Những "Rôbinsơn" trên đảo Hòn Nồm (1)
Ông Sáu Ánh kể: "Ba má tôi có 5 người con, và tôi là út. Theo tập quán của dân Nam Bộ, người con đầu thay vì là anh Cả hay chị Cả, thì lại kêu bằng anh Hai, chị Hai, nên tôi thường được gọi là Sáu Ánh - nghĩa là con thứ sáu, tên Ánh".
Cái chuyện họ "Dương" của ông Sáu Ánh cũng là chuyện đáng nói. Thật ra, ông mang họ Vương. Ông kể: "Ba tôi tên là Vương Văn Kiều. Sau ngày giải phóng, khi đi làm thẻ cử tri để bầu Quốc hội, vì người Nam Bộ vẫn hay phát âm chữ V thành chữ D, thí dụ "lấy vợ" thành "lấy dợ", "viết thư" thành "diết thư" nên họ Vương của ba tôi được cán bộ phụ trách công tác bầu cử biến thành họ... Dương!".
Tôi hỏi: "Sao bác không xin điều chỉnh lại?". Ông cười: "Sau này, căn cứ vào tấm thẻ cử tri, mỗi lúc đi làm giấy tờ, giấy nào tôi cũng họ Dương. Các con tôi sinh ra, khai sinh cũng họ Dương. Làm thủ tục đổi lại rắc rối và mất thời gian lắm. Tôi nghĩ thôi thì Dương hay Vương khi đọc cũng gần giống như nhau. Hơn nữa vấn đề không phải ở cái họ, mà là mình sống như thế nào". Tôi nói: "Vậy khi viết bài, em sẽ viết bác là họ Dương nhé". Ông lại cười: "Tùy chú".
Ở Hòn Ngang, từ năm 1952, ông bà Dương Văn Kiều đã bỏ công khai phá đất đai, trồng hơn 1.000 cây chuối, cây dừa. Ông Sáu Ánh, kể tiếp: "Con đông, đất ít, cha mẹ tôi thấy Hòn Nồm không ai ở nên gọi chị Năm tôi lại, giao tất cả đất đai, cây trái ở Hòn Ngang cho chị tôi quản lý rồi chất lên ghe một số đồ đạc cần thiết, giong buồm ra Hòn Nồm. Ba người anh, chị còn lại của tôi thì tứ tán mỗi người một phương, kiếm sống".
Hồi ấy, cả quần đảo Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng chỉ hai đảo có người ở là Hòn Lớn và Hòn Ngang. Ghe thuyền thì một số ít được trang bị máy nổ - loại máy chạy xăng hiệu Kohle, Clinton hay BS, công suất 4 sức ngựa (4 HP), còn lại dùng buồm hoặc chèo tay. Từ năm 1963 trở đi, mới có thêm những loại máy dầu hiệu Yanmar, Kubota của Nhật.
Ông Sáu Ánh nói: "Năm 1960, đặt chân lên Hòn Nồm chỉ có 3 người là ba má tôi và tôi. Mấy bữa đầu, tôi phụ ông bà đốn cây, chặt lá, dựng tạm một căn chòi rồi đào giếng". Ở đây, đào chừng 2,5m là có nước - nhưng là nước lợ, còn đào sâu xuống nữa thì gặp nước mặn bởi lẽ càng đào xuống sâu, càng thấy cát. Nước biển thấm qua cát, tràn vào.
Khi đã ổn định xong chỗ ở, ban ngày ông Kiều dọn đất để trồng trọt với công cụ chỉ là một cây búa bổ củi cùng một cây cuốc, một cái xẻng, còn bà Kiều và Sáu Ánh thì mò cua bắt ốc. Đêm xuống, cả gia đình lên ghe đi câu cá, "thẻ mực”, đem về xẻ ra, phơi khô. Thấy tôi ngơ ngác với hai chữ "thẻ mực", ông Sáu Ánh cười: "Thẻ có nhiều đường thẻ, mỗi đường là một sợi dây cước dài vài chục mét. Trên sợi cước này, cứ khoảng 30cm lại cột một chùm nhỏ những mảnh vải trắng, gọi là "bông". Khi đi "thẻ", ngư dân rải những "đường thẻ" đó xuống biển, cách nhau chừng 2m, chìm dưới mặt nước khoảng 3 đến 5cm. Ngồi trên ghe, người ta đốt đèn "khí đá" tạo ánh sáng rồi lắc những "đường thẻ" qua lại. Mực thấy mảnh vải trắng lấp lánh nên xúm vào, chỉ việc lấy vợt xúc lên". Đảo
Ông Sáu Ánh, kể: "Củ nần nếu muốn ăn được, phải luộc rồi xả nước lạnh 9 lần cho hết nhớt vì nếu không, ăn vào say dữ lằm". Những ngày ấy, nếu có một vài chiếc ghe tạt vào núp gió thì theo lời ông Sáu Ánh: "Vui còn hơn tết" bởi lẽ có thể đổi cá, đổi mực cho họ để lấy gạo, mắm, dầu thắp đèn...
Và cuộc đời của "Rôbinsơn" trên đảo Hòn Nồm bắt đầu từ đó.
- Nằm về phía tây TP Rạch Giá, phía đông đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du bao gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, cách TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang 90km. Trước kia, khi chưa có tàu cao tốc, đi tàu khách ra đảo thường phải mất khoảng 6 tiếng đồng hồ nếu trời yên, biển lặng. Ông Lê Văn Thành, chủ một tàu khách, nói: "Còn vào mùa gió, lắm khi tàu phải ghé vào Hòn Tre, Hòn Sơn Rái núp gió, thời gian có thể kéo dài đến 9, 10 tiếng". Hôm tôi ra, tàu cao tốc chỉ chạy mất hai tiếng rưỡi nhưng giá vé khá đắt: 210 nghìn đồng mỗi đầu người nhưng tàu chỉ cập bến Hòn Lớn, rồi muốn qua Hòn Ngang thì phải đi đò, mỗi người thêm 20 nghìn đồng nữa.
Về mặt hành chính, quần đảo Nam Du trực thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, trước kia gọi chung là xã Nam Du. Đến tháng 5-2005, Nam Du tách ra thành một xã gồm 10 đảo, trụ sở xã đặt tại Hòn Ngang còn xã kia là xã An Sơn, quản lý 11 đảo, trụ sở xã đặt tại Hòn Lớn - mà dân địa phương kêu bằng Hòn Củ Tron. Vào thời điểm tôi viết bài này, dân số quần đảo Nam Du khoảng hơn 9.000 người, đa số từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, đến.
Anh Lê Quốc Lịnh, Trưởng Công an xã đảo Nam Du, cho biết: "Xã Nam Du có tổng diện tích 245,8 km2, địa hình hầu hết là núi đá với 3.985 nhân khẩu, phần lớn là người Kinh, một ít là người Kh'mer. Hiện tại, trong 10 đảo thuộc quyền quản lý của xã, thì 7 đảo đã có người ở, đông nhất là Hòn Ngang". Điều đặc biệt nhất là cả xã chỉ có 7 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới bởi lẽ nghề cá và các dịch vụ phục vụ nghề cá mang lại thu nhập rất lớn cho người dân trên đảo, nhiều gia đình kiếm mỗi năm một vài tỉ đồng là chuyện bình thường.
Vì địa hình chỉ toàn núi đá, nên dân Hòn Ngang sống tập trung ven bờ biển, dọc theo chiều dài đảo mà trong đó, nhiều căn nhà được đục vào vách đá, bề ngang khoảng 2,5m, sâu 1,5m. Toàn bộ "nhà" là một chiếc sạp lót ván, còn cửa là một tấm vải, ban ngày vén lên, ban đêm thả xuống. Ấy vậy mà người thuê mướn mỗi tháng phải trả 500 nghìn đồng.
Cô Huệ, 21 tuổi, quê ở Miệt Thứ, Kiên Giang ra đây bán đĩa CD, kể: "Để tiết kiệm, em ở ghép với gia đình anh chị Thanh, mỗi tháng em trả 200 nghìn đồng, cơm em ăn là cơm hộp". Hàng ngày, Huệ ngồi từ sáng đến chiều cạnh một chiếc sạp gỗ nhỏ, trên bày la liệt hàng chồng đĩa CD, thôi thì đủ chủng loại, từ ca nhạc trong nước, nước ngoài, đến tấu hài, cải lương, phim bộ.
Thoạt đầu, tôi thầm nghĩ với dân số chỉ trên 3 nghìn người, thì có ma nào mua. Ai dè hỏi ra mới biết ghe tàu đánh bắt hải sản từ những địa phương khác khi ghé vào Hòn Ngang, người trên ghe thường lên bờ, vào chợ, mua sắm những vật dụng cần thiết, trong đó lắm khi có cả vài chục đĩa CD để "coi cho đỡ buồn những lúc ở không trên biển".
Anh Lê Minh Công, Bí thư xã, nói: "Xã Nam Du có 386 phương tiện đánh bắt, trong đó trên 30 chiếc trang bị động cơ công suất 500 mã lực. Vào mùa gió Nam, số lượng tàu bè từ những nơi khác đến, tăng lên hơn 1.000 chiếc, số người tạm trú cũng lên đến 6, 7 nghìn". Buổi tối, ngồi từ nhà anh Hiền, một cư dân ở Hòn Ngang - là nơi tôi ngủ nhờ - nhìn sang "nhà" cô Huệ - chỉ cách nhau 3m, tôi thấy vợ chồng anh Thanh cùng đứa con nằm ở chiếc sạp gỗ, còn Huệ giăng võng, vắt vẻo bên trên, mắt dán vào chiếc tivi đang chiếu một bộ phim tình cảm Hàn Quốc.
Địa thế nhỏ, hẹp, toàn đảo hòn Ngang chỉ có 3km đường giao thông tráng xi măng, chỗ rộng nhất là 2m nhưng rất ít - còn chỗ hẹp nhất chỉ đủ để 2 người tránh nhau. Theo anh Công, Bí thư xã thì cuối năm nay, xã sẽ làm một con đường vòng quanh đảo, rộng 2m, chủ yếu dùng cho xe gắn máy. Cả đảo giống như một cái chợ bởi lẽ cứ vài ba nhà, lại có một nhà làm dịch vụ buôn bán - nhưng không hề có nhà trọ hay khách sạn. Đi một vòng quanh chợ, tôi đếm được 8 điểm truy cập Internet, hơn 10 tiệm bán điện thoại di động, thẻ cào (chả thế mà cả xã có hơn 1.500 máy di động, sử dụng các mạng Vina, Mobil, Viettel), mấy tiệm vàng, tiệm sửa chữa, hàn, tiện máy móc, còn quán ăn, quán cà phê thì gần 50, không kể các sạp quần áo, hàng gia dụng, rau cỏ, trái cậy, thịt, cá, tiệm thuốc tây, tiệm trang điểm, cho thuê đồ cưới.
Anh Lê Quốc Lịnh, Trưởng Công an xã, cho biết: "Xã có một trạm phát điện do Nhà nước đầu tư xây dựng, chạy dầu diesel, hàng ngày cấp điện từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối, giá mỗi kwh là 1.650 đồng. Ngoài ra còn có một số máy phát điện của tư nhân". Với mức giá này, tôi được biết hàng năm ngành điện Kiên Giang phải bù lỗ cho xã đảo Nam Du từ 5 đến 6 tỉ. Để việc kinh doanh không bị gián đoạn, một số dịch vụ như quán cà phê, tiệm sửa chữa điện thoại di động, dịch vụ Internet..., mua điện của tư nhân, giá 20 nghìn/kwh.
Nước ngọt trên đảo cũng là vấn đề nan giải. Cả Hòn Ngang chỉ có 3 cái giếng nhưng năm nào cũng vậy, cứ từ sau tết đến cuối tháng 4 - khi mùa mưa bắt đầu, thì thiếu nước. Để giải quyết, một số tư nhân dùng ghe chở nước từ nơi khác đến, đổi cho dân trên xã, cứ 1m3 (1.000 lít), là 115 hoặc 120 nghìn đồng. Anh Lê Minh Công, Bí thư xã, nói: "Nhà nước cấp phát miễn phí cho dân trên đảo, mỗi hộ 4 hoặc 6 chiếc bồn bằng nhựa, dung tích từ 500 lít đến 2.000 lít để tích trữ nước mưa, đồng thời vận động người dân xây hồ chứa nước". Biết được điều này, để tiết kiệm nước ngọt cho gia đình anh Hiền - là người cho tôi ở nhờ trong suốt những ngày trên đảo - tôi chỉ tắm nước biển, quần áo không thay. Lúc đi mặc thế nào thì lúc về, vẫn y nguyên như thế ấy...
- Trở lại với những "Rôbinsơn" trên đảo Hòn Nồm, thì nếu nhìn trên bản đồ, sẽ thấy Hòn Ngang, Hòn Lớn và Hòn Nồm tạo thành một hình tam giác, mà đỉnh của tam giác là Hòn Nồm, nằm lệch về phía Hòn Ngang. Từ Hòn Ngang sang Hòn Nồm, đi ghe mất 20 phút còn từ cầu cảng Hòn Lớn sang hòn Nồm phải mất 30 phút. Gọi là Hòn Nồm nhưng thật ra, nó gồm 3 đảo nhỏ, là Hòn Nồm ngoài, Hòn Nồm giữa và Hòn Nồm trong (hay còn gọi là bãi Dừa vì nơi đây, có mấy trăm cây dừa do ông Sáu Ánh trồng).
Trong chuyến đi này, tôi may mắn có người đồng hành là anh Phát, bạn thân của tôi, giám đốc một công ty chế biến hải sản xuất khẩu, cùng anh Sơn, anh Cường, nhân viên thuộc công ty anh Phát, ra Hòn Ngang để đặt cơ sở thu mua hải sản. Và mặc dù anh Lịnh, Trưởng Công an xã đã rủ tôi về trụ sở ở với anh em cho vui. Cần đi đâu, anh sẽ liên hệ mượn ghe của bà con đưa đi nhưng tôi cảm ơn anh, rồi chọn chỗ ở là nhà anh Hiền - đầu mối thu mua hải sản cho anh Phát, để tiện việc thâm nhập thực tế.
Gia đình ông Sáu Ánh sống ở Hòn Nồm giữa, diện tích khoảng 10 hécta. Những năm đầu ở đây, dù chỉ có 3 người nhưng ngày làm rẫy, đêm đi biển khiến ông không còn thời gian để cảm thấy sự vắng vẻ, cô độc. Chỉ khi tết đến, ông mới nhớ những đứa bạn trạc lứa tuổi ở Hòn Ngang, nhớ bộ quần áo mới, những đồng tiền lì xì. Có đêm giao thừa, khi ba má ông đã ngủ say, ông len lén một mình ra sát mép biển, mắt nhìn về Hòn Ngang.
Những ngày tết, 3 con người trơ trọi giữa rừng, giữa biển. Không trà, không bánh, không rượu, ba ông hái lá bàng, nướng lên cho có mùi thơm rồi nấu như pha trà. Má ông nước mắt lưng tròng, nhìn chồng, nhìn con. Ông nói: "Nhưng những phút giây ấy chỉ thoáng qua vì hàng ngày, thấy ba má tôi cực quá, tôi tự dặn mình phải ráng cố gắng làm việc".
Năm 1967, trong một chuyến qua Hòn Ngang sửa ghe, ông Sáu Ánh - khi đó vừa tròn 20 tuổi, gặp cô Võ Thị Huông ở Đồng Tháp đến Hòn Ngang làm mướn. Nhìn thấy cô gái xinh xắn, hiền lành, ông bạo gan làm quen. Bà Sáu Ánh, kể: "Lúc ổng hỏi tui có muốn về làm vợ ổng không, tui mắc cỡ quá, chỉ cười chứ hổng biết nói gì. Ổng hỏi tiếp, rằng sống cực lắm, tui có chịu nổi không. Tui cũng không trả lời mà chỉ nghĩ làm mướn đã cực rồi, bây giờ có vợ có chồng, mà làm là làm cho mình thì cực mấy tui cũng chịu được".
Và thế là cuối năm ấy, gia đình "Rôbinsơn" trên đảo Hòn Nồm lại có thêm một người nữa.
Còn tiếp phần 2
- Theo Anninh Thegioi
0 nhận xét: