Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể - Kỳ 3: Những hang động mới
Huyền ảo hang Thầy
Cách hang Quan khoảng 25km về phía đông bắc, nằm cạnh “công viên đá xếp” của vịnh Hạ Long có một hang có tên gọi khá lạ: hang Thầy.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long Nguyễn Việt Dương nói sở dĩ gọi là “công viên đá xếp” vì hàng chục đảo núi đá ở đây có đặc điểm khác hẳn những ngọn núi đá ở mạn hang Thiên Cung, Sửng Sốt… Nếu những phiến đá ở mạn hang Thiên Cung, Đầu Gỗ cấu tạo theo thớ dọc thì ở núi đá khu vực này có cấu tạo thớ ngang. Mỗi ngọn núi đá gồm hàng trăm ngàn phiến đá xếp chồng lên nhau như những chồng sách khổng lồ.
Xuồng cập vào một đảo đá xếp, chúng tôi theo nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long đi vào hang Thầy. Cửa hang nằm sát mép nước nên chỉ một bước chân nhảy từ mũi xuồng là tới được sàn hang. Khác với những hang động như Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt…, sàn hang Thầy có một lớp cát bằng phẳng như một bãi biển.
Theo khảo sát của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long, hang Thầy có độ sâu khoảng 150m, chiều ngang khoảng 30m. Càng đi sâu vào trong lòng hang, nhiệt độ càng giảm xuống. Bên trong hang là một hồ nhỏ chứa đầy nước từ nguồn trên đỉnh núi chảy xuống róc rách ngày đêm. Ánh sáng từ cửa hang phản chiếu vào những nhũ đá tự nhiên óng ánh, cùng với tiếng suối chảy róc rách khiến chúng tôi có cảm giác huyền ảo đến lạ kỳ.
Vòm hang quá rộng với nhiều nhũ đá đủ mọi hình thù kỳ lạ. Ông Dương cho hay gọi là hang Thầy vì tương truyền trong hang đá có nhiều nhũ đá hình dạng cây bút lông và cuốn sách. Trước cửa hang có một phiến đá nhỏ như một chiếc bàn đọc sách. Theo dự kiến của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển, tương lai sẽ biến hang Thầy thành một bãi tắm trong hang độc đáo của vịnh Hạ Long.
Những phát hiện ở hang Tiên Ông
Ngày 17-11-2007, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử VN đã khai quật 60m2 trong nền hang Tiên Ông (còn gọi là hang Đục) nằm ở phía tây bắc đảo Hang Trai. Sau hơn một tuần khảo sát, các nhà khảo cổ đã thu được những hiện vật gồm xương động vật trên cạn, các mảnh gốm và nhiều vỏ sò, vỏ ốc suối và vỏ các loài nhuyễn thể khác.
Đặc biệt, một số công cụ bằng đá gồm rìu đá, dao đá cũng được phát hiện. Các nhà khảo cổ học bước đầu khẳng định cách nay chừng mười lăm đến hai mươi ngàn năm, khi vịnh Hạ Long còn là đất liền đã có người đến hang này sinh sống...
Khác với các hang động ở Hạ Long có nhiều nhũ đá rủ xuống, hang Tiên Ông có rất nhiều măng đá. Càng đi sâu vào bên trong lòng hang Tiên Ông càng thấy có nhiều măng đá. Từng đụt măng bằng đá trắng mọc lên nhan nhản giữa những lối đi khiến du khách tưởng lạc vào một rừng măng đá. Giữa lòng hang Tiên Ông măng đá bao quanh hai cột đá to, bên trên lại có nhũ đá rủ xuống tưởng như vào một rừng đá rậm rịt.
Theo khảo sát của Trung tâm Bảo tồn di sản, lòng hang Tiên Ông rộng hơn 1.000m2, hình mái vòm, chiều cao đỉnh mái khoảng 10m và đáy hang cách mực nước biển khoảng 5m. Tuy ở địa thế cao so với mực nước biển, nhưng trong lòng hang Tiên Ông lại chứa rất nhiều vỏ sò, ốc biển. Tại đây người dân của những làng chài trên vịnh còn phát hiện và sưu tầm được vỏ sò, ốc biển có đục lỗ. Các nhà khoa học phán đoán những hiện vật đó có thể là đồ trang sức của người xưa.
Theo ông Ngô Hùng - trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long - ngoài những hang động đang trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu như hang Tiên Ông, hang Thầy… sắp tới ban quản lý sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khảo cổ học làm rõ, khảo sát những hang động mới chưa kịp đặt tên ở vịnh Hạ Long, có những hang nằm sâu dưới nước, có hang rộng đến hàng ngàn mét vuông chứa đựng nhiều điều bí ẩn… Bên cạnh đó, ban quản lý cũng đang xúc tiến thiết kế tour du lịch khám phá vịnh Hạ Long bằng xuồng cao tốc, du khách có thể yêu cầu đến thăm bất cứ đảo nào, hang nào cũng được đáp ứng.
Vịnh Hạ Long với tổng diện tích 1.553km2 gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Ðảo của vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là đông nam (thuộc vịnh Bái Tử Long) và tây nam (thuộc vùng vịnh Hạ Long) có tuổi kiến tạo địa chất 250-280 triệu năm. Ẩn giấu trong những hòn đảo đá là hệ thống hang động vô cùng phong phú với măng, nhũ đá có quy mô, hình dáng, màu sắc đa dạng, huyền ảo... Một số hang động còn chứa đựng các dấu tích của người tiền sử Hạ Long đang là điểm hấp dẫn khách tham quan như: Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Sửng Sốt, Soi Nhụ, Thiên Long, Mê Cung, Tam Cung.
- Theo Tuoitre
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ cuối): Có một Hạ Long anh hùng
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể - Kỳ 3: Những hang động mới
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 2): “Vườn thuốc dân gian” trên biển
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể - Kỳ 1: Bí ẩn cánh rừng già
0 nhận xét: