Chùa Phổ Minh – một di tích lịch sử văn hóa
Chùa có quy mô bề thế, là nơi tụng niệm của quan lại, quý tộc cao cấp nhà Trần. Do vậy mà chùa được coi là đại danh lam của nước Đại Việt ta. Đây là nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông (vua thứ 3 triều Trần, 1279-1293) cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang.
Trần Nhân Tông đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Đầu Đà, một dòng Phật giáo Việt Nam (thế kỷ 13-14), và ông được xem là “Đệ nhất Tổ”. Sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai làm cỗ kiệu bát cống bằng đá, đặt bảy trong hai mươi mốt viên Xá Lợi của vua cha và xây tòa tháp lên trên.
Toàn bộ phong cảnh chùa bao gồm: Tam quan, hai hồ sen, hai nhà bia cân đối cùng các cây cổ thụ có trên 400 năm tuổi, càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chùa thêm phần cổ kính.
Trong chùa có tòa Tiền Đường (hay còn gọi là Bái Đường), tòa Tam Bảo, tòa Thượng Điền, nhà Tổ, nhà Mẫu Tổ Trần, hai dãy hành lang hòa nhập với cảnh quan xung quanh bề thế. Đây là một trong những công trình kiến trúc quy mô vào loại xưa nhất mà ngày nay còn giữ được nguyên vẹn.
Đặc biệt, tháp Phổ Minh được xây dựng trước cửa Bái Đường vào năm 1305. Đây là loại tháp hình hoa sen có 14 tầng, cao 21m. Hai tầng dưới xây bằng các phiến đá xanh có chạm khắc cánh sen, hoa cúc tinh xảo, 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch để trần, mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp có hình chóp, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2m.
Các tầng tháp đều có mái cong ở bốn phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một tiết diện nhỏ 30m2, lại ở vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua.
Xưa kia, ba tầng trên cùng xây bằng đồng, đặt một chum đồng và các di vật cổ, nổi tiếng là vạc Phổ Minh, một trong “An Nam tứ đại khí” của nước Đại Việt thế kỷ 13-14 đặt trước cây tháp cổ, rất tiếc đến nay không còn.
Bên cạnh cây tháp cổ, ở chùa Phổ Minh còn có nhiều hiện vật có giá trị. Trước đây chùa có 120 pho tượng, nhưng do thời gian, khí hậu và chiến tranh hủy hoại, nay chỉ còn hơn 50 pho tượng, trong đó có nhiều pho tượng đẹp về hình thể, cân đối về tỷ lệ, mang tính nghệ thuật cao.
Đặc biệt, trên tòa thượng điện có tượng vua tổ Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Pho tượng được đánh giá là một tác phẩm điêu khắc quý giá nhất. Ngoài ra, trong chùa còn nhiều tượng như: tượng Tam Thế, tượng Di Đà, tượng Di Lạc, tượng Quan Âm, Đức Thánh, Đức Chúa...
Dưới hậu cung còn có pho tượng đá trắng của công chúa Mạc Ngọc Lâm, người đã từng tu hành và trùng tu ngôi chùa vào thời Mạc (1527-1592). Khi ngài viên tịch, có lăng mộ xây phía sau hậu cung, đều là những tác phẩm cổ, đẹp, mang tính nghệ thuật lịch sử điển hình cao của thế kỷ 16.
Và tấm bia đá lớn khắc vào năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) đặt bên phải. Trước cửa chùa là một pho sử sống ghi lại lịch sử ngôi chùa, đồng thời cũng là một công trình nghệ thuật.
Chùa Phổ Minh từ ngày xây dựng đến nay đã trải qua hơn 700 năm, chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhưng nét đẹp cổ xưa không hề phai mờ. Chùa vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”.
Quá khứ đã lùi xa, lịch sử Việt Nam viết thêm nhiều trang sử huy hoàng, nhưng chiến công hiển hách của quân dân triều Trần chống quân xâm lược Nguyên- Mông vẫn là một trong những chiến công chói lọi âm vang đến muôn đời. Chính nền tảng đó tạo ra sức mạnh, khơi nguồn cho các công trình kiến trúc, một nền mỹ thuật khoáng đạt, tinh tế, đầy sức sống và có tính hiện thực cao.
Chùa tháp Phổ Minh, một di tích lịch sử được tọa lạc trên quê hương nhà Trần, đã, đang và mãi mãi góp phần khơi dậy hào khí Đông A, phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, khơi dậy truyền thống yêu nước thương dân, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Theo Lịch sử Việt Nam
0 nhận xét: