Tản mạn món nộm Hà Nội
1. Ngon nhất nộm thị bò khô
Chẳng biết thời gian cụ thể cũng như nguồn gốc thật sự của món nộm bò khô. Chỉ biết rằng, khi đi ngang qua một ngõ chợ nhỏ hoặc bên hông một trường học nào đó, nghe tiếng tách tách liên tục của chiếc kéo, mùi thơm thơm của rau húng Lang là biết ngay có quán nộm.
Thành phần ăn nộm thì khỏi nói, từ các em học sinh nhỏ tuổi, tới đám sinh viên cái gì cũng thích nhiều nhưng rẻ, rồi các bà các chị tíu tít "buôn dưa lê, bán dưa cà", rồi thì các ông thích "đổi gió" đồ nhậu.
Nộm-một thứ quà vặt rất giản đơn về thành phần nhưng lại vô cùng ngon bởi những thứ gia vị gia giảm. Món nộm bò khô chỉ gồm đu đủ xanh bào nhỏ sợi, thêm ít lạc, nước mắm pha chua ngọt, vài miếng thịt bò khô cắt lát mỏng, rau húng Láng, mùi ta, kinh giới, chút ớt cay...
Ấy vậy mà nhiều người ví, món này như gói hết "hương vị của đời" trong đủ thứ chua-cay-mặn-ngọt kể trên.
Bất cứ ngõ nhỏ, góc chợ nào cũng có thể gặp một hàng nộm vỉa hè, tuềnh toàng nhưng đông khách. Còn muốn thưởng thức nộm ngon có tiếng thì mời bạn ghé qua 2 con phố bán nộm lâu đời nhất nhì đất Hà Thành là phố Hoàn Kiếm và Hàm Long.
Thường thì người ta lại ít nhớ cái tên phố Hoàn Kiếm bằng tên phố nộm. Đây được nhiều người nhắc tới là con phố ngắn nhất Hà Nội. Món nộm ở đây có cái tên nghe rất Trung Quốc như Long Vi Dung.
Tìm hiểu mới hay rằng, hầu hết những hàng nộm ở phố này phần lớn là hậu duệ của người Hoa kiều từ xa xưa lấy nghề bán nộm rong để kiếm sống.
Nộm ở đây về thành phần cũng không có gì đặc biệt. Những sợi đu đủ nạo mỏng tang, trắng xanh, và sợi cà rốt cho thêm màu sắc, thịt bò khô mỏng được cắt thành lát dài, rưới thêm ít nước trộn chua chua, ngọt ngọt. Rắc thêm chút lạc rang vàng rộm lên trên, điểm vài lá rau thơm. Ai thích ăn cay thì thêm thìa tương ớt.
Điểm đặc biệt với nhiều người quen ăn ở những quán nộm này chính là món thịt bò khô được làm công phu. Thịt bò mông hay thăn thật tươi, được ngâm rửa kĩ cho hết mùi hôi bò mới cho vào máy xay, vừa xay vừa ướp các loại gia vị cay, mặn, ngọt.
Xay xong, thịt bò được cán mỏng, phơi khô sau đó được chiên lên trong chảo mỡ nóng già. Lúc ăn mới dùng kéo cắt thịt ra thành lát dài. Thịt bò phải vừa đủ độ chín, không dai và cũng không đựơc bở mới ngon.
2. Nộm hoa chuối phố Tây Sơn
Đây là món ăn đường phố, bạn có thể đến các quán dọc đường Kim Liên, Vũ Ngọc Phan. Tuy nhiên, với nhiều người sành ăn thì quán nộm chuối đối diện gò Đống Đa (gần ngõ 167 Tây Sơn) là ngon nhất.
Đến quán nộm gần gò Đống Đa chỉ hơi khổ sở vì vụ chỗ để xe thôi, chứ còn khoản ăn thì khỏi chê. Cái nước nộm vừa ngon vừa bùi vừa ngậy, thơm ngon lắm. Được thế là nhờ cái công thức "gia truyền" của bác chủ đó. Quán bán từ khoảng 3h chiều tới chập tối là hết hàng.
Món này đúng là “thập cẩm”, mỗi người tùy khẩu vị của mình có thể thêm thắt đủ thứ nguyên liệu. Nếu là nộm chuối hải sản thì những đồ gia giảm là thịt tôm, thịt cua, mực nướng xé nhỏ.
Hay thêm thịt bò khô, giá đỗ, lạc rang, tai lợn, nem thính, đu đủ xanh bào nhỏ sẽ được món nộm vần giống như nộm thịt bò. Hoặc nhẹ nhàng nhất là chỉ có hoa chuối thái trộn giấm tỏi.
Nhưng xin nói trước, nhiều đồ độn quá chưa chắc ngon vì nguyên liệu chính là hoa chuối lại đóng góp tới 70% giá trị của món nộm này. Hoa chuối dùng để làm nộm là của cây chuối tây, sau khi trổ được chừng 10 nải, nhiều người vặt hoa đi để cho buồng chuối tập trung nuôi quả.
3. Lạ mắt với nộm Lim
Cái tên nộm Lim quả là sự sáng tạo rất riêng của chủ quán. Nghe cái tên thôi cũng đủ thực khách muốn xà ngay vào quán để tìm hiểu và thưởng thức.
Thì ra, chữ "lim" là sự ví von của chủ quán với khúc thịt bò khô màu nâu nâu, nhìn y như khúc gỗ lim rắn chắc. Ấy thế nhưng khi dùng kéo hoặc tay xé thịt ra thì các thớ thịt lại rất mềm, giòn giòn, ăn đậm đà và ngọt bùi hơn nộm thịt bò khô được tẩm ướp.
Nhiều người đã từng lên vùng cao Tây Bắc hoặc sang Lào thì có thể nhận ra ngay cách làm của chủ quán là sự bắt trước rất sáng tạo món thịt trâu gác bếp và món thịt bò khô ăn kèm với xôi của người Lào.
Theo cách làm này, chủ quán sẽ hong những miếng thịt bò bằng khói của củi và than hoa. Thời gian hong phải mất 1 ngày. Ngoài ra thịt phải để trong nơi thoáng khí, cho bề mặt se lại mất ít nhất từ 2-3 ngày. Khi ăn, mang sấy trên than hoa cho mềm.
Món nộm Lim ở đây còn đặc biệt hơn bởi sự góp mặt của tỏi chiên, cùng với khá nhiều thứ trộn khác như dạ dày, lòng, mề, gan... Mỗi đĩa nộm ở đây có giá 15.000 đồng, nếu bạn muốn thưởng thức đủ vị hãy gọi một đĩa tá lả với giá từ 40.000-50.000 đồng.
Theo Afamily
0 nhận xét: