Bình yên hồ Thang Hen
Tên của hồ theo nghĩa tiếng Tày là "đuôi ong", bởi vì từ trên cao nhìn xuống thì hồ có hình tựa như đuôi con ong. Hồ có chiều rộng chừng 100-300 m, chiều dài 500-1.000 m, tùy theo mực nước.
Huyền thoại xưa truyền rằng, trước kia ở vùng Trà Lĩnh có một chàng trai thông minh tuấn tú, làm bao cô gái xinh đẹp thổn thức. Chàng thi đỗ làm quan, được ban thưởng 7 ngày vinh quy bái tổ trước khi vào kinh. Mải quyến luyến bên người vợ mới cưới là nàng Bjooc nết na, xinh đẹp, đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ là phải trở về kinh.
Dốc sức vượt qua 36 thung lũng núi đá giữa đêm tối, chàng kiệt sức ngã khụyu, đập đầu vào núi Mã Phục và chết. 36 thung lũng ấy ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ ở vùng rừng núi huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng, nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thăng Hen ngày nay. Mùa mưa, nước ở các hồ dâng lên xanh ngát. Mùa khô, các hồ hết nước, duy chỉ có Thăng Hen vẫn trong xanh, không bao giờ cạn.
Hồ là một bể nước kín tự nhiên, có các dòng sông suối ngầm đổ về, và cũng có nhiều dòng suối ngầm chảy đi theo một hệ thống sông suối ngầm nằm sâu trong lòng những rặng núi đá. Hiện tượng này trong ngành địa chất gọi là Carxtơ. Nước hồ Thang Hen hàng ngày vẫn có 2 đợt thủy triều lên xuống. Độ chênh lệch của mực nước lớn và nhỏ trong hồ - giữa mùa mưa và mùa khô - có thể tới độ 15 hoặc 20 m.
Vào mùa lũ lớn, do có cả nước bề mặt đổ về nên nước chảy đi không xuể, làm cho hồ tràn sang các thung lũng liên kết tạo thành một chuỗi có tới 36 hồ nước xanh ngắt. Một trong các hồ bên cạnh Thang Hen là hồ Thăng Luông. Vào mùa khô hạn lớn thì hồ có thể trơ đáy, chỉ còn ít nước tại hồ chính Thang Hen với mức nước thấp nhất 10 m, và các sông suối ngầm đều chảy ngầm hoàn toàn. Khi hồ cạn, có thể quan sát trên bờ bùn dốc ngược có những hố lớn mà dưới lòng phễu của chúng là những thân cây, củi gỗ xếp xoay như được xoắn hút xuống; đó là những cửa ngầm thoát nước vào mùa nước lên.
Thượng nguồn của hồ là hang Thang Hen. Một trong các suối bắt nguồn từ hồ là Suối Củn, chảy lộ thiên bắt đầu từ một miệng nguồn trên một dãy núi đá vôi bao quanh hồ, có đỉnh cao tới 2000 mét do với mực nước biển, tới thị xã Cao Bằng thì nhập vào sông Bằng. Năm 2000 tại nguồn của suối đã xuất hiện một "giếng sụt" có đường kính gần 100 m, tụt sâu 50-70 m; sinh ra bởi hiện tượng ăn mòn đá vôi do dòng chảy ngầm.
Khu vực hồ Thang Hen có bờ vực đá dựng đứng sâu từ 5 cho tới 20-30 m và động cao 20 m thông lên phía triền núi. Trên núi đá có các giống cây quí như cây nghiến để lấy gỗ làm nhà, cây báng với thân cây có thể ủ men, rồi nấu thành rượu báng. Tại đây cũng có rừng trám trắng và trám đen.
Đường vào hồ Thăng Hen cũng thật đẹp, đi qua một ngôi làng nhỏ lô nhô những mái nhà gỗ. Những căn nhà thấp lụp xụp, mái nhà như chạm cả xuống đất. Có lúc, con đường bất ngờ dốc đứng giữa hai bên là vách núi cao, lúc lại uốn lượn giữa đồng lúa nương êm ả.
Làng Thang Hen nằm cách hồ khoảng 2 km. Làng gồm toàn nhà sàn, lợp ngói máng và làm toàn bằng gỗ nghiến. Bản trù phú và đông dân nhất ở cùng trong một triền thung lũng với hồ và cách hồ khoảng 2-3 km. Đối với vùng lân cận, hồ Thang Hen có khả năng điều hòa vi khí hậu: nhiệt độ vào những đêm mùa hè có thể lạnh bất thường.
Ngày chúng tôi đến, vạt hoa dại ven hồ đang nở đầy những bông hoa nhỏ, tím ngắt. Thảm hoa tím ôm trọn lấy mặt nước hồ xanh màu ngọc bích mát lành giữa trưa nắng. Những tia nắng vàng nhảy nhót lấp lánh trên mặt hồ xanh phẳng lặng như gương. Xa xa, sau thảm hoa là tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo, khiến mặt hồ như thu nhỏ lại, e ấp nép mình dưới sự chở che của núi rừng.
Phong cảnh nên thơ, êm đềm đến mức giữa trưa nóng mà chẳng ai có ý nghĩ sẽ nhảy xuống hồ tắm, bởi sợ làm vỡ mặt gương ngọc bích của hồ, sợ phá vỡ vẻ thanh bình nơi đây. Chúng tôi nằm giữa thảm hoa, để mặc những tia nắng nhảy múa xung quanh, thả hồn mình theo những dải mây trắng bồng bềnh vắt ngang sườn núi. Những câu chuyện cứ nhỏ dần, rì rầm rồi tắt hẳn, chỉ còn thấy thời gian trôi thật chậm và bình yên.
- nguồn Vnlink, Viettravel, Laodong, ảnh internet
0 nhận xét: