Sơn Đoòng hiểm trở nhưng kỳ vĩ
Chúng tôi gặp anh Hồ Khanh, người có công khám phá thiên đường nơi rừng thiêng trước ngày khởi hành để tìm hiểu kinh nghiệm. Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha Kẻ Bàng, Quảng Bình với địa thế rất hiểm trở và tách biệt.
Ngoài các đoàn thám hiểm của Hoàng gia Anh và một nhóm phượt người Việt thì chưa từng có đoàn du khách nào của VN đặt chân đến đó. Anh Hồ Khanh tỏ vẻ e ngại, lo rằng chúng tôi, những PV quen “cày đường nhựa” khó mà vượt qua được ải gian nan nơi rừng xanh núi đỏ. Nhưng chúng tôi quyết tâm dấn thân khám phá. Dự kiến hành trình kéo dài 2 ngày, trong đó sẽ có một đêm cắm trại đốt lửa nấu ăn như những người bản địa thực sự.
8h sáng, xe đưa đoàn chúng tôi vào vùng lõi của vườn Quốc gia Phong Nha, qua con đường mòn HCM. Ngoằn ngoèo, uốn lượn, qua những quả đồi nhỏ, những con suối trong, đường vắng lặng và yên bình kỳ lạ.
Qua Khe Sanh, chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm về cuộc chiến Mậu Thân, về những mất mát đau thương của bộ đội ta thuở trước, về cái chết thương tâm của 8 thanh niên đôi mươi rời vùng quê Thanh Hóa cùng một ngày và mất cùng một ngày khi bị bom đánh sập cửa hang...
Xe đột ngột dừng lại trước một cửa rừng hẹp. Từ đây, sóng điện thoại không còn nữa. Chúng tôi thực sự rời thế giới hiện đại để tìm về với thiên nhiên.
Hành lý mang theo chỉ có máy ảnh, chút đồ ăn sẵn và nước khoáng (đủ dùng cho chặng đi, chặng về sẽ đun nước suối uống). Khởi đầu hành trình là một con dốc nhỏ, sau đó là dốc đổ đèo để đi sâu xuống thung lũng. Rừng heo hút và thinh lặng, chỉ có tiếng vo vo của ong rừng, tiếng xào xạc của lá khô dưới chân, đôi nơi nghe tiếng suối róc rách chảy, tiếng oác oác của những loại chim không biết tên.
Chặng đường đầu tiên được "nuốt trọn" không mấy khó khăn, dẫu lên xuống khúc khuỷu nhưng rừng cây không rậm rạp, đáng ngại nhất là những loại cây bụi gây ngứa, khiến đôi tay chúng tôi rát buốt, những con côn trùng cứng đầu lởn vởn quanh mặt, chỉ chờ đưa tay đập một con là cả đám bâu vào. Nơi này nơi khác rễ cây bò lổm ngổm, như muốn kéo ngã những đôi chân nặng nề mỏi mệt.
Chặng thứ hai đi qua một rừng chuối xâm thực, cơ man chuối là chuối, to nhỏ, thấp bé, vươn thẳng lên trời, ngã ngang dưới đất chắn lối người đi, tưởng như cảm nhận được mùi lá chuối xanh, nhìn lên không thấy trời, hai bên dày đặc những thân bẹ tròn tròn đen đúa. Những bước chân cứ theo người đi trước mà bước. Chúng tôi thấy phục anh Hồ Khanh, khi anh nhớ được từng đoạn rẽ, từng bước ngoặt, hẳn là anh đã đi bằng cảm giác, bởi đường đi chưa thành lối mòn, cỏ cây dại mọc rộng khắp, quanh quất vẫn chỉ là tiếng côn trùng rỉ rả. Không một bóng người.
Qua khỏi rừng chuối là những đoạn suối cạn nhỏ, sỏi to sỏi bé, trơn trượt có, thô ráp có. Cửa Hang Én bắt đầu hiện ra phía trước, mở rộng như miệng con thú khổng lồ, như muốn nuốt cả không trung vào cái họng tối om của nó. Xa xa người ta đã thấy cạm bẫy của Hang Én, nhưng đến gần mới cảm nhận rõ sự rợn người phía sau cửa hang. Gầm hang thấp tè, phía trên là tảng đá khổng lồ nứt nẻ, cảm giác như một lúc nào đó, với sự thịnh nộ của thiên nhiên, tảng đá ấy có thể nứt toác ra, rình rập sự sống ở phía dưới.
Chúng tôi đi sâu vào vùng tối phía trong, sâu tít cho đến khi lại thấy trần hang cao vời vợi, những ngọn dốc đá vôi cao, dốc cát và đá tai mèo sừng sững, đứng ở đỉnh dốc này không cách gì nhìn thấy được ngọn dốc còn lại, phải đi miệt mài mới đến được cửa hang bên kia, nơi mở ra con đường đến với Sơn Đoòng. Sự nguy hiểm đã bắt đầu lộ diện, khi bên kia cửa hang là một vách núi đá cao sừng sững, dựng đứng, vách núi cao chót vót không thể tưởng tượng được. Nhưng bù lại, khi vượt qua, mỗi người đều sẽ được tưởng thưởng bằng hình ảnh suối trong lành, mát lạnh. Lúc này nước suối đã thay cho nước uống và là nguồn nước tăng lực cho những cơ thể quá mỏi mệt. Chúng tôi không thể cưỡng lại việc tạm dừng chân nơi đây, thả mình trong dòng suối mát rượi và thư giãn.
Lúc này là khoảng 2h chiều và khó khăn tiếp theo khi chúng tôi phải đối diện là một dốc cao thẳng đứng tầm 10m, ít độ bám, chỉ còn cách đu dây từng bước nhích lên phía trên. Chúng tôi hợp sức tìm cách đưa từng người vượt dây để leo lên trên đỉnh vách đá.
Những người dẫn đường của công ty Phong Nha Discovery liên tục động viên đoàn vì đích đến đã gần lắm rồi. Vượt được thử thách dây leo xong, chưa kịp hoàn hồn đã nhìn thấy rủi ro trước mắt khi chặng đường sắp tới toàn là những núi đá vôi cao, với những đoạn đường rất hẹp, một bên là gờ đá và bên còn lại là... vực, nhưng hang Sơn Đoòng đã ở trước mắt, rất gần rồi. Cuối cùng thì tiếng gió rít đã bắt đầu réo bên tai cùng một làn hơi lành lạnh tỏa ra. Không gì có thể tả nổi niềm lâng lâng hạnh phúc, những mệt mỏi dường như tan biến, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được sự tự hào khi là đoàn thám hiểm không chuyên đầu tiên đặt chân tới Sơn Đoòng, và cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang. Đáng tiếc là không thể vào sâu hẳn trong hang, một phần vì thời gian không cho phép, một phần vì khí trong hang khá độc, cần phải có các phương tiện hỗ trợ.
Vậy là cuối cùng, chúng tôi đã chinh phục hang Sơn Đoòng thành công. Dấu chân chúng tôi đã đi qua sẽ phần nào biến lộ trình đến Sơn Đoòng thành đường mòn để rồi sẽ có những du khách Việt, những du khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp hiểm trở của núi Đoòng.
Theo Bưu điện Việt Nam
0 nhận xét: