Tháp Bà Nha Trang

Ðến Nha trang không thể không nhắc đến một thắng cảnh độc đáo đó là tháp Bà (còn gọi là Tháp po Nagar, tháp Thiên Y Thánh Mẫu). 

Tháp Bà được xây dựng vào những năm 813 - 817 dưới thời vua Chămpa là Harivácman, tháp nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 m so với mực nước biển thuộc phường Vĩnh phước, cách trung tâm Tp Nha trang khoảng 2 km về phía bắc.

Ðây là một khu đền tháp Chăm-pa đặc biệt, là khu đền thờ duy nhất của vương quốc cổ Chăm-pa có cả một lịch sử hình thành, tồn tại, được sử dụng theo thời gian lâu dài và liên tục. Hơn thế nữa, tháp Bà Nha trang còn là khu đền thờ duy nhất của vương quốc cổ Chăm-pa được người Việt tiếp tục sử dụng, gìn giữ và phát triển làm nơi thờ tự sau khi người Chăm-pa dời việc thờ tự nữ thần Mẹ của mình về vùng đất phan Rang phía nam.

Tổng thể kiến trúc của Tháp Bà gồm ba tầng, đi từ dưới lên. Tầng thấp: ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng (nay không còn nữa). Từ đây có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên năm cột, mỗi cột cao hơn ba mét, đường kính hơn một mét. Ở hai bên các dãy cột chính có 12 cột nhỏ, thấp hơn, tất cả nằm trên một nền bằng gạch cao hơn một mét.
Từ tầng giữa này có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng. Tầng trên cùng là nơi các tháp được xây dựng. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn, cao khoảng 23 m là Tháp Bà. Tháp chính thờ thần po Nagar (Umar), vợ của thần Shiva được xây bốn tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở bốn góc có bốn tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương mầu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề.

Ðây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm-pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi. Các tháp khác thờ thần Shiva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Ðộ giáo), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Shiva)...
Ðến thăm Tháp Bà Nha trang, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh còn có dịp thưởng thức những vũ điệu Chăm-pa do đội múa dân tộc Chăm biểu diễn. Những vũ điệu Chăm-pa làm đắm say du khách, tạo cho họ ấn tượng đẹp khi đến với nơi tôn kính này.
Hằng năm, cứ đến ngày 22-3 Âm lịch, lễ hội Tháp Bà lại được tổ chức, thu hút hàng vạn người từ các nơi về dự. Trong những ngày này, cả người Chăm và người Việt cùng tổ chức và tiến hành các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình một cách trang trọng, còn phần hội thì cả hai dân tộc cùng chung vui với nhau, cùng nhau khoe tài qua các bài ca điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa tộc người một cách hòa bình, thân ái và đoàn kết.
Theo truyền thuyết, Thiên Y Thánh Mẫu - chính là Mẹ xứ sở đã có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, dạy người dân trồng bông dệt vải, gieo cấy lúa nước, chăn nuôi lợn, gà...; đồng thời Bà cũng là người đã chở che cho người dân trong vùng và lân cận tránh thiên tai, địch họa, nên lễ hội Tháp Bà là lễ hội tạ ơn Mẹ xứ sở, hội tụ tấm lòng thành của cả người Chăm và người Việt. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia vào năm 2001. Ðây là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở Khánh Hòa và khu vực miền trung thu hút hàng vạn lượt khách từ nhiều phương trời cùng về tế lễ viếng Bà Thánh Mẫu.

Nha trang vốn đã nổi tiếng nhờ biển xanh, cát trắng, nắng vàng... và Tháp Bà là một trong những điểm hấp dẫn của du khách khi đến thăm nơi này.

- Theo KientrucVN, Avala, báo Ảnh Đất Mũi, ảnh internet