Khám phá Suối Đá Ngọn
Rời thị trấn Dương Đông, theo đường Nguyễn Trung Trực 3 cây số đường nhựa, chúng tôi vượt thêm 7 cây số đường đất đỏ về hướng suối Đá Bàn. Đêm qua mưa tầm tã, tuy nhỏ nhưng con đường vẫn có nhiều vũng nước hơi khó lái xe gắn máy. Chúng tôi quanh co xuyên qua những xóm làng thưa thớt, êm ả với những vườn tiêu xanh tươi, những cây rừng phủ rợp bóng mát, những con suối ồn ào tiếng nước đổ dưới chân cầu để đến hồ Dương Đông.
Hồ Dương Đông ở chân núi Hàm Ninh – dãy núi dài nhất (30 cây số) và cao nhất (603 mét) trong 99 ngọn núi trải dài từ Bắc chí Nam của Phú Quốc, thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Vườn hiện có diện tích rộng tự nhiên 31.422 hec-ta, được quy hoạch thành 3 phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính – dịch vụ – nghiên cứu khoa học. Trải từ Bắc đến Trung đảo, vườn khá đa dạng với nhiều hệ sinh thái quý hiếm. Mùa hè, tiếng ve râm ran trên những tán cây rừng như bản hòa ca bất tận.
Hồ Dương Đông chu vi 3,5 cây số, sâu 15 mét, được tạo từ hẻm núi và một con đập xi măng, cung cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Dương Đông. Mặt hồ nước xanh sậm màu ve chai trong suốt thấy từng đàn cá mè, cá lóc lượn lờ, cá con nhỏ như bầy ròng ròng nhởn nhơ bơi lội quanh xuồng. Người ta nói nơi đây vào những trưa nắng lớn thuờng thấy hai con càng đước, mỗi con nặng khoảng 25 – 30 ký, xuất hiện…
Xuồng máy composite chạy khoảng 20 phút băng ngang hồ đến chân suối Đá Ngọn. Đầu mùa nắng, trong khi suối Đá Bàn, suối Tranh khô kiệt nước thì suối Đá Ngọn và bảy ngọn thác của nó lúc nào cũng ồn ào tiếng nước chảy. Nước nhiều đến đỗi hồ Dương Đông phải xả bớt mới không bị vỡ đập. Vậy mà, trong năm nay, hồ sẽ được xây cao thêm khoảng 15 mét nữa, để phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho cư dân thị trấn Dương Đông sẽ gia tăng trong tương lai.
Mới đầu mùa mưa mà suối Đá Ngọn đã “hung hãn” quá chừng. Nước tràn trề, chiếm một khoảng bề ngang rộng chừng 6 mét. Con đường từ chân suối đi lên thật vô cùng ngoạn mục. Đá là đá, đủ hình thù, kích cỡ. Giày dép mang theo “bất lực” trước thiên nhiên hoang dã, chỉ có chân trần mới cực khổ vượt qua được hàng triệu tảng đá rất khó đi, có khi phải dầm chân trong làn nước lạnh buốt chảy siết. Có lúc phải băng rừng dọc theo triền suối, níu cành cây giữ thăng bằng, lắm khi níu nhằm nhánh dứa gai, máu ứa bàn tay, đau điếng.
Sung sướng nhất là khi được đặt chân trên các tảng đá phẳng phiu, thoải mái ngắm phong lan, dương xỉ bám đầy trên cành nhánh cây rừng. Nhưng bất ngờ nhất là ai cũng “bần thần” khám phá thấy cây tùng lá nhỏ như kim – một loại cây tưởng chỉ có ở Trung Hoa huyền thoại từ thuở xa xưa nào – không ngờ có mặt ở cuối trời Tây Nam đất nước. Hơn thế nữa, ở đây còn có cây tùng rậm lá, lạ mắt làm xao xuyến bao con tim nhạy cảm.
Đâu chỉ có vậy, người “sành chuyện” cho biết Vườn Quốc gia Phú Quốc hiện có hơn 530 loài thực vật cùng 150 loài động vật gồm 12 chi, 69 họ; 365 loài chim với các loài hiện có tên trong danh sách các loài quý hiếm, mà hiếm nhất là sói rừng và khỉ bạch. Đại mộc cao khoảng 20 – 30 mét làm thành một sinh tầng cao với các loại cây: vên vên, dầu song nàng, dầu cát, cầy, dẻ, săng sót, da, bứa,… Đặc biệt là mùa cua (hoa sữa). Theo một cư dân được sinh ra và sống ở đảo từ bốn chục năm nay, mùa cua có mặt ở đảo từ rất lâu đời, có cây gốc tới 2 – 3 người ôm.
Theo dòng suối lên cao, không khí mát rượi, thanh sạch hiếm có. Dọc đường, từ khe đá nhỏ rứt bất ngờ nhô lên một đóa trang rừng đỏ tươi nổi trên mấy chiếc lá xanh sẫm. Mua và sim mọc dài theo suối khoe những cành hoa tím đẹp mơ màng. Bao nhiêu nhọc mệt dường như tan biến khi nhấm chiếc lá bứa chua chua, nhất là khi đứng trước con thác thứ nhất mà anh bạn địa phương tạm đặt tên là thác “Đầu Lâu”. Anh chỉ vào dòng nước trắng xóa xoáy ồn ào, lờ mờ ba hốc đá đen, nói: “Có hai hốc mắt và một hốc miệng, giống hệt cái đầu lâu”. Ai cũng ngẩn ngơ trước bàn tay “nghịch ngợm” của trời đất.
Lại vượt qua muôn vàn đá tảng chìm trong nước, chân dò dẫm khỏa lớp rong rêu bám trên đó, bấm mấy ngón chân, đặt bước cẩn thận mới không bị trượt. Chốc lát đã đến ngọn thác thứ nhì, ở độ cao 300 mét. Thác cao, nước đổ ào ạt, âm vang nhói ngực. Cánh đàn ông, con trai nhanh chóng nhào xuống hồ nước nhỏ, bơi lội đã đời rồi mới tựa lưng vào thành thác cho nước dội mạnh lên đầu, lên người xóa tan mệt mỏi.
Nhìn cảnh ấy, cánh nữ người này rủ người kia xuống tắm, nhưng không ai chịu “phát pháo”. Bất ngờ cơn mưa rừng ào ạt đổ. Bờ suối có duy nhất chiếc hang cạn, vừa đủ hai người trú với mớ đồ đạc đem theo ém sát trong hốc. Các cô ướt mèm, “đành” nhanh chóng nhào xuống suối, quậy tưng.
Anh bạn địa phương bắt được mấy có cá lóc cỡ cườm tay người lớn, gom mớ cành khô, nhóm bếp lửa, cầm sấp báo quạt liên hồi. Trong mưa, lửa cháy khó khăn, khói tỏa mịt mù. Có than, anh bạn nhanh tay đùa chúng vào dưới thân cá. Mặc kệ mưa, cá vẫn chín nhờ sấp giấy báo phủ lên trên. Chốc chốc anh thăm chừng, trở mặt cá bằng bàn tay chai sần lao động của mình. Cá chín, cả đoàn túm hụm quanh hốc đá, bốc chấm muối tiêu chanh ớt, mặc cho nước từ cành nhánh cây nhỏ xuống. Nước cá ngọt thơm hòa trong nước mưa ngọt mát, thấm sâu vào tận dạ dày đói meo.
Dường như ai cũng thích thú thưởng thức hương vị khẩn hoang nên không thèm rớ tới mấy lát pa tê, xúc xích, chả lụa ngâm trong suối lạnh ngắt, cùng mấy ổ bánh mì đựng đầy bọc nylon. Cái lạnh của mưa rừng hầu như tan biến trước những nhúm cá tươi ngon cùng mấy ngụm rượu sim đậm đặc uống bằng nắp chai. Hòa mình trong “cuộc sống hoang dã” này, người nào cũng khoái trá đoan chắc có lẽ chưa ai khác được hưởng chuyến du ngoạn suối kỳ thú như vầy…
Còn năm tầng thác nữa mới tới đỉnh của suối Đá Ngọn. Cả năm ngọn thác này đều đẹp hơn hai ngọn thác dưới cùng mà chúng tôi đã đi qua. Trong đó, ngọn thác thứ tư cao khoảng 10 mét, nước đổ xuống mặt hồ rộng khoảng 30 mét vuông, tha hồ bơi lội, tha hồ mát- xa cực đã. Mưa nổi bong bóng, nghĩa là mưa dai, nên chúng tôi đành xuống núi.
Phải rất thận trọng khi đặt chân trên những tảng đá nổi, vì giờ đây lớp rêu bám trên thân nó ngấm nước mưa, trơn nhớt. Dù hết sức cẩn trọng nhưng cũng có mấy người trượt chân, thậm chí có người té ụp bị nước cuốn đi, may, níu được tảng đá ngầm. Vất vả trong niềm hứng khởi, chừng tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy khoảng sáng hé lộ ở “chân trời”. Đó là chân suối, nơi có chiếc xuồng composite đang chờ đưa chúng tôi băng ngang hồ Dương Đông.
Chạy xe gắn máy về nơi nghỉ, cứ tưởng ít lắm sẽ có vài người bị cảm lạnh, nhất là các cô, các bà. Nhưng không, tất cả dường như mạnh khỏe thêm ra, chuyến đi mạo hiểm như tạo thêm niềm sảng khoái, thích thú vì ai cũng luôn có nụ cười trên môi khi nhắc đến suối Đá Ngọn.
- Theo Phuquocquetoi, Metinfo.blogspot
0 nhận xét: