Thác Tà Lâm Mường Khương
Dãy núi này cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Nước từ trên các đỉnh núi, triền núi trong vùng dồn cả về đây để làm nên dòng thác kỳ vĩ đổ dài tới hơn 500m.
Từ xa, trên đường 4D đoạn km hai, du khách đã thấy rõ ba tầng thác trắng xóa. Tầng một từ đỉnh thác dựng thành một cột nước dài hơn 100m rồi tỏa dưới những khe, những hầm đá ngoằn ngoèo, nước tuôn tràn cả qua những gốc cây cổ thụ, tán giao nhau làm ta không nhìn thấy thác.
Qua khoảng rừng này, nước mới cùng nhau ùa ra khoảng rừng thưa tràn trắng xóa nối nhau qua những tầng đá ào ào tuôn xuống dưới chân thác, dưới cằm bờm của hai con rồng lớn, làm thành một cái ao trong mát thật tròn như cái giếng làng khổng lồ đường kính hơn 30m.
Du khách thường dừng ở đây nghỉ ngơi lấy sức để leo núi lên thác. Đường lên đỉnh thác hiểm trở mà hấp dẫn do càng lên, thác càng đẹp. Càng lên cao càng mát mẻ. Cảnh trí vùng biên cương thật hoành tráng, thả sức cho du khách tưởng tượng những điều kỳ thú, lòng sảng khoái đến tột cùng.
Dòng thác cao dài, hùng vĩ, lại được rừng già trùm lên, nước xối quanh năm, quả là thác đẹp nhất vùng. Buổi sớm và chiều hôm, cả vùng này mây sương bao phủ, nhưng ta vẫn nhận ra thác bởi tiếng nước chảy ầm ầm. Khi mặt trời lên ngang ngọn núi Hàm Rồng, mây loãng ra, dòng thác dần dần hiển hiện. Khói nước như một làn sương mỏng lan tỏa và đặc lại trên đỉnh núi, trảng rừng.
Thác Tà Lâm là niềm tự hào của các thế hệ đồng bào các dân tộc Mường Khương. Từ ngày có con đường lớn vào Nậm Chảy, ngày càng có nhiều người đến leo núi và chiêm ngưỡng thác nước kỳ vĩ.
Theo web Muongkhuong.com
Ấn tượng Mường Khương
Con đường từ Bản Lầu lên thị trấn huyện lỵ Mường Khương khoảng 30 cây số cứ ngoằn ngoèo khúc quanh, khúc thẳng, nhìn xuống những triền vực là những ruộng lúa bậc thang. Mường Khương hiện ra trong làn sương mỏng, giữa những ngọn núi cao chót vót, như những cây sa-mu vươn thẳng giữa bầu trời.
Mường Khương không ồn ào phố xá, ngay cả các khu vực huyện lỵ cũng lặng lẽ yên bình, tưởng như không có gì phải bận tâm, nhưng chính vẻ bình dị đó đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho những ai từng một lần đến nơi này. Du khách đừng quên vào chợ huyện Mường Khương, thưởng thức bát phở chua để nhận ra cái vị cay nồng của ngồng dưa cải, vị dẻo thơm của hạt gạo Séng Cù, vị cay của quả ớt sừng...
Du khách cũng đừng quên đến thác Văng Leng, “thám hiểm” hang động Hàm Rồng, để cảm nhận vẻ đẹp của xứ Mường còn ẩn chứa trong những cánh rừng, lòng núi. Cảnh sắc Mường Khương không nguyên mẫu, cầu kỳ mà mộc mạc, giản dị như chính tấm lòng của đồng bào Mông, Nùng, Pa Dí, Tu Dí... ở đây vậy.
Sau mùa gặt, trên các thửa ruộng bậc thang đã trơ gốc rạ, chỉ còn sót lại ít mảnh của vài gia đình thu hoạch muộn, vàng ruộm. Xe lên đến đỉnh dốc, nhìn lại phía xa xa, những quả đồi thấp sau mùa gặt còn trơ những vành đai ruộng bậc thang, trông như những chiếc vân tay khổng lồ.
Những thác nước như những dải lụa nhỏ vắt qua quả đồi. Những tràn ruộng bậc thang ven đường có một vài cây sa-mu mọc rải rác xen lẫn, trông xa như những nốt nhạc đang hòa tấu lên bản tình ca của núi rừng. Nếu lên Mường Khương vào mùa ngô, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những nương ngô trải dài tít tắp. Ở đâu có đất là có ngô. Ngô mọc chen với đá. Người Mường Khương nổi tiếng với đặc sản rượu ngô Cốc Ngù.
Phiên chợ Pha Long trong ngập tràn sắc màu của thổ cẩm, của ớt chín, của những tấm mía xương gà mềm ngọt và những chú lợn đen. Đi giữa những điều bình dị cảm nhận về một phiên chợ quê của vùng cao, nơi còn lưu giữ rất riêng những nét đẹp văn hóa truyền thống; nhấp một ngụm rượu ngô, thấy vị ngọt cay trên môi, để hòa mình vào cái mênh mang của đất trời, của âm thanh rộn rã trong tiếng khèn gọi bạn. Vẫn biết rằng người đi mua thì ít người đi chơi chợ thì nhiều, nhưng đó là ấn tượng để khiến cho lữ khách cảm thấy phiên chợ ấm áp, mà mình thì không hề lạc lõng giữa nơi xa lạ này.
Theo báo Lào Cai
0 nhận xét: