Đình Chiết Bi - Thừa Thiên - Huế
Quá trình hình thành đình Chiết Bi
Cũng giống như các vùng miền khác, sau khi xóm làng được hình thành thì đình, chùa, am, miếu cũng được xây dựng. Tuy chưa có nguồn tài liệu nào đề cập đến niên đại ra đời của đình Chiết Bi nhưng theo truyền khẩu của các cụ cao niên và các vết tích, văn tự chữ Hán hiện nay còn lưu giữ tại làng, có thể khẳng định đình Chiết Bi là một ngôi đình cổ, được xây dựng lại vào những năm giữa thế kỷ XIX- là sự kế thừa của những ngôi đình đơn sơ trước đây.
Ngay từ lúc đầu đình đã được làm một cách rộng rãi, thoáng mát, được xây dựng trên mảnh đất ở vị trí đầu làng. Đình có hướng Tây Nam, trước mặt là con sông Như Ý tạo nên yếu tố minh đường. Trước đây, đình 5 gian 2 chái, trải qua thời gian dài được tu sửa nhiều lần. Năm 1954, đình trùng tu một lần, đặc biệt đến 1974 lại được đại trùng tu với quy mô lớn, thu nhỏ thành 3 gian 2 chái và giữ mãi cho đến nay, kết cấu được làm bằng chất liệu gỗ lim là chủ yếu, có chánh điện và hậu tẩm, mái lợp ngói âm dương.
Đình Chiết Bi là nơi thờ các vị thần của làng, thờ vọng lục tổ khai canh và các vị có công với làng. Là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của cộng đồng làng xã, cũng là nơi gắn bó thân thiết với dân làng về nhiều mặt lịch sử, tâm linh, tình cảm…Đây cũng là nơi có ý nghĩa cố kết các mối quan hệ xã hội của các thế hệ con dân trong làng lại với nhau.
Khảo tả Di tích
Di tích Kiến trúc nghệ thuật đình Chiết Bi nằm trên thửa đất có kí hiệu CDK 115/4608.4 trong bản đồ giải thửa của làng Chiết Bi, do UBND xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý, bao gồm các công trình sau: Trụ biểu; La thành; Bình phong; Sân đình và Đình.
Đình Chiết Bi có kết cấu của một ngôi nhà rường truyền thống Huế, gồm 3 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, phần mái hiên lợp ngói liệt, chính giữa bờ nóc trang trí mặt nhật, 2 đầu nóc là hình tượng “Long hồi”. Hệ thống bờ tè, bờ quyết được gắn bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hai bên có đắp hoa lá, cây cối cách điệu. Hai mặt đầu hồi có đắp nổi hình mặt dơi bằng xi măng. Các đề tài, motip trang trí này ngoài việc thể hiện là những điểm nhấn mỹ thuật còn thể hiện niềm mơ ước của người dân, cầu mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.
Phần chính điện: Được bài trí với một hệ thống hương án thờ tự ở cả 3 gian. Hương án trước đây được làm bằng gỗ nhưng do bị hư hỏng nên được làm lại bằng bê tông giả gỗ, phía ngoài được quét sơn và trang trí khá tỉ mỉ. Xung quanh hương án được chia làm nhiều ô hộc với những hình vuông và hình chữ nhật. Mỗi ô hộc đều có trang trí cây cối, hoa lá cách điệu. Mặt chính của hương án có trang trí hình “hổ phù”. Phía trên thiết trí các đồ thờ tự như bát nhang, đài trầu nước, đế đèn cầy…Giữa các hương án là các cặp câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh yên vui, thái bình của một làng quê Việt.
Phần hậu tẩm: Từ chính điện đi qua hệ thống cửa bản khoa vào bên trong là hậu tẩm. Cũng như ở chính điện, hậu tẩm được bài trí 3 án thờ xây sát vách, được làm bằng xi măng giả gỗ. Trên các án thờ trong hậu tẩm có bài trí đầy đủ các đồ thờ tự như bát nhang, đài trầu nước, đế đèn cầy, lọ hoa...
Hai bên chái phụ có xây hệ thống bàn ghế dài bằng xi măng, dùng để dân làng chuẩn bị các đồ tế lễ và họp hành vào các dịp lễ hội diễn ra tại đình.
Ngoài các công trình chính ở đình Chiết Bi còn có một nhà tăng (nay là nhà văn hóa làng Chiết Bi), hệ thống nhà tăng do bị hư hỏng nên đã được xây dựng lại và được dùng để họp hành và soạn đồ tế lễ lúc đình tổ chức kị giỗ, hội hè…
Hiện nay ở đình Chiết Bi còn có một số hiện vật sau: 18 đế thắp nến; 01 bức hoành phi bằng gỗ; 01 cặp câu đối chữ Hán bằng gỗ; 09 lư hương (03 bằng gỗ, 06 bằng sành sứ); 18 đài trầu nước bằng gỗ; 01 cái trống và 01 cái chiêng
Các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra tại Di tích
Hiện nay tại di tích đình Chiết Bi có diễn ra một số hoạt động văn hóa, lễ hội như: Ngày 8/2 (âm lịch): Tổ chức lễ Xuân tế cúng các vị thần của làng kết hợp với một số hoạt động văn hóa, thể dục thể thao như: đua ghe, đua thuyền, chạy việt dã, kéo dây, kéo co…Lễ hội này tổ chức khá lớn. Ngày 12/7 (âm lịch): Tổ chức lễ Thu tế, lễ tế thành hoàng, cúng lục tổ khai canh, các vị khai khẩn và tổ chức các hoạt động văn nghệ, khuyến học, phát phần thưởng và khen thưởng cho các em học sinh có thành tích học tập tốt.
Ngoài ra, hằng năm cứ đến dịp tết Nguyên Đán ở đình làng còn tổ chức một số hoạt động mang đậm dấu ấn làng quê như lễ thượng nêu, lễ hạ nêu...và một số hoạt động khác.
Đánh giá giá trị Di tích
Đình Chiết Bi là ngôi đình tồn tại song song với quá trình hình thành và phát triển của làng. Đây là nơi thờ các vị thành hoàng đại vương, thờ vọng lục tổ khai canh và các vị có công với làng với nước. Đình còn là nơi diễn ra và lưu giữ các hoạt động văn hóa của cộng động làng xã nhằm lưu giữ và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa để lại.
Tuy đã trải qua một thời gian tồn tại khá dài, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa nhưng nhìn chung đình vẫn giữ được những yếu tố gốc mang đậm phong cách kiến trúc đình làng xứ Huế với hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống mang đậm dấu ấn và đặc trưng của nhà rường xứ Huế. Đây là một nguồn tư liệu vật chất, một dấu ấn văn hóa góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của cha ông để lại.
Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn huyện Phú Vang như nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diễu, đình An Truyền, đình Lại Thế, tháp Phú Diên, đình Quy Lai, đình làng Sình, đình Tây Hồ, chùa Hà Trung…đình Chiết Bi góp thêm phần đa dạng và phong phú cho hệ thống di sản văn hóa vật thể - những chứng tích vật chất và tinh thần phản ánh sinh động về đời sống, phong tục, tập quán cũng như lịch sử phát triển và bề dày văn hóa của cộng đồng cư dân trên vùng đất Phú Vang.
Ngoài ra, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích đình Chiết Bi là một việc làm cấp thiết nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhằm bảo tồn và gìn giữ một giá trị văn hoá tinh thần mà bao thế hệ ông cha đã vun đắp xây dựng. Đó là một trong những thiết chế văn hoá làng, xã còn lưu giữ.
Thông qua những sinh hoạt hội hè tại đình làng để khơi dậy lòng tự hào yêu quê hương, đất nước và ý thức dân tộc để đoàn kết gắn bó cộng đồng lại với nhau nhằm giữ gìn những giá trị vật chất, tinh thần mà thế hệ cha ông đã vun đắp và xây dựng. Đó là một nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của đất nước.
Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế
0 nhận xét: