Đền Gióng Núi Sóc

Từ đỉnh núi Sóc, khi phóng tầm mắt ra xa du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước sự hùng vĩ của hình thế địa lý cũng như vẻ đẹp thiên nhiên nơi Thánh Gióng thăng thiên sau sứ mệnh lịch sử.

< Tượng đài Thánh Gióng được đặt trên đỉnh Đá Chồng của núi Sóc, nơi tương truyền Thánh Gióng đã về trời sau khi đánh đuổi giặc xâm lăng.

Truyền thuyết kể rằng Thánh Gióng sinh ra tại làng Phù Đổng (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào thời vua Hùng thứ 6. Là người được "trời" đầu thai, đến khi lên ba tuổi ông vẫn không biết nói cười, đi đứng. Nhưng khi giặc Ân tràn xuống, Gióng cất tiếng gọi mẹ nhờ ra gọi sứ giả của nhà vua, rồi bỗng chốc vươn vai thành một thanh niên cường tráng đi đánh giặc. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông đã cởi áo giáp, vẫy chào quê hương rồi bay về trời. Nơi ông hóa là núi Sóc (thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

< Từ đỉnh núi, có thể phóng tầm mắt ra xa để cảm nhận sự hùng vĩ của hình thế địa lý cũng như vẻ đẹp thiên nhiên trên vùng đất lịch sử.

Ngày nay, tại đỉnh núi tương truyền là nơi Thánh Gióng bay về trời, một khu tượng đài Thánh Gióng bề thế đã được xây dựng. Sau khi khánh thành vào năm 2010, khu tượng đài đã trở thành một di tích quan trọng trong quần thể du lịch Ðền Sóc - Chùa Non Nước.

Tại đây có hai đền thờ Phù Đổng Thiên Vương. Đền Thượng làm từ thời Vua Hùng, năm 980, vua Lê Đại hành cho xây lại; Đền Hạ xây vào thế kỷ 19, năm 1898 đền bị cháy chỉ còn đôi ngựa gỗ là di tích cổ. Khu đền vừa được trùng tu lại khang trang, bên cạnh có chùa Đại Bi, Miếu Thánh Mẫu, nhà bia.


< Khu di tích đền Sóc ẩn sau những tán cây rậm rạp. Nằm ở khu vực núi Sóc, khu di tích được xây dựng từ thời vua Lê Đại Hành làm nơi thờ đức Thánh Gióng.

Nhân dân trong xã cho biết: trước kia đền quay về hướng đông, tới đời Lê mới xoay về hướng Bắc với lý do “giặc thường từ hướng đó đến”, biểu lộ ý thức cảnh giác cao của cha ông ta trong truyền thống đánh giặc giữ nước. Hội đền Sóc Sơn mở vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch. Lời ca giao duyên xưa còn có câu:

Sóc Sơn là ngọn núi nào
Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh.

< Một góc thơ mộng của hồ Đền Sóc, một hồ lớn nằm canh khu di tích đền Sóc.
< Khung cảnh thôn quê mộc mạc được điểm xuyết bởi các thôn xóm.
< Một ngôi làng trù phú hiện ra với tháp chuông nhà thờ và con đường làng ẩn hiện.
< Học viện Phật giáo Việt Nam nằm bên con đường khang trang dẫn về Thủ đô.
< Khung cảnh quen thuộc của xã Nam Sơn với một quả đồi tròn như mai rùa nằm gần hồ Tân Bình.

Hội đền ngay ở gần quốc lộ 3, có núi cao, rừng thông, hồ rộng tạo nên cảnh quan du lịch hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà thu hút sự quan tâm, thích thú của đông đảo khách nước ngoài. Từ trung tâm Thủ đô đến Đền Sóc chỉ hơn 40 km. Có thể đi băng 2 ngả đường Thăng Long – Nội Bài quặt xuống Phủ Lỗ rồi lên Sóc Sơn theo quốc lộ 3 hoặc đi qua cầu Gia Lâm, cầu Đuống rẽ lên Phủ Lỗ thẳng tới đền Sóc.

< Xa xa sau rặng núi Sóc, các xóm làng nằm trải dài trên vùng đất bằng phẳng, màu mỡ.

Đứng từ địa điểm đặt tượng đài trên đỉnh núi, khi phóng tầm mắt ra xa du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước sự hùng vĩ của hình thế địa lý cũng như vẻ đẹp thiên nhiên nơi Thánh Gióng thăng thiên sau sứ mệnh lịch sử. Từ đó, trong lòng mỗi người trào dâng niềm tự hào về quá khứ hào hùng và tình yêu quê hương, đất nước tươi đẹp.

- Theo DatViet, WikiHanoi