Chuyến lên núi Thần Đinh

Nếu có dịp đi tàu hay xe từ Nam ra Bắc hoặc Bắc vô Nam, lúc qua địa phận Quảng Bình, gần ga Long Đại, nhìn về hướng Trường Sơn, du khách sẽ thấy một ngọn núi sừng sững oai vệ, nổi bật hẳn lên bầu trời: Núi Thần Đinh. Núi Thần Đinh gắn liền với lũy Trường Dục trong hệ thống Lũy Thầy của Đào Duy Từ, là dấu tích của thời kỳ Nam-Bắc phân tranh mấy trăm năm qua.

Chuyện leo lúi đi rừng với khách Tây là chuyện nhỏ, với người mình hơi hiếm. Du lịch ai cũng tận dụng phương tiện di chuyển tối tân, ăn ở phải tiện nghi, thường quanh quẩn nơi đình đám hội hè, ăn chơi mua sắm. Một vài thắng tích trên núi cao như Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), trung tâm nghỉ mát Bà Nà (Đà Nẵng) đều có cáp treo. Hầu hết du khách chỉ muốn đến ngay điểm chính để xem rồi về, trong khi đi bộ được biết thêm bao nhiêu điều mới lạ dọc đường. Lên chùa Đồng yên Tử mà không qua con Đường Tùng (700 năm), để chiêm ngưỡng những cây tùng cổ thụ được trồng từ thời vua Trần Nhân Tông xuất gia, những cây tùng rễ to như những con trăn khổng lồ bò trên mặt đất, thì thật đáng tiếc.

< Thành Đồng Hới.

Những năm gần đây khi đất nước “mở cửa”, du khách phương Tây đua nhau đến Việt Nam, du lịch là để thể nghiệm khả năng thích nghi, ứng phó của bản thân, họ thích những nơi còn hoang vắng, còn “bán khai, chậm tiến”, còn nguyên sơ... Việt Nam là mô hình du lịch họ muốn khám phá. Và, cũng từ đó xuất hiện nhóm chữ “Tây ba lô”, “khu phố Tây”, ngành du lịch có thêm môn “Treking”.

Nhiều năm trước tôi đã lên chùa Đồng núi Yên Tử, đền Thượng chùa Thầy, chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Non Nước (Đà Nẵng), núi Bài Thơ (Quảng Ninh)...cao nhất có lẽ động Tiên Sơn (động khô) ở Phong Nha (Quảng Bình) 600 bậc, lên đến nơi tưởng chừng hết hơi thở.

< Núi Thần Đinh nhìn từ bờ bắc sông Long Đại.

Núi Thần Đinh cao thăm thẳm như thế, tất không phải dễ đi. Mỗi lần về quê, nhìn lên đỉnh núi cao vòi vọi, có lúc nhòa trong mây, lòng lại không yên. “Đi Đông đi Tây, viết hươu viết vượn mà ngay nơi chôn nhau cắt rốn của mình, có một ‘danh lam kỳ tích’ lại không hay biết thì chẳng có gì đáng nói”. Nghĩ thế nên năm nay, sau một tuần đi Lào Cai chụp ảnh mùa lúa chín cao nguyên với mấy anh em nhiếp ảnh quận Bình Thạnh Sài Gòn, tôi quay vào Đồng Hới và quyết “thám hiểm” núi Thần Đinh. Lại nghe nói trên núi có chùa Kim Phong, ngôi chùa cổ lâu đời, người địa phương thường gọi chùa Non, lòng tôi càng hăm hở.

Đồng Hới có một nhà thơ tôi mến, thơ anh có khí phách, nhiều hình ảnh sắc bén mạnh mẽ, tôi đã dành một bài “Tản mạn đường xa” để nói về anh. Anh quí và hiểu hoàn cảnh tôi, gần anh tôi không sợ chuyện “bày vẽ” nọ kia. Lúc nghe tôi ngỏ ý muốn lên núi Thần Đinh, anh tán đồng và đưa tôi về trọ lại nhà anh trên Cộn để dẫn tôi đi vào ngày hôm sau.

