Huế - Diễm lệ những công trình
< Chùa Thiên Mụ, một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của Huế, được xây dựng vào năm 1601, lúc chúa Nguyễn Hoàng mới vào khai phá xứ Thuận Hoá (nay là Huế).
Nói đến các công trình kiến trúc cổ của Huế không thể không nhắc đến hệ thống lăng tẩm, nơi yên nghỉ của các vị vua triều Nguyễn. Mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ bởi chúng không chỉ thể hiện khả năng tài hoa của người thợ xứ Huế mà còn phản ánh cả cá tính mỗi vị vua lúc sinh thời.
Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ khi hoàng đế Gia Long lên ngôi vào năm 1802 và kết thúc vào năm 1945 khi hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị, tổng cộng là 143 năm với 13 đời vua.
Hiện nay, ở Huế vẫn còn lại 7 khu lăng tẩm của 7 vị vua triều Nguyễn, trong đó đáng chú ý như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức...
Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 16km về phía Tây Nam, giữa một vùng quần sơn gồm 42 ngọn núi lớn nhỏ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có lăng Gia Long (còn gọi là Thiên Thọ Lăng). Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long được xây dựng vào năm 1814, có chu vi hơn 11 nghìn mét, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, hai bên tả hữu mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Trong khuôn viên, trước mặt lăng có hồ bán nguyệt, sau hồ là sân chầu, tiếp đến là sân tế chia làm 6 bậc cao dần, cuối cùng là Bửu Thành, nơi đặt mộ phần của vua và hoàng hậu. Đây là khu lăng tẩm xây dựng giữa thiên nhiên. Đứng trước cảnh trí bao la khoáng đạt của lăng Gia Long, con người không khỏi cảm thấy mình trở nên nhỏ bé giữa vùng núi đồi bao la trùng điệp.
Cách trung tâm thành phố Huế chừng 12km về phía Tây Nam, nơi hợp lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch để hợp nhất thành sông Hương; trên núi Cẩm Khê, thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có một ngôi lăng mộ nổi tiếng khác đó là lăng Minh Mạng (còn gọi là Hiếu Lăng). Đây là nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng (1791 - 1841), vị vua thứ hai của nhà Nguyễn.
Lăng Minh Mạng rộng 26ha, là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ nằm trên một khu đồi núi, sông hồ thoáng mát. Lăng được khởi xây năm 1840 và hoàn thành vào năm 1843.
Từ trên cao nhìn xuống hình thế lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế thoải mái với đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh ở hai bên lăng như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên mềm mại.
Cảnh quan lăng được tô điểm bởi nhiều công trình đẹp như hồ sen, đình tạ, vườn hoa, cây cảnh, rừng thông…
Trước lăng có 3 cửa, chính giữa là Đại Hồng Môn, hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bên trong Đại Hồng Môn có sân chầu, hai bên có hai dãy tượng đá tạc hình bá quan văn võ và voi, ngựa đứng chầu.
Ngoài tính chất đăng đối, uy nghiêm, lăng Minh Mạng được đánh giá là có sức quyến rũ bởi cảnh trí thiên nhiên thơ mộng.
Vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn là Tự Đức (1829 - 1883) cũng có một ngôi lăng mộ tuyệt đẹp với tên gọi là Khiêm Lăng mà dân gian thường gọi là lăng Tự Đức. Lăng được xây dựng giữa một rừng thông cổ thụ thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế), cách trung tâm thành phố chừng 8km về phía Tây Nam. Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng Tự Đức được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867. Lúc còn sống, vua Tự Đức vẫn thường lên đây nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ…
Tổng thể kiến trúc lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Khác với lối kiến trúc đăng đối thường thấy ở các lăng triều Nguyễn, lăng Tự Đức có phong cách kiến trúc tự do, phóng khoáng giống như tính cách lãng mạn của vị vua thi sĩ này.
Toàn cảnh lăng Tự Đức trông giống như một công viên rộng lớn. Ở đó có cảnh suối chảy, thông reo và những con đường lát gạch Bát Tràng lúc ẩn lúc hiện dưới tán thông già vi vu trong gió. Khung cảnh của khu lăng mộ hòa lẫn với cảnh quan thiên nhiên tạo nên một khung cảnh mây nước nên thơ, diễm lệ đến độ người đời cứ ngỡ đó là chốn thiên đường của cỏ cây, hoa lá chứ không phải là lăng tẩm của một người quá cố.
Tuy là nơi yên nghỉ của người đã khuất nhưng lăng Tự Đức còn có cả nơi dành cho nhà vua giải trí, ngâm thơ, đọc sách, làm việc lúc sinh thời. Thậm chí ở đây còn có cả nhà hát và nơi ở của các phi tần mĩ nữ. Đặc biệt, lăng tự Đức còn có tấm bia đá lớn khắc bài “Khiêm Cung kí” dài 4.935 chữ do vua Tự Đức soạn thảo để tự nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình.
Trong số các lăng triều Nguyễn, lăng Khải Định (còn gọi là Ứng Lăng) là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây. Đây là nơi yên nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925), vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng toạ lạc trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía Tây Nam.
< Lăng Khải Định (còn gọi là Ứng Lăng), là công trình lăng mộ duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây. Đây là nơi yên nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925), vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn.
Điểm nổi bật của lăng Khải Định là sự pha trộn giữa nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với nghệ thuật khảm sành đầy tinh xảo và 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” tuyệt đẹp, lớn bậc nhất Việt Nam, được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.
Ngoài các công trình lăng tẩm, Huế còn sở hữu hàng trăm công trình kiến trúc cổ nổi tiếng khác như: đàn Nam Giao, chùa Thiên Mụ, Hổ Quyền, Văn Thánh Miếu, Võ Thánh Miếu, trấn Bình Đài, trấn Hải Thành, điện Voi Ré, điện Hòn Chén, cung An Định… Những công trình này cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng không chỉ tạo cho Huế hình thế của một cố đô cổ kính, nên thơ và tráng lệ mà còn góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo xứng danh là Di sản Văn hóa Thế giới.
Theo Báo ảnh Việt Nam
0 nhận xét: