Về miền nắng gió Phan Rang
Nhưng xứ sở của gần 300 ngày nắng mỗi năm này có biết bao điều thú vị: biển xanh, sa mạc cát và các tháp Chàm. Đó là lý do tại sao Phan Rang lại hấp dẫn nhiều người. Lịch trình nửa ngày của người thuộc chủ nghĩa xê dịch sẽ đưa bạn đến với vùng đất lạ.
Tôi có ý định sẽ làm một vòng quanh thành phố Phan Rang. Lịch trình cực kì ngắn gọn và nhanh chóng vì chỉ có nửa ngày đi thăm thú các nơi và tìm hiểu sơ qua về vùng đất này.
7h sáng, chiếc xe máy đặt thuê của khách sạn đã đợi sẵn trước cửa. Sau một hồi hỏi thăm đường xá và những điều cần biết, tôi chạy xe đến Cà Ná trước tiên.
Bãi biển Cà Ná nằm cách thành phố khoảng 30km về phía Bình Thuận, cứ chạy thẳng quốc lộ 1A là tới. Trời nhanh chóng nắng gắt, hắt những tia chói chang xuống con đường bê tông không có lấy một bóng cây.
Đúng là nắng Phan Rang, khiến người ta đen giòn và rát bỏng. Những ruộng lúa gợn sóng dập dờn trong cơn gió biển hào phóng. Biển Cà Ná hiện ra trước mắt sau khi đã vòng qua dẫy núi Điện Bà.
Ít có nơi nào có phong cảnh hữu tình như nơi đây, biển tung bọt trắng xóa vào những ghềnh đá, bãi biển cong cong hình lưỡi liềm dài suốt 3km. Nước biển xanh ngắt một màu và sâu.
Du khách chỉ được phép bơi gần bờ vì bãi cát ở đây khá sụt và có nhiều đá ngầm. Chẳng thế mà biển được đặt cái tên Chăm là Cà Ná – nghĩa là Đá ngầm.
Người ta nhớ nhiều đến Cà Ná vì kho muối lớn nhất cả nước đến hơn một ngàn hecta trải dài theo bãi biển. Mỗi ô muối rộng hang chục hecta, muối nơi đây có nồng độ tốt nhất Đông Nam Á. Các diêm dân ngoài khai thác muối phục vụ cho ngành công nghiệp còn sản xuất nước mắm và cá hấp.
Các nhà nghỉ đang được xây dưng khắp nơi, đa phần là các resort nghỉ dưỡng. Du khách sau khi đã tắm biển hay leo núi, về lại nhà nghỉ thưởng thức các món đặc sản biển.
Những cơn gió biển cuồng nhiệt và cái nắng rát da thịt cũng là một đặc sản vô giá của thiên nhiên. Trước khi ra về, đừng quên mua một cây san hô được bày bán rất nhiều dọc hai bên đường.
Trở lại Phan Rang, cách chừng vài cây số, tôi cho xe rẽ vào làng gốm Bầu Trúc. Đời sống người dân đã được quan tâm và khấm khá. Chị chủ nhà dẫn tôi vào xem chiếc bàn mà chị vẫn làm hàng ngày.
Người dân làng Chăm này vẫn giữ cách làm đồ gốm thô mộc của mình. Đất sét song Quao trộn với cát đặt lên bàn, những sản phẩm dần hiện ra sau một lần xoay vòng và khi người thợ dừng xoay cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành.
Không cần những lò nung, chỉ dung rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Đơn giản và thô mộc nhưng hấp dẫn khách mua hàng. Đây cũng là làng gốm cổ nhất Đông Dương.
Những vườn nho đang vào mùa sai quả khiến bước chân không thể đi qua. Tôi rẽ sâu vào con đường đất đỏ vào làng. Theo tay người chỉ đường vào tận cùng làng, đến với những vườn nho.
Nho đang xanh một màu với lá. “Một tháng nữa quay lại đây thì tha hồ mà chụp ảnh” – cô nông dân vừa nhanh tay tỉa những trái nho xanh vừa tươi cười nói với tôi khi thấy tôi chụp hình. Một năm hai mùa nho.
Thời tiết khô hạnh của đất Phan Rang khiến những trái nho chin mọng và ngọt lịm. Chẳng thế mà ở đây trồng nhiều nho nhất cả nước và cũng có cho ra những giống nho ngon nhất. Nhưng mà giống nho cũng nhiều sâu bệnh nên chăm cũng vất vả hơn những loại cây trồng khác.
Nho làm rượu, mật ong từ hoa nho và cả rượu ong là những sản phẩm trong túi xách của khách du lịch muôn phương khi đi qua vùng đất này.
Xuyên qua cánh đồng nho là đến chân tháp Chàm – địa danh nổi tiếng nhất của ngành du lịch Phan Rang. Gần 10h sang, những chiếc xe du lịch chở khách vào nơi này thăm quan khá đông.
Trước khi đến với tháp, bạn nhớ ghé vào ngôi nhà triển lãm, tìm hiểu them về lịch sử những ngôi tháp. Suốt dọc dài từ Bình Định cho đến Vũng Tàu, đâu đâu cũng có những ngôi tháp Chăm như biểu tượng minh chứng cho sự tồn tại của một dân tộc đã từng có thời kỳ huy hoàng trong lịch sử.
Hi vọng sẽ có dịp trở lại nơi này, để tìm hiểu kĩ hơn và đi được thêm nhiều địa danh khác nữa. Thời gian không dài nhưng đủ để cho tôi có những trải nghiệm tuyệt vời. Còn đó đồi cát Nam Cương, vịnh Vĩnh Hy, những địa điểm tuyệt đẹp của vùng đất nắng gió.
- Tổng hợp từ Ninhthuan24, Sotaydulich
Từ TP Hồ Chí Minh mất khoảng 7 tiếng ngồi xe lửa hoặc 6 tiếng ngồi xe đò, du khách đặt chân đến Phan Rang. Tỉnh lỵ Ninh Thuận nằm trên con đường du lịch nhưng thị xã Phan Rang chỉ là điểm dừng chân dọc đường chứ chưa phải là điểm đến trong nhiều tour miền Trung.
Hè, Phan Rang đón khách bằng những làn gió nóng rát mặt. Với khoảng 300 ngày nắng mỗi năm, Phan Rang có lẽ là xứ sở duy nhất ở Việt Nam không có mùa lạnh. Thời tiết khắc nghiệt và địa hình ba mặt núi bao bọc, một mặt là biển cả đã hình thành những sa mạc cát nóng bỏng.
Hàng ngàn bức ảnh nghệ thuật về cát đã được chụp tại Phan Rang. Các đồi cát Nam Cương, Phước Dinh luôn luôn hữu tình trong tác phẩm của các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Những đồi cát luôn di động: những dải cát cao 20-30 mét trên diện tích khoảng 10 cây số vuông luôn thay đổi theo hướng gió tùy theo mùa. Nét đặc trưng khác là trên đồi cát này gió quanh năm.
Khách vừa đi qua, gió đã xóa mất dấu chân. Đồi cát Nam Cương cách trung tâm thành phố khoảng 8 cây số là nơi thu hút đông đảo du khách bởi cát trắng mịn màng. Thỉnh thoảng trên các đồi cát người ta bắt gặp hoa xương rồng đỏ như tô thêm nét duyên cho cát. Thời tiết khắc nghiệt, nhưng xương rồng vẫn tồn tại và cho hoa đỏ thắm. Chính loại hoa này đã mang lại cho các nhiếp ảnh gia những giải thưởng cao về ý tưởng, môi trường và sự sống...
Ở xứ sở này còn có những ngôi tháp Chàm nghiêng mình trong nắng chiều hay trầm mặc dưới ánh trăng luôn tạo cho du khách những cảm giác lạ lẫm. Tháp Chàm xứ Phan mang nhiều dấu ấn cổ. Xưa nhất là cụm 3 ngọn tháp mang phong cách kiến trúc Hòa Lai nằm trên quốc lộ 1A, cách Phan Rang khoảng 14 cây số, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ IX, hiện chỉ còn tồn tại 2 ngọn tháp Bắc và Nam.
Biển Ninh Chữ cách thành phố khoảng 5 cây số về hướng Đông. Bờ biển hình cánh cung với cát trắng mịn hơn 10 cây số, nước trong vắt. Bãi biển này được xếp vào danh sách 9 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và chưa bị đô thị hóa, nơi đây thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Ninh Chữ chỉ mới có 3 khu du lịch nhưng rất thu hút khách. Trong quá trình phát triển, Ninh Chữ vẫn giữ được rừng dương xanh ngát, giữ không gian thoáng đãng. Đầm Nại vô vàn tôm cá cho những bữa tiệc hải sản ngon lành. Đá Chồng, núi Tân An, núi Cà Đú gần đó tạo thành một bức tranh sơn thủy mê hoặc du khách.
Điều lý thú đối với du khách là dịch vụ ở Phan Rang giá cả rất hợp lý. Khách phương xa, nhất là khách ưa du lịch “bụi” không phải lo lắng bị “chém”. Từ Phan Rang đi vịnh Vĩnh Hy bằng xe ôm đoạn đường 40 cây số, khách chỉ tốn khoảng vài chục ngàn đồng. Trên đường đi, khách còn được người lái xe ôm – “hướng dẫn viên” - giới thiệu về miền nắng gió và con người nơi đây. Gặp trên đường có một góc nhìn đẹp, bác tài vui vẻ dừng xe và chờ khách chụp hình cho thỏa thích. Phòng nghỉ ở Phan Rang loại bình dân, giá khoảng 50.000 đồng/đêm, khách sạn đạt chuẩn giá cũng chỉ 150.000-220.000 đồng/phòng/đêm. Bữa ăn sáng ở Phan Rang vẫn còn giá khoảng 12.000 đồng/phần. Nói chung, du lịch Phan Rang tạo cho khách sự an tâm khám phá, vui chơi...
Ninhthuan24
0 nhận xét: