Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 10)
Đèo ĐăkSong ở vị trí giữa huyện DakMil và huyện Dakrlap thuộc tỉnh DakLak trước đây, giờ nó là huyện DakSong tỉnh DakNong và là ngã ba nơi quốc lộ 14A gặp đường mòn Hồ Chí Minh (giờ gọi là QL 14C). Con đèo này không có gì đặc biệt lắm bởi nó chỉ dài cỡ 7 - 8 km và dốc cũng không lấy gì làm ghê gớm cả. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, mới thấy con đèo này lắm huyền thoại, cả những chuyện chiến tranh bom đạn, chuyện chất độc màu da cam, chuyện các nữ anh hùng kháng chiến chống Mỹ đến chuyện tai nạn ma mồ, chuyện sương mù ảo ảnh, tiếng động hạ âm... Thôi thì đủ cả.
Từ thị trấn DakMil đi gần tới DakSong, cách khoảng 10km có một ngọn núi lửa đã tắt, giờ là một quả đồi tròn vo, giữa đỉnh đồi là cái miệng núi lửa, tắt bao nhiêu thế kỷ rồi không biết nhưng nó vẫn còn nguyên đó cái hũm rộng chừng 300m đường kính, sâu khoảng 30m cỏ mọc ngút ngàn....
.
Gần tới ngã ba DakSong, nơi quốc lộ 14A gặp quốc lộ 14C có một đồn biên phòng, tôi đã ở 3 ngày thăm đứa em đóng quân tại đây và được nghe mấy anh chỉ huy đi lính từ thời chống Mỹ, chống Khơ Me Đỏ rủ rỉ kể những câu chuyện thời đó bên bàn rượu cạnh bếp lửa đỏ hồng giữa đêm khuya mùa khô gió ào ạt thổi.
Những năm chiến tranh, khu vực này là khu vực chuyển vận lương thực đạn dược quan trọng cho chiến trường Miền Đông Nam Bộ và cho chiến khu R. Đường mòn HCM xuyên trong rừng già cách ngã ba DakSong chừng 30 km, sát biên giới Cambodia chứ không gặp QL 14 như bây giờ suốt ngày đêm từng đoàn quân giải phóng "âm thầm" luồn rừng hành quân về các mặt trận. Quân Mỹ cho máy bay B52 rải bom vào mùa mưa. Mùa khô thả chất độc da cam diệt cỏ và sau đó rải bom napan đốt cháy rừng, khu vực này có lúc "xơ xác" tiêu điều hoang vắng. Sức sống của rừng cộng với chất khoáng của đất đỏ Bazan khiến mầm sống lại tốt tươi chỉ sau vài năm ngừng chiến. Rừng lại xanh, cây cối rậm rạp, um tùm, chim muông thú rừng lại về, cho đến tận những năm hòa bình thì lác đác dân kinh tế mới từ Thái Bình, Nghệ Tĩnh vào đây xây dựng khai hoang.
Đèo DakSong cách đồn biên phòng chừng 3 km, có một con dốc nổi tiếng vì có nhiều giai thoại quanh nó, chuyện kể là trước đây có một tiểu đội nữ quân giải phóng Miền Nam giữ chốt khu vực này, sau đó bị B52 rải bom hy sinh hết. Những ngày trời sương mù, hoặc những đêm vắng trời trong xanh có trăng thì những chiếc xe vận tải đi qua đây rất hay gặp các "chị" hiện về. Lái xe thường nhìn thấy thấp thoáng trong ánh đèn pha là các chị đứng bên đường xõa tóc trêu đùa nhau, có hôm còn "nghịch ngợm" trèo hẳn lên bậc cửa cabin xe đu đưa, đu đưa...
Khu vực đèo DakSong rất nhiều sương mù, cung đường lại lắm cua gắt, tuy chỉ dốc thoai thoải nhưng tầm nhìn bị che chắn bởi cây cối. Hai đầu con đèo được phân định với khu vực khác là 2 khúc cua, dốc cũng tương đối cao, đường đi xẻ đôi ngọn đồi.
Giữa đèo có đoạn cua nổi tiếng bởi một vụ tai nạn kinh hoàng. Buổi chiều giữa mùa khô năm 1996, 2 chiếc xe khách loại 24 chỗ và 54 chỗ đấu đầu, "tử" tại trận hơn 40 mạng. Giờ chỗ đó thành cái dzớp, thi thoảng lại có vụ đâm nhau, hoặc đang chạy xe máy tự dưng ngã vật ra đường.
Có một chuyện giờ đây cũng chưa ai giải thích được, đó là ảo ảnh. Dân ở gần khu vực này kể rằng, trước đây rừng còn nhiều, mưa lớn, nhất là mưa kèm theo sấm sét, sau cơn mưa hơi nước bốc lên mù mịt, trong đám bụi mờ ngùn ngụt bay lên ấy, rất hay có những hình ảnh đám người đang đứng, thậm chí có hình ảnh cả một dãy phố. Còn dân lái xe đường dài tuyến quốc lộ 14 thì chuyền tai nhau câu chuyện kể, trong một đêm mưa sấm sét nổi đùng đùng, có ông lái xe tự nhiên thấy loằng ngoằng những vệt sáng xanh lét đằng trước mặt, rồi trong ánh chớp ấy, ông ta nhìn rõ hai bên đường là đoàn quân lính chiến, súng ống tua tủa đang hành quân.
Những câu chuyện đậm chất huyền hoặc ấy tôi được nghe trong một đêm mùa khô, từ những người lính biên phòng già, bên bếp lửa hồng rực than hoa có lùi những củ sắn thơm ngậy nhắm với rượu đế trong vắt cất từ ngô nếp, ngoài trời gió ào ạt thổi, cứ hun hút trên những tàng cây muồng hoa vàng trồng ken dày bên những lô cafe đang mùa nở hoa.
Đèo DakSong lượn lờ qua mấy quả đồi thoai thoải, xanh ngắt màu lá cafe. Mùa khô được tưới nước, cây cafe đơm hoa nở bung một màu trắng thơm ngát, đứng trên đỉnh dốc phóng tầm mắt ra xa, thấy cả một vùng đất cao nguyên bao la toàn một màu hoa trắng, điểm xuyết những khu đất màu xanh của rừng còn sót lại, những hồ nước long lanh, thấp thoáng những ngôi nhà gỗ mái ngói đỏ nâu xậm.... Cảnh đẹp ta chỉ thấy duy nhất có ở vùng đất Cao nguyên mênh mang này.
Vừa rồi, chạy một phát Xuyên Việt có 54 giờ. Tranh thủ cũng chụp được khá nhiều ảnh của những con đèo mình định viết.
Đêm, khoảng 1h sáng, chạy qua đèo ĐakSong, giờ đèo dốc chả thấy rờn rợn nữa vì 2/3 con đèo này đã được lính công binh hạ độ cao và mở rộng đường, đường quốc lộ 14 chỗ này đã trở thành phố thị, và là thị trấn Đaksong.
Từ cung này chạy đến tít tận Plei Kần mới có con đèo, đó là Đèo Lò Xo. Giờ Lò Xo cũng đông đúc dân cư rồi. Qua Thạch Mỹ thì có 1 con đèo nữa gọi là đèo P'rao, "xiên" sang A Lưới thì còn có mấy đèo nữa, đèo A Roàng và đèo A Sầu. Cung Tây Trường Sơn thì cũng có mấy đèo: Đèo Sa Mù, đèo Khe Đăng, đèo U Bò, đèo Khe Cạc ....
Định bụng vậy nhưng cuối cùng tắc đường ở P'rao, nên mình dex chạy được mấy con đèo này. Vậy là quay xuống Đà Nắng và hôm sau đi chụp ảnh đèo Hải Vân.
- Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16
Quốc lộ 14 là một huyền thoại của Tây Nguyên. Vốn xưa để tiện cho việc cai trị Cao Nguyên Trung Phần và ứng cứu miền Đông Bắc Khơ Me, Nam Lào, người Pháp đã cho làm con đường này. Đến chiến cuộc 1954 - 1975, quân Giải Phóng theo đường Trường Sơn xuyên rừng thường xuyên đánh phá các căn quân sự của Mỹ và Sài Gòn trên đất Tây Nguyên lại vận chuyển quân đội, phương tiện cho chiến trường Đông Nam Bộ.
.
Trên con lộ ấy có một cái đèo gọi bằng đèo Đăk Song, từ Gia Nghĩa lên tới đây ước chưa đầy 30km. Đèo Đăk Song nổi tiếng bởi những chuyện truyền kỳ, huyễn hoặc. Nào là vong hồn bộ đội về trong đêm, tiếng gió hú, những đoàn binh vũ trang đầy đủ hốt nhiên đi giữa đêm tối. Nhưng rồi đường Trường Sơn hiện đại mở ra, giao thông rất tiện, đất đai thì không ai nỡ bỏ nên giờ ở Đăk Song trồng nhiều Cao Su và Cà Phê. Rừng lạnh nơi nuôi dưỡng nhưng câu chuyện kỳ quái người ta còn phá chỉ để lại cái chỏm bên ngoài. Tôi qua lại đèo này tới 5 lượt, trong đó có hai lần là xuyên đêm tối và mưa Tây Nguyên, chỉ thấy bốn bề đen thui như mực, không còn những chuyện kỳ ảo đó nữa.
.
Những năm gần đây, người dưới xuôi từ khắp Bắc Nam di cư lên Tây Nguyên rất nhiều. Phàm là những chỗ đô thị, ngã ba đường, ven đường quốc lộ phần đông là người mới nhập cư. Bao nhiêu lợi điểm về giao thông về đất đai, người miền xuôi nắm cả. Việc đó nếu không khéo điều hòa thì sẽ tiềm ẩn của những bất hòa trên cao nguyên trung phần...
HAN RIVER BLOG
0 nhận xét: