Núi Chứa Chan - chùa Gia Lào: Di tích lịch sử, danh thắng
< Núi Chứa Chan nhìn từ hồ Le.
Xung quanh núi có 4 suối nước trong mát quanh năm mang những cái tên rất quen thuộc của đồng bào dân tộc Châu Ro: Gia Ui, Gia Miên, Gia Liêu, Gia Lào.
Từ ngã ba Ông Đồn theo tỉnh lộ 766 đi hướng Đông Bắc khoảng 3 cây số, du khách đến chân núi Chứa Chan. Từ đây, theo đường mòn và những bậc đá tam cấp đã định hình để lên núi viếng chùa. Trên lưng chừng núi ở độ cao khoảng 600m có một hang đá thiên tạo về hướng Đông Bắc có mái vòm uốn cong tạo dáng hình rồng như kiến trúc chùa cổ, xung quanh khu vực này từ xưa, giới tu hành, đạo hạnh đã đến dựng chùa, trong đó có chùa Gia Lào (tức là chùa Bửu Quang Tự).
< Đường lên núi Chứa Chan.
Trong phạm vi khu vực núi Chứa Chan còn có mật khu Hầm Hinh nổi tiếng là địa điểm đóng quân của Ban chỉ huy quận quân sự 10, sau đó là Huyện đội Xuân Lộc trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến cuối năm 1948.
Hầm Hinh là một bãi đá tự nhiên gồm những viên đá granite xếp ken với nhau tạo thành một bức tường dày. Âm sâu bên trong là hang đá gồm những tảng đá lớn xếp chênh nhau tạo thành. Lòng hang sâu hun hút, khúc khuỷu với nhiều chỗ rộng hẹp, cao thấp khác nhau tạo thuận lợi cho việc thoát hiểm khi cần.
Chính nhờ vị thế đó, Ban chỉ huy quận quân sự 10 (Xuân Lộc) đã chọn đóng quân và cũng từ địa điểm này các đồng chí: Đinh Quang Ân, Bùi Cát Vũ, Phạm Đình Công đã lập sở chỉ huy đánh giao thông đường sắt ở Trảng Táo, Gia Hinh, Bảo Chánh. Năm 1947, đồng chí Nguyễn Văn Tạo lúc này là chủ tịch quận bộ Việt Minh Xuân Lộc và đồng chí Huỳnh Công Tâm (Tư Ước), chỉ huy trưởng quận quân sự 10, kiêm chỉ huy trưởng ban bảo vệ căn cứ địa Gia Ray đã tạm mượn chùa Chánh Giác ở mật khu Hầm Hinh để chứa thóc gạo làm trạm tiếp tế lương thực cho bộ đội và cán bộ trong huyện. Cuối năm 1948, giặc Pháp tiến hành càn quét vùng quanh núi Chứa Chan, mật khu Hầm Hinh bị lộ, quân Pháp và Việt gian đốt chùa Chánh Giác, lúa gạo cháy suốt 6 ngày đêm còn ngút khói.
Thời gian sau, thầy trò chùa Chánh Giác lại chạy lên chùa Bửu Quang tiếp tục tu hành, vận động bá tánh ủng hộ kháng chiến.
Tháng 5-1947, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư xứ ủy Nam bộ trên đường đi công tác từ Nam Trung bộ vào đến núi Chứa Chan. Đồng chí đã lưu lại căn cứ của huyện Xuân Lộc tại khu vực chùa Gia Lào một thời gian.
Điểm hẹn du lịch
Từ chân núi lên chùa chừng 2km, đặc biệt là khi du khách leo hết dốc khoảng 300 bậc đá sẽ đến một đoạn đường bằng phẳng rợp bóng cây. Đến cây 1 ngọn 3 gốc gặp suối Tiên, du khách có thể hết sức thích thú khi vốc nước rửa mặt. Nguồn nước từ trong hang núi chảy ra, thật trong mát. Vượt dốc 3, du khách sẽ đến chùa, chùa được kiến tạo dựa vào hình thể thiên nhiên, chánh điện xây mái vòm uốn cong bên trên hang đá của hàm rồng. Tất cả tạo nên một quần thể những hang động thiên nhiên được bàn tay con người xây đắp thêm phần thẩm mỹ, tạo cho ngôi chùa một vẻ thâm nghiêm kỳ vĩ.
Vào ngày cuối tuần về Xuân Lộc, du khách có thể bơi thuyền trên hồ Gia Ui (thuộc xã Xuân Tâm) cách thị trấn Gia Ray khoảng 5km về phía Đông Bắc; rồi ghé qua khu vui chơi giải trí hồ Núi Le (toạ lạc tại khu 7, thị trấn Gia Ray) để thưởng thức các món ăn đặc sản của sông, hồ... ngắm cảnh thiên nhiên sông núi hữu tình. Từ giã hồ Núi Le thơ mộng, du khách về lại núi Chứa Chan lên viếng chùa Gia Lào, dùng bữa cơm chay, đêm ngủ võng trong những chòi lá dựng cheo leo trên sườn núi để thưởng thức một đêm ngủ rừng đầy thú vị.
Sớm tinh sương vào chùa thắp hương cúng Phật, du khách còn thời gian thưởng thức vẻ đẹp của rừng núi, của bạt ngàn nương rẫy với những vườn cây ăn trái xanh tươi, như: mít, bơ, chôm chôm, chuối, sầu riêng, cam, quýt... Ở đây còn có hàng chục loài hoa kiểng bốn mùa trổ hoa ngát hương làm du khách ngất ngây có cảm giác như sống giữa bồng lai tiên cảnh.
Thêm một tin vui nữa là sau khi núi Chứa Chan được công nhận di tích lịch sử - danh thắng, huyện Xuân Lộc sẽ đầu tư hệ thống cáp treo phát triển du lịch ở khu vực này. Đến lúc đó chắc chắn khu di tích - danh thắng núi Chứa Chan sẽ là một điểm du lịch lý tưởng, một điểm hẹn hấp dẫn cho du khách.
- Theo Web Xuanloc, ảnh internet
0 nhận xét: