Lễ Mục đồng làng Phong Lệ
Các bậc cao niên trong vùng cho biết, xưa kia làng Phong Lệ rộng và lớn lắm. Lớn đến nỗi Phong Lệ phải chia làm hai, Phong Lệ Nam và Phong Lệ Bắc. Vì lớn như vậy, nên nơi đây có hẳn một đình thờ Thần Nông, độc nhất Việt Nam thời bấy giờ và cho đến ngày nay.
Làng Phong Lệ phía nam giáp Trà Kiệu, bắc giáp Sơn Trà, tây giáp núi Chúa và phía đông giáp Ngũ Hành Sơn. Các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất rộng lớn này đặt tên là làng Ðà Ly. Ðến thời vua Thiệu Trị năm thứ I (1841) đổi tên Ðà Ly xã thành làng Phong Lệ, có một chính quyền điều hành.
.
Ðời vua Thành Thái thứ 8 (1889 - 1907), vì địa dư quá rộng, cách trở sông đò, đi lại khó khăn... nên Phong Lệ được chia thành hai làng là Phong Lệ Nam và Phong Lệ Bắc. Làng Phong Lệ Nam ở phía nam cầu sông Yên (sông Cầu Ðỏ) thuộc tổng Thanh An, phủ Ðiện Bàn (gồm Bầu Cầu, Ðông Hòa, Tây An, Phong Nam - xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang ngày nay). Làng Phong Lệ Bắc ở phía bắc sông Yên thuộc tổng Bình Thái, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Thọ Ðông và Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng). Ngoài ra còn có một khu vực ở phía tây của làng Phong Lệ, dân cư thưa thớt gọi là làng Phong Lệ Tây gồm các thôn Cây Sung, Hội Vực thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Làng Phong Lệ Nam là đất gốc tích nên có điều kiện phát triển hơn về mọi mặt. Tại đây, nhiều công trình kiến trúc cổ như nhà thờ làng, chùa làng, lăng miếu... đã được xây dựng. Trong đó, tiêu biểu nhất là đình Thần Nông. Mỗi khi có lễ hội, nhân dân, tộc họ làng Phong Lệ Bắc, Phong Lệ Tây mang lễ vật về cúng bái, đông vui như hội... Dân gian có câu: "Lính có đồn, dân có đình". Ngôi đình được xây dựng trước thời vua Thiệu Trị, gọi là đình Thần Nông. Cấu trúc của đình có ba bộ phận gắn liền nhau, từ ngoài vào trong là nhà Tiền Ðường, có gác chiêng, trống, hai bên nhà chính có năm gian... và trong cùng là tẩm.
Mái đình lợp ngói âm dương. Trên nóc nhà chính tẩm và các góc đuôi mái đều có đắp tượng Long, Ly, Quy, Phượng, biểu tượng sừng trâu và nhiều họa tiết hoa văn rực rỡ sắc mầu. Cột kèo, xà nhà được chạm trổ tinh vi, trên tường có đắp phù hiệu, ngay giữa nhà chính có đắp tấm biển lớn gắn ba chữ "Phong Lệ Ðình" bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng, nội tẩm còn có ba chữ "Anh khí chuông" (tức tiếng chuông vang xa) viết bằng chữ Hán cẩn xà cừ. Trong đình còn có các câu liễn đối của các bậc tiền bối ban tặng, được tạc vào gỗ quý vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay:
Ðình Thần Nông làng Phong Lệ là nơi tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi tốt. Ðây là ngôi đình có một không hai trong cả nước, gắn liền với lễ hát mục đồng (chữ Mục nghĩa là chăn giữ, điều khiển; chữ Ðồng là đứa trẻ - Mục đồng có ngụ ý là trẻ chăn trâu), vì vậy ở đây còn lưu truyền câu ca: "Nhất Phong Lệ mục đồng, nhì Giáng Ðông hát vật".
Trong lịch sử, tuy mục đồng là những người chịu nhiều thiệt thòi, bị áp bức, bóc lột, thậm chí nhân phẩm bị chà đạp..., nhưng đã có không ít những nhà khoa bảng, những nhà lãnh đạo yêu nước đầy tâm huyết như Hoàng đế Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, Nguyễn Chích, Trịnh Khả (danh tướng khởi nghĩa Lam Sơn), Nội tán Ðào Duy Từ thời chúa Nguyễn, danh tướng Ông Ích Khiêm, chí sĩ Ông Ích Ðường... xuất thân là những Mục đồng. Và dòng họ Ông - một cự tộc có nhiều danh nhân khoa bảng giàu lòng yêu nước đã gắn liền với gốc tích làng Phong Lệ.
Trước năm 1934 (Bảo Ðại thứ 9) tại đình làng cứ ba năm tổ chức đáo lệ hát mục đồng vào ngày 4-4 âm lịch, thời gian lễ hội diễn ra trong ba ngày ba đêm, giới mục đồng được chơi các trò chơi dân gian, được "ăn trên ngồi trước", vinh hạnh làm lễ trọng thể. Năm 1936, Lễ rước Mục đồng được tổ chức quy mô, lớn nhất so với cả nhiều năm trước đó. Nhưng cũng từ đó, những biến đổi của thời cuộc, cuộc sống khó khăn đã làm thời gian tổ chức các lễ rước cứ giãn cách dần, từ ba năm, sau lên sáu năm, thậm chí, có giai đoạn, 12 năm mới làm lễ một lần, và cũng không tiến hành được đầy đủ các lễ nghi như trước.
Cuối năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðà Nẵng đã tiến hành phục dựng lễ rước Mục đồng với quy mô lớn, đầy đủ về hình thức và nội dung. Chúng tôi có dịp gặp cụ Ngô Viêm (sinh năm 1923), một trong số rất ít cụ được tham gia Lễ rước Mục đồng được tổ chức quy mô nhất vào năm 1936. Cụ kể: "Tương truyền, ngày xưa có vị Thần Nông giáng xuống gò, tay cầm cờ, thường hay dạo chơi với trẻ em chăn trâu khắp đồng.
Dân làng truyền nhau gò rất thiêng, ai qua đấy nếu quở, về nhà sinh bệnh mà chết, phải có lễ khấn mới qua khỏi. Người nào ngồi lên mộ thần là bị dính vào mộ không sao có thể gỡ được, cũng phải làm lễ xin mới được tha. Có người còn cho rằng hiện tượng trên chỉ xảy ra với người làng khác đến, còn với người làng Phong Lệ thì không, đặc biệt là trẻ em chăn trâu thì không việc gì". Cụ Ngô Viêm lo lắng: "Với sự thay đổi và nhịp sống đô thị hóa, làng quê đang dần vắng bóng trâu trên những cánh đồng. Thế hệ trẻ hiện nay cũng không mặn mà lắm với những phong tục, lễ hội xưa của cha ông. Vì thế, để duy trì lễ hội có một không hai này là một vấn đề... nan giải".
Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn Hòe cho rằng: 'Lễ hội Rước Mục đồng là một lễ hội hiếm, riêng biệt so với cả nước, được tổ chức ba năm một lần tại làng Phong Lệ. Lễ hội Rước Mục đồng xứng đáng được tôn vinh, lưu truyền và phục hồi, bảo tồn trong cư dân. Những câu chuyện kể đẹp như cổ tích sẽ được nuôi dưỡng, trao truyền trong tâm thức từ người già đến thế hệ trẻ hôm nay'.
- Theo báo NhanDan, ảnh internet
Sau gần 70 năm gián đoạn, sáng 28-11-2010 chính quyền TP Đà Nẵng cùng 17 chư phái tộc làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã tổ chức phục dựng lễ hội mục đồng - một lễ hội dân gian độc nhất vô nhị của làng quê Việt nhằm tôn vinh trẻ chăn trâu.
Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội mục đồng được phục dựng lại sau lễ hội mục đồng được tổ chức vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Có đến dự lễ hội mục đồng mới hiểu được cái lý của câu ca “Ai bảo chăn trâu là khổ!”.
0 nhận xét: