Thác Bopla (Bopla - Lâm Đồng): Điểm dừng chân lý tưởng
Ẩn hiện giữa một khu rừng tự nhiên, Bopla còn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ, quyến rũ.
Nằm giữa một khu rừng còn giữ được nhiều nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp, thác Bopla đổ xuống như một dải lụa trắng giữa những thảm xanh. Khi chỉ còn cách thác chừng 50m đã nghe tiếng nước đổ như một bản nhạc trữ tình êm ái.
Càng tiến lại gần càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó. Đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này từ lâu đã xem thác Bopla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của người dân miền sơn cước. Theo tiếng K’ho, Bopla có nghĩa là ngà voi.
Theo lời kể của đồng bào dân tộc bản xứ thì vào thời xa xưa, khi người Chàm cai trị Di Linh ngày nay, họ bắt người dân bản xứ phải đóng thuế bằng những sản vật của núi rừng như da thú, sừng tê giác, hươu nai và đặc biệt là ngà voi. Với ngà voi thì phải chọn cái to và người tù trưởng của bộ tộc nơi con thác đã tìm được một cặp ngà voi cao quá đầu người, ngựa phi qua cũng không được. Từ đó, vua Chàm thích quá nên đặt cho nơi này là Bopla và dòng thác cũng mang tên là Bopla.
Nhiều khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh đã chôn chân bên thác gần ngày trời chỉ để nghe âm thanh mời gọi của thác cùng tiếng chim rừng. Bao bọc lấy thác Bopla, ngoài rừng tự nhiên còn có một quần thể thực vật phong phú, kèm theo đó là rất nhiều loại hoa rừng, tất cả đều đẹp và cuốn hút như tranh vẽ.
Đến thăm Bopla, du khách không chỉ chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của dòng thác mà còn có thể bổ sung kiến thức về những loại cây cổ thụ. Có người ví von, nếu xem dòng thác là một dải lụa trắng khổng lồ thì những lớp trầm tích rong rêu và các loại rễ cây cổ thụ xõa xuống hai bên chính là đường diềm tô điểm cho dải lụa thêm quyến rũ.
Sau khi ngước mắt đắm đuối ngắm độ cao của thác, du khách có thể hạ tầm nhìn xuống phía chân thác. Dưới chân thác là một cái hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành, cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như tấm phản. Qua sự bào mòn của nước và thời gian bề mặt những tảng đá trở nên bằng phẳng như một bàn cờ khổng lồ. Du khách có thể vừa ngồi nghỉ chân vừa ngắm thác. Vài năm trở lại đây, thác Bopla được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp nên trong những tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt hoặc các tuyến du lịch khác, người ta đều xem Bopla là điểm dừng chân lý tưởng.
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác, du khách có thể ra các quầy hàng bán đồ thổ cẩm, các vật lưu niệm như túi thổ cẩm, nhẫn giả cổ, vòng ngọc... Thỏa sức ngắm nghía và mua sắm các món quà lưu niệm xong, bạn có thể ngược về thị trấn Di Linh thưởng thức sự hấp dẫn của món rau bép với nhiều kiểu chế biến như: sa lát, gỏi, xào... Đặc biệt, ở thị trấn Di Linh còn có món bún bò, do những người gốc Huế chế biến. Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức món cháo lòng vỉa hè thơm ngon và nhiều dư vị. Chỉ cần có thế, quần thể thác Bopla đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng.
Theo DulichVN + internet
0 nhận xét: