Khám phá Hòn Sơn - tiên cảnh giữa trùng khơi
< Hòn Sơn Rái.
Cảnh tượng đầu tiên bạn được chứng kiến khi đến đảo chỉ là chừng 500 tàu thuyền, ghe xuồng đang neo đậu trên bãi cát vàng nhiều rác, một làng chài với các cơ sở sản xuất nước mắm còn sót lại đổ nát và rêu phong.
Đảo Hòn Sơn cách thành phố Rạch Giá khoảng 65km về phía Tây, rộng 11,7km2, gồm 7 đỉnh núi dính chùm” vào nhau. Xung quanh triền đảo giáp biển, ngoài 4 làng chài và những vườn cây ăn trái chiếm khoảng 20% diện tích, còn lại là rừng nguyên sinh với ít cây cổ thụ, nhiều cây nhỏ và dây leo. Động vật chủ yếu có khỉ, sóc, chim, một ít kỳ đà và trăn…. Đến nay, Hòn Sơn đã có hơn 1.600 hộ gia đình đến lập nghiệp.
.
Theo lời các cụ già trên đảo, Hòn Sơn có tên gọi khác là Hòn Sơn Rái, do hòn đảo này trước kia có nhiều rái cá sinh sống. Vào khoảng năm 1777, lúc chạy trốn truy sát của quân Tây Sơn,
Nguyễn Ánh đã đến Hòn Sơn lánh nạn. Truyền thuyết kể rằng có một con rái cá khổng lồ đã bắt rất nhiều tôm cá dâng cho Nguyễn Ánh.
Người dân đảo từ trước đến nay sống chủ yếu bằng nước ngọt của các khe suối bắt nguồn từ những đỉnh núi và nguồn cá ngoài biển khơi. Dân đảo Hòn Sơn còn có những nghề thủ công như đóng tàu, chế biến: tôm, cá, mực khô, làm ruộng… Nhưng nghề từng làm cho hòn đảo này vang danh khắp nơi là chế biến nước mắm.
Một số cụ già kể, từ đầu thập niên 1960 đến 1975, Hòn Sơn chỉ có vài trăm nóc nhà nhưng đã có gần 30 cơ sở sản xuất nước mắm được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, mười năm trở lại đây, hàng chục cơ sở ấy đã hoang phế do nguồn cá cơm quanh đảo trước kia rất dồi dào nay đã cạn kiệt.
Tôi bắt đầu khám phá Hòn Sơn bằng việc tìm hiểu đời sống tâm linh của người dân xứ đảo. Những nơi thờ tự như Đình Thần Lại Sơn, Miếu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, chùa Hải Sơn đều nằm tại ấp Bãi Nhà - nên không mất nhiều thời gian tham quan. Phần lớn thời gian được tôi giành cho việc khám phá đỉnh Ma Thiên Lãnh và các bãi cát đẹp quanh đảo.
Ma Thiên Lãnh - đỉnh núi của những "dị nhân"
7 đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của riêng mình, nhưng Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả. Không chỉ cao nhất với độ cao 450m so với mặt nước biển và có tên gọi trùng một địa danh nổi tiếng ở Côn Đảo, đỉnh núi này còn gắn liền với những câu chuyện thần tiên đậm chất thơ và cả những câu chuyện “ngày nay” đầy màu sắc kiếm hiệp được dân đảo truyền miệng nhau.
Tương truyền ngày xưa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, với phong cảnh xung quanh rất đẹp nên nhiều tiên nữ thường xuống vui chơi. Tên gọi Sân Tiên là một bảo chứng cho câu chuyện đó.
Ngày nay, khi con người đến đây khai phá, trải qua hàng trăm năm, thỉnh thoảng có những tu sĩ theo thuyết khổ hạnh và những kẻ buồn tình sầu đời lên Sân Tiên tu thiền. Họ ẩn cư trong một hang đá có khắc dòng chữ “Mai Dương Kiếm Pháp”. Cuộc đời, tính tình và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện nửa hư nửa thực.
Có hai con đường lên Ma Thiên Lãnh. Con đường thứ nhất bắt đầu từ trung tâm Bãi Nhà theo hàng ngàn bậc cấp nằm giữa những rẫy chuối, vườn mãng cầu, xoài và những vạt rừng nguyên sinh trước khi đến một lán trại. Cách Bãi Nhà khoảng 2km đi bằng bậc cấp, có một tượng Phật - vẫn được người dân gọi là Phật Lộ Thiên . Đi thêm khoảng 400m đường mòn sẽ gặp chùa Phổ Tịnh nằm giữa núi rừng, vị sư 82 tuổi trụ trì là người duy nhất bạn có thể gặp. Đường đến sân Tiên cách đó khoảng 2km đường mòn giữa rừng.
Nếu bạn muốn đi con đường thứ 2, phải thuê ghe từ Bãi Nhà với giá 80.000 - 100.000đ; hoặc đi men theo ghềnh đá dài khoảng 7km qua Bãi Bàng. Một đoạn đường mòn dài khoảng 1km, có độ dốc khá lớn, ít người đi nên đã bị cây rừng che khuất, bạn phải chú ý mới thấy được.
Có thể chọn giải pháp đi lên đường này, đi xuống đường kia, để tận hưởng đầy đủ cảm giác. Và để chắc chắn không bị lạc đường, hãy nhờ vào sự giúp đỡ của ông Hiền ở Bãi Nhà và anh Văn ở Bãi Bắc.
Khi lên sân Tiên, bạn đừng mãi ngắm toàn cảnh đất trời bao la, núi rừng hoang dã giữa biển xanh ngắt mà quên việc tìm hiểu những dấu tích của các “dị nhân” còn lưu khắc trên đá như tên, tuổi, ngày đến, ngày đi, số năm tu….
Thám hiểm quanh "tiên cảnh"
Dọc theo mép biển quanh hòn đảo có chu vi hơn 17km này còn có 5 bãi cát đều có nhà ở, ngoài ra là một ghềnh đá hoang sơ.
Từ trung tâm xã Lại Sơn - ấp Bãi Nhà - bạn có thể theo ghềnh đá hoặc đi trên con đường duy nhất trên đảo dài khoảng 3km để đến Bãi Thiên Tuế và Bãi Giếng. Hai bãi này nằm tựa lưng nhau như chung một bãi có khoảng 800 căn nhà phần lớn lụp xụp, tạm bợ liền vách nhau trong diện tích trên dưới 0,7km2. Sát bên là bến tàu chừng 500 tàu thuyền, ghe xuồng neo đậu góp phần làm nên một khung cảnh bình yên.
Không khí tại khu dân cư có thể thoảng mùi hôi của nước thải sinh hoạt và các chất khác. Nhưng vừa ra khỏi Bãi Giếng và bãi Thiên Tuế, ngay lập tức bạn được thưởng thức một không khí rất trong lành. Và trước mắt bạn là vô số hòn đá nằm san sát nhau tạo thành một ghềnh đá dài ngoằng.
Hãy tiếp tục nhảy, leo, bò… từ hòn đá này qua tảng đá kia, và chịu khó quan sát và thả hồn tưởng tượng, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp những tảng đá hình khối giống con vật hoặc một tác phẩm điêu khắc nào đó.
Sau khi chinh phục khoảng 5,5km ghềnh đá, trước mắt bạn hiện ra một làng chài với chừng 100 nóc nhà ẩn mình dưới vườn dừa râm mát. Đó là Bãi Bắc. Nếu đến đây mà trời sắp tối, hoặc sức khỏe không cho phép tiếp tục hành trình, bạn hỏi thăm nhà vừa là quán giải khát của anh Văn để nghỉ ngơi, đặt cơm và ngủ tạm qua đêm.
Rời Bãi Bắc, tiếp tục men theo ghềnh đá 2.5km để đến Bãi Bàng có phong cảnh đẹp nhất Hòn Sơn. Nhiều cây dừa nghiêng nghiêng phủ bóng mát xuống một phần bãi cát trắng dài khoảng 1km. Một bãi biển hoang vắng và êm đềm nhưng dễ tạo cảm giác buồn đến nao lòng.
Bãi Bàng là nơi thích hợp nhất để bạn tắm biển. Không chỉ có phong cảnh trữ tình, đây còn là nơi sạch sẽ hơn cả, nếu có rác cũng chỉ có rác tự nhiên như vỏ trái dừa và lá cây các loại, (trong khi các bãi khác rất nhiều bịch nilon). Đặc biệt, ở đây còn có dòng suối Tiên nước trong vắt chảy từ đỉnh Ma Thiên Lãnh xuống ngay Bãi Bàng làm nước ngọt cho bạn tắm sau khi vùng vẫy cùng sóng biển.
Từ Bãi Bàng về Bãi Nhà dài khoảng 6km, ngang qua những khu vườn rợp bóng dừa, ghềnh đá chặng này có vài đoạn khó đi, bạn nên lên phía trên chừng 10m để tìm đường mòn hoặc vạch cây rừng để đi.
Lưu ý trong quá trình thám hiểm, bạn nhớ mang giầy gọn nhẹ cũng như nhớ mang theo nước uống, thức ăn.
Hòn Sơn chỉ có duy nhất nhà trọ của ông Bảy Nữa nằm sát vách trụ sở ủy ban xã tại Bãi Nhà. Giá 30.000đ/phòng 1 giường. 100% quán ở đây bán những thức ăn chế biến từ thịt các lọai. Nếu muốn thưởng thức những đặc sản biển, bạn chỉ có cách đặt trước một quán ăn nào đó. Tiện nhất là đặt cơm chủ nhà trọ, giá 15.000đ/phần trở lên tùy mức độ đặc sản cao cấp hay thông thường
- Dulich Tuoitre, internet
Quyến rũ hòn Sơn Rái
0 nhận xét: