Khám phá động Thiên Hương- Ninh Bình

Động Thiên Hương nằm ở lưng chừng núi Đồng Võ, cách mặt đất chừng 15 m, trên con đường từ bến Thánh về đền Thái Vi thuộc quần thể Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Hải - Hoa Lư).

Du khách thăm Tam Cốc xong ngồi thuyền lướt ra đến Bến thánh còn gọi là Bến Sính do Trần Thái Tông làm để vào am Thái Vi bằng đường thuỷ, lên bờ đi bộ khoảng 50m men theo đường chân núi bên tay trái là đền động. Chân núi Đồng Vỡ trước đây bị sóng biển đẩy liếm mòn, khoét sâu hõm vào thẳng đều. Đây là những kỳ công hành triệu năm đẽo gọt tuyệt vời của nước biển.

Thiên Hương thường được người dân nơi đây hiểu theo nghĩa là Động trời tỏa ngát hương. Động cao gần 60 m, dài 40 m và rộng 20 m. Vòm động trông tựa như một quả chuông lớn, ôm ấp, bao bọc lấy điện thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Đến động, bước vào điện thờ, ngay chính giữa là 4 đại tự hiện ra trước mắt du khách: Quốc sắc thiên hương.

Điện thờ được xây dựng theo lối kiến trúc đình, chùa đặc trưng, trang trí, khánh tiết bằng những bức phù điêu, chạm khắc rồng, phượng rất tinh tế, đặc sắc.
Phía sau động có một lối đi thẳng đứng lên tới tận đỉnh núi. Sở dĩ, điện được đặt ở nơi đây, bởi theo sử sách ghi lại, bà Trần Thị Dung, trước là nguyên phi của vua Lý Huệ Tông, sau khi sinh hạ 2 công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng), bà được phong Hoàng hậu.
Đến khi vua Lý Huệ Tông mất, bà lấy Thái sư Trần Thủ Độ và góp công lớn trong việc ổn định nội trị triều Trần, tổ chức hậu phương vững chắc cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Bà được vua Trần Thái Tông sắc phong Linh từ Quốc mẫu.
Riêng với đất Ninh Hải (Hoa Lư), khi bà theo nhà Trần về đây lập căn cứ chống quân xâm lược bà đã truyền dạy nghề thêu ren cho người dân nơi đây. Đến nay nghề đang phát triển mạnh mẽ, trở thành nghề truyền thống của người Ninh Hải.

Thăm động Thiên Hương, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng sự hấp dẫn của hang động thiên nhiên ban tặng, tận hưởng cảm giác thư thái, hương đồng, gió nội, mà còn là dịp tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo Báo Ninh Bình