- Anh  lên núi Thần Đinh chưa?
- Mấy năm trước đã đi.
- Núi cách đây bao xa, có dễ đi không anh?
- Không xa, gần xã An Ninh của anh, đường lên núi đã xây tam cấp dễ đi.
- Vậy mai mình khởi hành sớm, leo núi đỡ mệt.


< Núi Thần Đinh và đường Trường Sơn.

Sáng hôm sau, chúng tôi tìm quán cháo lươn điểm tâm trước khi lên đường. Tôi thích lối nấu cháo cá, cháo lươn của miền Trung, cháo không đặc nhuyễn như nơi khác, lúc ăn nhận rõ hương vị thơm ngon của lươn. Tuy vậy không nơi nào cháo lươn ngon bằng xứ Nghệ. Trong làng ẩm thực có danh mục “Lươn Nghệ An 18 món”, với tôi, mỗi món cháo cũng đủ rồi.

Từ Cộn, chúng tôi chạy xe gắn máy theo đường mòn về hướng Nam. Núi Thần Đinh cách thị xã Đồng Hới 25km, qua cầu Long Đại đã thấy Thần Đinh mờ mờ trong mây. Thêm một đoạn nữa gặp một đường xe rẽ phải, có bảng chỉ dẫn: “Chùa Non núi Thần Đinh”. Từ quốc lộ vào chân núi khoảng 3km, đường sỏi đá chông chênh. Chiếc xe gắn máy của anh bạn đã đến thời kỳ “cà tàng” nên hơi vất vả, những lúc nó rống lên gồng mình mang hai chúng tôi qua dốc, thấy mà tội. Đất đai không mấy tốt, thôn làng thưa thớt cuộc sống khô khan. Chúng tôi ghé quán bên đường mua bó nhang, tôi hỏi cô bán hàng:

- Lên núi bao nhiêu bậc cấp em biết không?
- Dạ, 400 bậc.

< Đường lên núi Thần Đinh  Đã thi công xong.

Tôi yên tâm, 400 thì thừa sức. Nhiều bạn thân quen thường nhắc nhở “chớ phiêu lưu, tuổi càng lớn càng không nên lên cao”. Đúng như vậy, tôi rất ngại leo lên lầu ba lầu bảy, mỏi chân mất sức chả lợi gì.

Nhưng, lên núi lên rừng, tuy mệt, song lại được dịp thưởng thức nhiều điều mà suốt đời sống ở đồng bằng không dễ có. Một ngọn gió nhẹ, một bông hoa rừng, tiếng chim hót trên tầng cao thanh khiết, nơi tách biệt hẳn trần gian, lý thú lắm chứ. Vả lại cũng do thói quen một phần, khỏe tay mạnh chân mà ngồi mãi một nơi thì khi phải đi bộ một quãng cũng thấy ngán. Thường xuyên đi lại, đã không ngán lại còn thích. Du sơn du thủy là lội suối leo đèo, là thích nghi với mọi hoàn cảnh, không đòi hỏi tiện nghi kiểu phố phường. Bao nhiêu năm, qua những chuyến đi đã giúp tôi thấy dễ dàng trong mọi việc. Mỗi lần “vượt khó” lại như được tăng thêm khí thế, lại hăng hái hơn. Và, tôi nghiệm ra khó khăn là ở lòng người cư xử với nhau, chuyện hiền thành tội dữ, chuyện cái kiến biến thành ông voi, còn cảnh vật dù có cheo leo hóc hiểm cũng chẳng bao giờ có ý làm hại mình.

< Cầu Long Đại và núi Thần Đinh.

Tôi chưa nghe ai than phiền khi lên Chùa Đồng Yên Tử, lên động Huyền Không, trái lại thường nghe tả oán ăn nhà hàng này, ở khách sạn kia.

Ngay chân núi có một vài nhà dân, cũng bán nhang đèn vừa giữ xe cho khách. Trước khi lên bậc tam cấp đầu tiên, tôi nhìn xuống một vùng ruộng nương hoang vắng chẳng khác gì cảnh vật lúc tôi còn nhỏ. Núi đồi xứ mình không như xứ người, lam nham đủ thứ cây cối, ở Mỹ, những quả đồi trơn tru rõ nét, rải rác điểm vài ba cây ôốc (oak) già, trông thật mát mắt, đẹp và nghệ thuật, tưởng như do bàn tay người tạo nên.

< Miếu cổ.

Nhìn những bậc đá chẻ thẳng thớm cao dần thoai thoải, tôi yên tâm, “vầy thì đi mấy cũng chẳng sao”. Chừng vài chục bậc, độ dốc đứng dần, được 100 bậc thì không những dốc đứng mà bậc đá cũng dày hơn, 20cm vừa tầm bước, lên 25cm, hai chân phải tăng sức gấp đôi, mệt thấy rõ. Đến bậc thứ 200, dừng lại nghỉ và mừng thầm, “nửa đường rồi”. Đưa máy ảnh ngắm xuống một vùng ruộng đồng đồi núi nơi đây, khác hẳn cảnh trong miền Nam. Một cụm núi bên tay phải, máy xay đá nhả khói lẫn với bụi đá do nổ mìn, làm mờ một góc trời, một vài mái nhà ngói rải rác ven đồi bạch đàn.

Người bạn chỉ cho tôi, phía xa tít vùng nước bạc là phá Hạc Hải (huyện Lệ Thủy). Đi tiếp chừng tiếng đồng hồ, đến bậc 400, nhìn xuống xóm làng thăm thẳm, nhìn lên đỉnh núi còn đâu đâu. Anh bạn lại khích lệ: “Gần tới rồi, lên chỗ cây kia là đường bằng dễ đi”. Nghỉ lấy hơi đi tiếp, cứ mỗi 50 bậc, 100 bậc lại có một khoảng trống bằng phẳng chừng 5m vuông, có lẽ tương lai sẽ là quán hàng cho khách dừng chân. Mỗi khi tôi tỏ vẻ nản, lại nghe điệp khúc “Tới chỗ cây kia...”. Lúc lên đến đỉnh thì ngay bậc cuối cùng có số 995 bằng sơn đỏ.

Tôi không ngờ mình đã lên cao như vậy. Cô bán nhang và anh bạn nhà thơ cũng “bí mật”, không cho tôi biết trước số 995, sợ tôi ngại mà bỏ cuộc chăng. Hít thở bầu không khí của núi rừng nguyên sinh một lúc, tôi có cảm giác như người khỏe hẳn ra và có chút chút tự hào.

Đứng giữa một một vùng vài trăm mét vuông, cây cối xác xơ, cảnh hoang tàn do cơn bão số 9 đi qua mấy hôm trước. Một hai mảng tường của chùa xưa, gạch vữa rã nát theo tháng năm bám rêu đen cháy, cạnh một ngôi miếu nhỏ bị bể toang một góc chơ vơ. Phía xa có hai nấm đất đầy chân nhang như mộ hoang. Đấy là những gì còn lại của ngôi chùa Kim Phong mấy trăm năm trước.

Anh bạn châm lửa đốt nhang, mỗi người một nắm, chúng tôi tùy tâm khấn vái. Trong ánh nắng chan hòa của giờ Ngọ, trên đỉnh Thần Đinh, trời im gió, không gian lặng như tờ, tôi có cảm tưởng lời khấn của mình vang vọng thật xa, một cảm giác nằng nặng khó tả: Vừa bồi hồi tiếc thương, vừa cảm động sung sướng. Tôi không bao giờ nghĩ mình có dịp đến một nơi linh thiêng lạ lẫm như vầy, ngay nơi mình sinh đẻ.

Quê Hương thường được ngợi ca do mang lại lợi nhuận vật chất “Rừng vàng biển bạc” mà bỏ quên hồn thiêng sông núi, chứng tích còn khắp nơi trên dải đất chữ S  từ mấy nghìn năm qua. Chùa Kim Phong núi Thần Đinh chỉ mới một.

Chúng tôi cắm nhang một vùng chung quanh ngôi miếu cổ, lặng yên mặc niệm. Được nửa tuần nhang, tôi theo tam cấp xuống phía bên kia, nơi có giếng Tiên, trước đây nước rất trong và không bao giờ cạn.

Xuống một đoạn, tôi sực để ý đến một khối đá xanh đường kính đến 5m, màu sắc giống loại đá chung quanh nhưng tạo hình thì rất lạ. Chân chia nhiều khía bè ra như gốc một đại thụ, mỏm bị gãy ngang như thân cây bị chặt. Da đá bị băm khứa hoặc nứt kiểu vỏ cây. Tôi sanh nghi và tự hỏi “Không lý đây là một dạng mộc hóa thạch?” Tôi dừng lại xem thật kỹ và thấy đúng là cây hóa đá. Bởi những tảng đá chung quanh đều tròn trịa, không có tảng nào bị nứt nẻ và chân đá đầy đặn chứ không chia thành cạnh như gốc cây. Kỹ hơn nữa, có một mảng dày 2cm, lớp này bị rạn nứt như vỏ cây, trong khi phần ruột thì nhẵn mặt. Tôi gọi anh bạn lại giải thích và nhờ phụ kéo cây cỏ phủ ngoài để chụp ảnh. Đây là loại cổ thụ lớn nhất đã hóa đá, có lẽ nơi này nhiều nghìn năm trước bị chôn vùi, sau khi hóa thạch đất bị xói mòn lòi cây ra. Tôi hỏi anh:

< Phế tích chùa Non.

- Trước giờ anh chưa nghe ai nói chuyện này sao?
- Đây là lần đầu, nếu anh không nói rõ tôi cũng không sao biết. Mà đúng là gốc cây chứ đá thì không như ri.
- Anh biết bây giờ giới sưu tầm và buôn đá rất ham thứ này, nếu không khéo họ đào và xeo đi từng mảng thì mất hết ý nghĩa và phá luôn giá trị của di tích. Vấn đề làm sao báo cho TTVH tỉnh biết để có cách đề phòng.
- Tôi sợ cũng khó, với lại phải người am hiểu và có tấm lòng mới được.
- Núi Thần Đinh nếu giữ nguyên phần tường lở của chùa, ngôi miếu bể một góc, và gốc cây hóa đá này, thì chắc chắn nơi đây sẽ là điểm du lịch sinh thái hiếm có và đắt giá. Có thể nói độc nhất vô nhị, du khách sẽ không ngại khó khăn để được thấy dấu vết ngôi chùa xưa mấy trăm năm, và gốc cây từ nghìn năm hóa đá. Chỉ thế thôi không cần phải rườm rà bày vẽ kiểu sân khấu làm sai lạc ý nghĩa, khách họ lại cười cho.

Anh bạn nghe tôi thuyết giảng hăng quá, cứ trầm ngâm, tôi cũng không buồn vặn hỏi và chợt quay lại mình, đặt ra những nghi vấn tình tự quê hương, sơn hà xã tắc. Xưa kia, tổ tiên biết tôn vinh xứ sở, biết ca ngợi non sông, ngày nay con cháu đã làm được gì, và đang làm gì đây! Cứ nhìn cảnh xẻ núi phá rừng, không tô bồi đất tổ, để cho ngày một hao mòn, thế nhưng khi cần thì vẫn hát vang với niềm tự hào “ Ôi quê hương ta đẹp tuyệt vời”.

Trần Công Nhung
Du kịch, GO! - Theo Viendong daily, Bulukhin