Đến với Bạch Long Vĩ
Đảo có chiều dài đảo 3km theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, rộng 1,5km, diện tích phần nổi 2,5 km² đến 4 km² tuỳ thuộc theo thuỷ triều, giữa đảo gồ lên như cái mai rùa cao tới 60m.
Đảo có một vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, đảo còn nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của Việt Nam ở khu vực này.
Theo truyền thuyết, khi người Việt mới lập nước đã phải đối phó với giặc ngoại xâm. Ngọc hoàng sai rồng mẹ mang theo một bầy rồng con hạ giới xuống trần giúp đỡ.
Khi thuyền giặc tràn vào vịnh Bắc Bộ, cũng là lúc đàn rồng vừa đến. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu báu biến thành những hòn đảo đê ngăn chặn bước tiến của giặc. Sau khi dẹp xong quân giặc, đàn rồng không về trời nữa mà ở lại trần gian. Chỗ rồng mẹ đáp xuống được gọi là Hạ Long, chỗ rồng con đáp xuống là Bái Tử Long. Chỗ đuôi rồng vẫy nước là Bạch Long Vĩ.
Đảo Bạch Long Vĩ trước đây không có nước ngọt, nên còn được gọi là đảo Vô Thuỷ. Cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên đảo Bạch Long Vĩ không có dân cư sinh sống, đảo chỉ là nơi tránh gió của ngư dân trên biển. Đến năm 1920, sau khi tìm được giếng nước ngọt, dân cư vùng Quảng Yên mới tìm tới đây sinh sống, lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt trên đảo và khai thác hải sản dưới biển. Năm 1921, dân ta bắt đầu lập Phù Thuỷ Châu, nay vẫn còn di tích làng Thuỷ Châu trên đảo.
Huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập vào ngày 26/3/1993 và phần lớn dân trên đảo là những thanh niên của các tỉnh duyên hải Bắc Bộ ra lập vùng kinh tế mới. Ngoài các lực lượng đang làm nhiệm vụ, huyện đã tuyển đưa 5 đợt dân cư cùng lực lượng thanh niên xung phong ra đảo làm ăn sinh sống.
Trải qua 16 năm phát triển, đến nay, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có bước phát triển về nhiều mặt. Dân số hiện tại vào khoảng hơn 1.000 người. Tuy nhiên, do vị trí thuận lợi về ngư trường đánh bắt, các tàu cặp bờ có lúc lên đến 600-700 tàu, thuyền nên dân số trên đảo thường không ổn định.
< Âu tàu trên đảo có thể chứa hàng trăm tàu thuyến tránh bão.
< Phát điện bằng năng lượng gió.
Lao động trên đảo gồm 3 nhóm nghề chính: Nhóm nghề ngư truyền thống; Nhóm khai thác thuỷ sản với tính chất làm thêm và các hộ chuyên làm dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt…
Địa hình đảo Bạch Long Vĩ ven bờ thoai thoải, độ dốc thấp, khí hậu đại dương, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho phát triển du lịch. Đất đai trồng trọt trên đảo không nhiều, khoảng 60% diện tích.
Đặc sản của đảo là sâm nam, dùng uống thay nước chè. Khoáng sản có mangan, sắt, phốt phát, atlantít nhưng không có ý nghĩa khai thác.
Ngư trường Bạch Long Vĩ có diện tích 1.500 hải lý vuông. Vùng biển có 395 loài, 229 giống thuộc họ hải sản, trong đó có 61 loài có giá trị kinh tế cao: Bào Ngư, cá Song, Rong Câu, San hô...
< Bạch Long Vĩ cũng có tiềm năng lớn về du lịch với bãi biển đẹp...
Ngoài phát triển hậu cần nghề cá thì ngày nay, Bạch Long Vĩ còn được biết đến như là một hòn đảo du lịch mới nằm trong lòng vịnh Bắc Bộ. Đảo có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đẹp, là một hòn đảo xanh, nổi trên mặt biển xanh, sạch đầy hấp dẫn và quyến rũ du khách.
Đảo có khu rạn san hô ngầm là một dạng tài nguyên quý giá, một địa điểm lý tưởng xây dựng thành khu bảo tồn thiên nhiên biển hay công viên biển cho du lịch sinh thái ngầm và du lịch khoa học. Bạch Long Vỹ là một trong số 15 khu bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam đã được đệ trình Chính phủ phê duyệt.
Tổng hợp từ Vietgle, VOVnew, ảnh internet
0 nhận xét: