Phó Bảng bình yên
Đã tới vào mùa đông sương giăng mịt mùng, bạn sẽ muốn trở lại vào mùa hè khi mặt trời chói nắng. Con đường vào Phó Bảng cheo leo đến mức, nhiều người khi ngước mắt nhìn lên tự hỏi, liệu không biết con đường ấy có dắt ta đi về phía cổng trời? Chốn ấy bình yên và thanh thản đến mức, ngỡ như thời gian đang dừng lại, hoặc là trôi rất chậm, thật khẽ khàng, thật dịu dàng, biến thị trấn thành một nơi hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, khiến người lữ hành quên đi hết những âu lo, bộn bề ở dưới xuôi kia…
Có lúc, thị trấn cũ kỹ ấy như bị nhấn chìm trong cái lạnh buốt giá và mịt mù sương núi, như thể đang ngủ rất say để quên đi sự khắc nghiệt của đất trời. Cũng có lúc, bừng lên trong sự ấm áp của nắng mai, của những bước chân vội vàng đi nương lên núi, của những ruộng hoa hồng rung rinh trong gió, hay tiếng cười trong trẻo của bọn trẻ con nơi góc làng.
Phó Bảng làm người ta nhớ bởi những căn nhà trình tường đẹp như trong truyện cổ. Những bản quần cư cũ kỹ với tường đất và cột kèo bằng gỗ đã trở nên láng bóng vì thời gian, mái ngói âm dương sẫm màu sương gió, giấy bản màu cứ phai rồi lại mới mỗi độ xuân về.
Nó cũng làm người ta nhớ bởi những người phụ nữ ngồi bên ô cửa, phơi nắng ngoài sân chuyện phiếm với thêu thùa… Nó cũng làm người ta xót lòng khi nhìn những căn nhà bỏ hoang xiêu vẹo, tường đất mới nện mà mái lợp tạm bợ bằng mảnh nylong, có người mẹ trẻ con ngồi chông chênh trong gian nhà nắng, nơi không chỉ có những điệu khèn du dương gọi bạn, mà còn phảng phất đâu đây những điệu ầu ơ buồn…
Chợ Phó Bảng họp mỗi tuần một lần, vốn là một phiên chợ lùi, (nếu tuần này họp thứ 7 thì tuần tới sẽ họp vào thứ 6, tuần tới nữa sẽ họp vào thứ 5), vì thế sẽ thật may mắn khi tới nơi này đúng ngày phiên chợ. Cũng như bao phiên chợ vùng cao khác, một tuần dân quanh vùng Phó Bảng sẽ có một ngày vui, một ngày tất bật đem hàng đi bán, mua sắm đồ đạc mới, dắt ngựa, cắp lợn, cắp gà xuống núi, được uống rượu mềm môi, say sưa ngủ ngang đường... và vui những niềm vui giản dị.
Phiên chợ nhỏ chỉ họp trong một buổi sáng, cũng đủ làm chộn rộn cả khu phố cổ vốn dĩ rất trầm lặng trong tuần.
Tôi yêu cái thị trấn bảng lảng sương mờ ấy, yêu những con người lặng lẽ đi về trên phố núi, những mái nhà ẩn hiện dưới tàng cây, khoảng sân nhỏ khuất sau bờ rào đá. Tôi lặng người trước những thung lũng đẹp như mơ, ở đó, giữa lởm chởm những hốc đá tai mèo, mầm xanh của ngô lúa, cải mèo vẫn đang cựa mình để sống.
Phó Bảng thị trấn bình yên trên Cao nguyên đá
Tôi đứng trên đường biên giới giữa hai nước Việt - Trung, con đường trải nhựa nối thẳng hai cửa khẩu Phó Bảng và Ma Ngán Sán, thỉnh thoảng vẫn thấy xe máy biển Trung Quốc nổ máy ầm ầm chạy ngang, thấy người dân tộc đi tra ngô, làm nương trên núi, mà không phân biệt được họ là người Việt hay là bạn láng giềng.
Dường như, ở chốn núi liền núi, sông liền sông, văn hóa sống của các dân tộc đã hòa trộn vào nhau, tạo nên một nét rất riêng cho Phó Bảng… Thế nên, lúc ngồi bệt trên nền đất nện trong khu phố cũ, ngắm những người già đi ra đi vào, tôi chợt liên tưởng đến những hình ảnh của Hồng Giang cổ thương thành trên đất Hồ Nam… xưa cũ, trầm mặc, thanh thản và bình an đến lạ kỳ.
Ngô gác lúc lỉu trên hiên nhà, cỏ khô xếp đầy chái bếp, những chiếc xe cải tiến rảnh việc nằm ngoan bên đường, chỉ có đám trẻ con là chạy loanh quanh cột nhà, ngang qua chiếc cửa sổ bé xinh như cửa tò vò, hay vấp đánh ầm vào thanh gỗ ngang ở chân cửa chính.
Đến Phó Bảng, không thể không dừng xe ghé thăm các bà, các mẹ, các chị đang hối hả tước lanh, se sợi, khâu váy… một trong những công việc quan trọng thường ngày của người dân nơi này. Những chiếc váy Mông kỳ công và nhiều màu sắc, rực rỡ, lóng lánh bây giờ không chỉ còn là trang phục truyền thống của phụ nữ nữa, mà còn trở thành một thứ quà lưu niệm đáng giá cho nhiều du khách gần xa ghé thăm thị trấn heo hút và biệt lập này.
Hôm ấy nắng rất vàng, trời rất xanh, bản cuối cùng sát đường biên có gian nhà mới đang trình tường nện đất. Tôi ngồi giữa đám trẻ nhỏ đang nghịch ngợm trên thửa ruộng bỏ không, ngắm nhìn cánh đàn ông cần mẫn gụi từng gùi đất, hối hả đổ vào khuôn, dùng vồ nện chặt rồi lại gùi, lại đổ đất và dùng vồ nện chặt… Cứ thế độ hơn chục ngày, ba bốn công thợ, mua tấm lợp pro xi măng che mái thay vì vào rừng xẻ gỗ là có nhà mới để ở. Rồi bên ngoài tường lại xếp đầy củi khô, trên bờ rào lại phơi đầy váy áo… Dòng chảy cuộc sống âm thầm trôi.
Tạm biệt Phó Bảng, hình ảnh cuối cùng níu giữ bước chân tôi là một phụ nữ người Mông đang quần quật giặt đồ bên suối, đứa con nhỏ chơi quẩn quanh chân, váy áo phơi la liệt trên bờ, trên ngọn cây, ngọn cỏ… Này xanh, này đỏ, này vàng, này bảy sắc cầu vồng lấp lánh… Thị trấn này sao quá đỗi bình yên?
- Theo Dulich Tuoitre
0 nhận xét: