Dưa xoài xứ cù lao
Trước đây, hễ vào đầu vụ gặp thời tiết bất lợi là xoài non rụng, nhà vườn chỉ biết ra lượm rồi đổ bỏ trong nuối tiếc. Theo người dân ở xã Bình Phước Xuân, thấy xoài non rụng, bà Phan Thị Phước, vợ ông Nguyễn Hoàng Liệt đã lượm cả thúng xoài từ khu vườn nhà mình đem vào làm dưa xoài ngâm nước đường. Ông Liệt ăn thử gật đầu khen ngon.
Sau đó, vợ chồng ông tích cực nghiên cứu, tìm tòi công thức chế biến để dưa xoài ngon và giòn hơn. Nhiều lần bạn bè đến nhà nhậu ông Liệt đem ra chiêu đãi, ai ăn cũng khen ngon.
Thấy món này ngày càng thu hút mọi người, vợ chồng ông Liệt làm vài ba ký dưa xoài đem ra chợ bán cũng “cháy hàng”. Thế là nghề làm dưa xoài bắt đầu thịnh hành và phát triển từ đó.
Lúc này, nhiều cơ sở sản xuất dưa xoài lớn nhỏ đã rục rịch mọc lên và “bám rễ” tại xứ cù lao. Ngang qua các xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp vào mùa xoài sẽ thấy có rất đông người ngồi cần mẫn gọt, chẻ xoài non tại các cơ sở sản xuất. Cũng nhờ nghề này mà xoài rụng của nhà vườn đã có chỗ tiêu thụ mạnh.
Ông Năm Dư, một nhà vườn ở ấp Bình Quới, xã Bình Phước xuân cho hay: “Trồng xoài bây giờ không còn sợ ế như trước. Đặc biệt, những trái xoài rụng, xoài non hái sớm cũng được các cơ sở chế biến dưa xoài thu mua nườm nượp, mỗi ký có giá từ 3.000-5.000 đồng…
Ông Nguyễn Hoàng Liệt, chủ nhân của cơ sở sản xuất dưa xoài Hương Giang, cơ sở ăn nên làm ra với nghề làm dưa xoài và định hình thương hiệu đầu tiên trên đất cù lao.
Khi nhắc đến thăng trầm của nghề dưa xoài, ông Liệt cười tươi: “Tôi không ngờ từ trái xoài rụng mà nay đã trở thành món khai vị nức tiếng xa gần. Khoảng chục năm trước, tôi quen được chị Kiều Mộng Thu ở Sài Gòn. Trong chuyến về quê ăn giỗ, chị ghé ngang nhà tôi đặt hàng mang về 200kg, bán tại Chợ Lớn. Với 200kg dưa xoài, chị Thu không đủ cung ứng nên sau đó, chị đặt hàng chúng tôi 500kg mỗi ngày. Thời điểm đó, mặt hàng dưa xoài bắt đầu có tiếng, tôi nghĩ có lẽ phải nhanh chóng chuyển từ sản xuất đơn điệu sang sản xuất hàng hóa mới có thể đưa nghề làm dưa phất lên”.
Do đó, ông Liệt đã có cuộc gặp trực tiếp với Ban Giám đốc Sài Gòn Co.opMart để ngỏ lời bán sản phẩm dưa xoài của mình và được chấp thuận chào hàng. Nắm bắt cơ hội vàng, ông Liệt về đăng ký mã số thuế, thương hiệu và đăng ký với Trung tâm Y tế dự phòng về an toàn vệ sinh thực phẩm…Từ chỗ sản xuất mỗi ngày vài trăm ký, cơ sở của ông cung cấp cho thị trường các chợ, siêu thị Sài Gòn khoảng 3 tấn mỗi ngày.
Muốn có được miếng xoài ngon, đạt tiêu chuẩn, người làm phải trải qua nhiều công đoạn như: Gọt vỏ, ngâm nước muối, xả nước, sên đường cát, bảo quản trong điều kiện lạnh thì mới dùng được lâu. Mỗi ký dưa xoài thành phẩm được đóng bọc đưa vào siêu thị có giá 20.000-24.000 đồng/kg, nếu trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 15-20%.
Qua khoảng 10 năm trong nghề, thương hiệu dưa xoài Hương Giang có mặt trên 26 Siêu thị Co.opMart từ Hà Tĩnh cho tới Cà Mau. Bên cạnh đó, sản phẩm dưa xoài Hương Giang cũng được cung ứng mạnh tại nhiều siêu thị khác. Ngoài ra, cơ sở sản xuất dưa xoài Hương Giang còn làm cả dưa cóc, qua đó đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông thôn thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/tháng.
Tương tự, cơ sở của ông Phạm Văn Thơ ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ mỗi ngày cũng sản xuất hơn 1 tấn dưa xoài, dưa cóc chua ngọt. Ông Thơ cho biết, lúc khởi nghiệp làm nghề này cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng về sau tìm được thị trường tiêu thụ thì nghề làm dưa xoài mới “nở nồi” và thương hiệu cũng được vang xa.
Hiện nay, mỗi tháng cơ sở dưa xoài của ông Thơ cung ứng cho thị trường trên 20 tấn dưa xoài, dưa cóc. Để hoàn thiện các công đoạn sản xuất, ông Thơ còn đầu tư mua máy móc để thực hiện các công đoạn bao bì, đóng gói trong quá trình sản xuất.
Có thể nói, đặc sản dưa xoài, dưa cóc non là một sáng kiến độc đáo của cư dân xứ cù lao. Họ đã mang món ăn khoái khẩu của cư dân xứ cù lao đi khắp miệt…
- Theo Angiang online
0 nhận xét: