Chuyến thăm đập Lòng Sông - Bình Thuận

Nói đến miền Trung ai cũng biết đó là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, con người vất vả, cuộc sống còn nhiều điều phải lo. Cái khó lớn nhất là thiếu nước.

Nước là hàng đầu cho đời sống con người, cho sản xuất công nông lâm ngư nghiệp nảy sinh và phát triển. Điều đó càng thấm thía hơn với miền Nam Trung Bộ. Trong cái chung ấy, Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh khó hơn cả, trước tiên vì đây là những địa phương có lượng mưa trung bình năm nhỏ nhất nước ta. Sáu tháng mùa khô mong mãi mà trời vẫn chẳng cho. Vậy mà về mùa mưa, nước cứ ào ạt theo suối ra sông về với biển mặc cho con người tiếc ngẩn ngơ, buồn héo lòng nghĩ đến mùa khô lại tới.
.
Giữa cái nắng gay gắt 39 ÷ 40­0C, thêm các gió Lào phần phật hơi nóng tung hoành trên thôn xóm, ngõ phố của miền Trung dịp cuối mùa khô, chúng tôi đã tới Bình Thuận. Đúng là Bình Thuận có thành phố Phan Thiết thoáng và đẹp, có khu du lịch tuyệt vời Mũi Né trải dài mấy chục kilômét dọc bờ biển. Nhưng chúng tôi chọn hướng ngược lại đi về phía tây để thấu hiểu lòng người mong ngóng có nước như thế nào.

Dọc đường một, bắt gặp những đồi thấp thoáng vài bụi cây héo lá oằn mình chịu đựng từng ngọn gió Tây; đi chút nữa lại gặp cát bay, cát nhảy trên một vài cồn cát tìm mãi mới thấy một vài cây cỏ; Nhìn xuống mặt đường nhựa thấy làn khói mờ mờ cứ chập chờn phía trước; chúng tôi càng thấu hiểu thủy lợi nơi đây cần thiết biết nhường nào.

Rời đường một, men theo con đường nhựa dọc sông, chúng tôi thấy một quang cảnh khác hẳn lúc nãy. Cây cỏ xanh tươi. Trong những nếp nhà, vẫn trong cái nắng ấy, con người tươi tỉnh hẳn, trẻ nô đùa tung tăng. Đi nữa, đi nữa... xa đường một gần hai chục kilômét, chúng tôi đã tìm được cội nguồn của sự khác nhau. Đó là nhờ có hệ thống thủy lợi Hồ, đập Lòng Sông.

Hồ Lòng Sông được xây dựng ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận. Với một con đập bê tông sừng sững cao 45,8m (cao trình đỉnh đập là +79,8m, đáy đập nơi sâu nhất là +34,0m), chắn ngang sông Lòng Sông đã tạo nên một hồ chứa nước có mực nước chết ở cao trình +54,0m; mực nước dâng bình thường (MNDBT) ở cao trình +76,95m; mực nước lũ ở cao trình +78,24m; và một dung tích hữu ích 33,28 triệu m3 (dung tích hồ ứng với MNDBT là 36,88 triệu m3). Đập Lòng Sông là đập trọng lực bằng bê tông truyền thống cao nhất nước ta.

Với một quy mô như thế, hồ Lòng Sông đã tưới cho 4.260 ha đất nông nghiệp; làm xanh tươi hàng chục vạn ha đồi, đồng xung quanh hệ thống thủy lợi Lòng Sông nhờ nguồn nước ngầm tăng lên đã thực sự chống xa mạc hóa; cấp nước sinh hoạt cho 53.000 người; cải tạo khí hậu, giảm nhẹ lũ hạ lưu.

Ngắm đập Lòng Sông từ trên cao, chúng tôi thấy có một điều gì  lâng lâng khó diễn đạt. Nhớ lại, sau khi ra ra trường hàng chục năm chúng tôi vẫn chỉ biết tới đập bêtông trọng lực trên trang giáo trình của trường. Hôm nay, không phải ra tận nước ngoài, mà ngay trên đất nước mình cũng đã được ngắm nhìn những đập bê tông trọng lực hùng vĩ.

Hơn nữa, chúng tôi còn vào tận hành lang trong đập để hiểu hết cái vĩ đại ngầm, cái duyên kín đáo của đập bêtông trong lực.

Tiếp chúng tôi, lại là một cựu sinh viên Khóa 29C của trường Đại học Thủy lợi. Anh giới thiệu cho chúng tôi và khá đông khách du lịch về hồ đập Lòng Sông. Và thực là hết ý, anh cho hé mở các cửa van xả nước từ trên hồ. Làn nước phun xa khá đẹp mắt. Chúng tôi chuyện trò về hồ, đập Lòng sông, về ngành Thủy lợi – thủy điện, về Trường Đại học Thủy lợi trong hơi nước mát mẻ khác hẳn với làn hơi mờ mờ bốc lên ở đường quốc lộ 1 ban nãy.



Ngắm nhìn đập bêtông trọng lực Lòng Sông, chúng tôi dù khiêm tốn mấy, cũng trào dâng một niềm kiêu hãnh về trường mình, ngành mình. Đúng thực là, Đập Lòng Sông – một niềm tự hào của ngành thủy lợi Việt Nam. Bất giác, chúng tôi nghĩ miền Trung nói chung và Ninh Thuận, Bình Thuận nói riêng cần có nhiều công trình, hiệu quả như hồ đập Lòng Sông, để bớt đi cái nhọc nhằn vất vả của người dân miền Trung, để ngày càng có nhiều du khách đến với vẻ đẹp riêng của miền Trung.

- Theo web Daihoc Thuyloi