Về Ninh Vân xem nhà đá độc nhất Việt Nam
Nhắc đến Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) người ta đều biết đến nghề cổ truyền chạm khắc đá. Tương truyền nghề đá ở đây đã có từ hơn 400 năm. Những người thợ thủ công tài hoa đã biến những hòn đá sù sì thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.
Nhà thờ đá Phát Diệm hay 500 pho tượng La Hán ở chùa Bái Đính đều ghi dấu ấn tài hoa của người thợ đá Ninh Vân. Đến Ninh Vân bạn như lạc vào giữa những dãy tượng đá đang được chạm trổ, những tượng phật nằm, tượng long, lân, quy, phụng...
< Nhà đá của những nghệ nhân điêu khắc đá tại Ninh Vân.
Nhưng có lẽ điều khiến bạn phải thốt lên kinh ngạc là những ngôi nhà đá thủ công. Căn nhà đá của ông Lương Văn Thiện được làm từ năm 1934. Đã hơn 80 năm nhưng chiếc cổng đá vẫn sừng sững như một chứng nhân của thời gian.
Những nụ hoa xương rồng gai đỏ ly ty như làm dáng trên bức tường bằng đá trắng. Mở cánh cửa gỗ vào trong nhà, bạn sẽ ồ lên thích thú khi toàn bộ tường nhà, cột, hoành, các xà dọc đều bằng đá.
< Cổng nhà đá.
Xập gụ giữa nhà cũng được tạo tác bằng đá nguyên khối. Những bức chạm cây tùng, cây mai vô cùng tinh tê, sinh động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại, dường như có phép lạ ở đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.
Nổi bật giữa nhà là bức chạm vào vách đá: "Bẩy mươi tuổi còn xuân chán/Tóc bạc già sức khỏe thanh niên/Ăn khỏe ngủ ngon làm việc tốt/Sống như đá vọng thọ như sơn".
Ngoài căn nhà đá của ông Thiện, ở Ninh Vân còn có ngôi nhà đá của nghệ nhân Đỗ Khắc Đức. Ngôi nhà chỉ rộng khoảng gần 40m2 nhưng đã đón nhiều vị lãnh đạo cao cấp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt... về thăm.
Ông Đỗ Khắc Đức đã phải bỏ ra hơn 4 năm trời để đục, đẽo, mài chạm... Ngôi nhà được đục đẽo hoàn toàn thủ công vào năm 1954. Cho đến nay vẫn hằn rõ những câu thơ trên cột: “Cảnh vật vui chung với nước non/Đến vạn ngàn năm vẫn cứ còn/ Làm cho rạng vẻ nhà tế thế/Đem về truyền tử đến lưu tôn”.
Số lượng đá để làm nên căn nhà đá độc đáo này lên tới hàng chục khối. Chỉ riêng phần cột, căn nhà ba gian độc đáo này có tới 10 cột vuông, 2 cột tròn và 6 xà ngang. Để tách được đá từ núi, người thợ phải dùng con chét (một cục sắt) cái nêm. Riêng một cái cột cũng phải mất vài chục lỗ chét nhưng một ngày, mỗi người thợ cũng chỉ đục được hai đến ba lỗ chét.
Điều lý thú là các tác phẩm bằng đá này được làm từ những năm của thế kỉ trước, khi mà tất cả chỉ trông vào đôi bàn tay khéo léo, chai sần của người thợ đá. Trải qua hơn nửa thế kỷ với bao khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi nhà vẫn không hề suy chuyển càng cho thấy bàn tay tài hoa của người nghệ nhân xưa.
Theo Afamily
0 nhận xét: