyến đi Kon Tum - Buôn Mê Thuột.
Chàng trai 31 tuổi cho biết, anh thích phượt một mình hoặc rủ thêm 1-2 người bạn. "Đi ít người cũng có cái hay, đến mỗi nơi, mình sẽ phải tự tìm bạn, tự giao lưu, chứ không tìm niềm vui nơi bạn bè đông đúc như những nhóm nhiều người. Có khi dừng chân đâu đó, bỗng thấy nhớ không khí Tết ở nhà, nhớ Hà Nội da diết. Sau những giây phút đó, mình trân trọng cuộc sống hơn, và khi trở về, cảm thấy gia đình mình thật thân thương, gắn bó", anh Việt chia sẻ.
Thế nhưng, cũng vì sở thích phượt Tết này mà anh từng không ít lần bị người yêu giận dỗi. "Biết là cô ấy buồn nhưng cái thú nó ngấm vào máu rồi, không thể bỏ được, chỉ biết cố gắng bù đắp cho nàng khi trở về thôi", anh phân trần.
Trong chuyến đi Trung Quốc lần này, vì không tự tin về tiếng Trung, lại đi tới một vùng đất hoàn toàn mới nên anh muốn đi cùng nhóm đông người cho "an toàn". Trong nhóm, chỉ vài người quen nhau từ trước, còn lại các bạn biết nhau qua trang mạng Trí tuệ VN. Chuyến đi của anh đã bắt đầu từ 28 Tết.
Giống như anh Việt, không ít người "lội ngược dòng", chọn dịp này này để rời nhà đi khám phá không khí đón xuân ở những miền đất lạ, trong khi Tết truyền thống vẫn được coi là thời điểm để mọi thành viên trong gia đình trở về quây quần.
"Những người thích du lịch hay thích phượt luôn mong tới khi có thời gian rảnh để tổ chức những chuyến đi. Và Tết là một dịp như thế. Ngoài ra đi chơi trong dịp này có thể khám phá những phong tục Tết của địa phương đó", anh Nghiêm Xuân An, một thành viên của diễn đàn VnPhoto ở TP HCM lý giải nguyên do mình và nhiều người có "máu" phượt thích đi vào Tết.
Theo lời anh, dù những điểm đến đó có thể đã quen thuộc nhưng vẫn thấy hào hứng vì đi vào Tết sẽ rất khác. "Khi đó, nếu mình tự đi xe máy thì di chuyển trên đường sẽ thích hơn vì đường vắng và sạch hơn. Đây cũng là dịp để thấy được phong tục ăn Tết ở những nơi mình tới, và được thưởng thức nhiều món ăn có thể ngày thường ít có", anh nói.
Anh Xuân An bắt đầu ăn Tết xa gia đình từ vài năm trước (Tây Nguyên năm 2009, các tỉnh miền Tây năm 2010, năm nay thì Đà nẵng, Huế). "Có một may mắn là mọi người trong gia đình, họ hàng đều tập trung ở nhà mình vào mùng một nên mình gặp được tất cả và đỡ áy náy vì... bỏ Tết nhà đi chơi", anh kể.
Cùng ham du lịch, những ngày này, ngoài việc chuẩn bị sắm Tết, lo hai bên nội ngoại, vợ chồng anh Phạm Trọng Thuật (Hà Nội) cũng đang chuẩn bị dần cho chuyến du xuân sang Lào vào ngày mùng 2 âm bằng xe bus.
Để có đi chuyến này, vợ chồng anh phải gửi hai cậu con trai, một 10 tuổi, một 4 tuổi nhờ ông bà nội chăm giúp. "Cả năm làm việc vất vả rồi, chỉ có dịp này được nghỉ nhiều nên hai vợ chồng tranh thủ đi chơi dài ngày. Bố mẹ mình rất hiểu nên các cụ thông cảm và ủng hộ", anh Thuật chia sẻ. Những năm trước, vào dịp đầu xuân, nếu đến những địa điểm gần, anh vẫn lái xe đưa cả gia đình đi chơi.
Để yên tâm khởi hành và tận hưởng chuyến đi, vợ chồng anh phải sắp xếp chuẩn bị Tết chu đáo ở nhà từ trước. "Mình cũng tính kỹ cả rồi, khởi hành mùng hai thì cả gia đình vẫn sum họp cùng đón giao thừa, rồi mùng một vẫn đưa các con đi chúc Tết họ hàng được", anh nói.
Không chỉ vì "máu" phượt hay thích khám phá miền đất mới, nhiều người chọn đón xuân xa nhà vì chán những cái Tết lặp đi lặp lại, muốn thay đổi không khí và làm mới chính mình.
"Hơn 20 năm, năm nào cũng đón Tết như năm nào, chán quá, nên mình đã rủ mấy đứa bạn đi Singapore xem họ đón năm mới, thấy vui hơn nhiều", anh Nguyễn Tiến Trung (Hải Phòng) kể về lý do lần đi xa đón xuân đầu tiên của mình.
Còn năm nay, đích tới của anh là khám phá Lào, khởi hành ngày mùng 4 tết. Anh cho biết, bắt đầu từ 2006, năm nào Tết anh cũng xách ba lô đi "phượt". "Ở nhà ăn, chơi mãi cũng chán. Lần đầu tiên đón Tết nơi xứ lạ, cảm xúc hoàn toàn khác. Năm đó, mình cùng nhóm bạn sang Singapore, được hòa mình vào không khí Tết người Hoa hiện đại, thấy vui lắm. Từ đó, năm nào mình cũng cùng mọi người đón Tết ở những nơi khác nhau để cảm nhận rõ hơn về ngày Tết của người Việt Nam xa quê hương", anh Trung bộc bạch.
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch, chơi Tết, nhiều "dân" phượt cho rằng, những người mới đi nên tìm hiểu thật kỹ về địa điểm định đến, tốt nhất là hỏi kinh nghiệm những người từng đi.
Theo anh Nghiêm Xuân An, nếu phượt vào những ngày lễ Tết thì điều lo lắng nhất là phương tiện di chuyển. Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì cố gắng lên lịch trình thật tốt để quyết định ngày đi, về từ sớm và đặt mua vé. Việc thuê xe máy trong Tết cũng khó hơn nên phải tính nhiều phương án. Ngoài ra, các điểm vui chơi công cộng ở địa phương thời gian đó thường rất đông nên phải cân nhắc thứ tự các điểm ghé trước, sau. Chi phí cao hơn các dịp lễ khác cũng là điểm cần lưu ý khi đi chơi đầu xuân.
Còn anh Nguyễn Tiến Trung cho rằng, khi ra nước ngoài dịp Tết nên chọn những nơi phù hợp với thời gian mình được nghỉ, có thể là các địa điểm gần Việt Nam như Malaisia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào... Nếu đi Singapore và Thái Lan thì nên đặt vé máy bay trước Tết ít nhất 2 tháng, còn lại có thể di chuyển bằng đường bộ để khám phá được cái hay và kỳ thú của mỗi nơi.
Theo kinh nghiệm của anh, trước khi đi nên chuẩn bị những vật dụng cần thiết, không nên mang nhiều thứ như bánh kẹo, đồ ăn. Những thứ không thể thiếu khi đi phượt là dầu xanh, thuốc tiêu chảy (vì đi xa khó tránh bị dị ứng với đồ ăn bản địa), một hoặc 2 hộp C sủi (để tăng sức đề kháng), đổi tiền bản địa ở biên giới hoặc tại quầy thu mua ngoại tệ ở nước sở tại... Muốn đặt khách sạn rẻ thì nên đặt phòng qua mạng, hoặc muốn vui nữa thì ở tại nhà dân nếu đoàn dưới 10 người.
"Trước khi đến nơi nào đó có thể lên mạng tìm sinh viên Việt Nam hay người Việt sống ở khu vực đó rồi nhờ họ hướng dẫn đi thì tuyệt với nhất", anh Trung chia sẻ "bí quyết".
Theo VnExpress
0 nhận xét: