Hồ Kẻ Gỗ

Nằm cách trung tâm thị xã Hà Tĩnh chưa đầy 20km về phía Tây Nam, khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích tự nhiên 35,159ha, Hồ Kẻ Gỗ toạ ở địa phận hành chính của ba huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê - là hồ nước lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh.

Kẻ Gỗ xưa nằm dọc theo hai bờ sông Rào Cái (còn gọi là sông Ngàn Mọ). Rào Cái là dòng sông hội tụ của hàng trăm khe suối từ dãy Trường Sơn đổ về. Mùa nắng thì Rào Cái khô hạn, mùa mưa thì chảy quá nhanh, quá mạnh, trở thành tai ương cho cả vùng phía Nam Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo, nó mang tính chất phục vụ thuỷ lợi là chính, hồ được xây dụng trên lưu lực của sông Rào Cái.
.
Hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 và hoàn thành vào ngày 26/3/1979. Nó là công trình đại thuỷ nông với trữ lượng 350 triệu m3 nước, tưới cho gần 17.000 ha lúa, mùa, vùng đất thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh. Hồ Kẻ Gỗ còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho các vùng dân cư với chiều dài hơn 30 km. Hồ len lỏi giữa các triền núi, như chiếc gương khổng lồ soi bóng những dãy núi, những rừng cây ngút ngàn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng, v.v... Đây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonsia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya.

Đến nay, tại Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ. Gà lôi lam đuôi trắng, một trong ba loài gà lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng, và nhiều loại quý hiếm khác. Trong 47 loài thú ở đây có 18 loài (chiếm 21%) được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của các loại mộc lan, phong lan đẹp và quý như quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ, v.v...

Tuy nhiên không tránh khỏi cơn lốc khai thác, của nhiều người dân cạnh khu Bảo tồn thiên nhiên, hay của bọn lâm tặc,bọn săn bắn động vật hoang dã. Làm sao Kẻ Gỗ giữ được sự hào phóng của thiên nhiên với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt. Vào những ngày hè nóng nực khi nhiệt độ tại trung tâm thị xã Hà Tĩnh lên tới 37-380 C, ở đây nhiệt độ xấp xỉ 30-320 C. Trong những ngày đông giá rét, hy vọng thời tiết dễ chịu không phải là ước mơ quá vãng của thế hệ sau.

Giữa dòng nước chảy xiết vẫn có những loài cây sinh trưởng và toả bóng mát. Mặt hồ còn được điểm trang bởi nhiều ốc đảo nhỏ, mỗi ốc đảo là một thế giới riêng huyền bí.

Từ lâu, Kẻ Gỗ đã được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Ngành du lịch Hà Tĩnh đang xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống các dịch vụ để xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình giải trí như đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá, cùng các khu thể thao tennis, cầu lông, bóng chuyền, xây dựng vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh. Kẻ Gỗ vẫn mang nặng ân tình với những người con đi xa cũng như để lại những ấn tượng mặn mà cho ai môt lần đến thăm.

- Theo Cautreo, Lukhach24, ảnh internet