Người Dáy ở Ma Lé

Xóm Ma Lé nằm gần đỉnh Lũng Cú, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một xóm nhỏ ẩn chứa nhiều điều thú vị.

Ma Lé chỉ có gần 20 nóc nhà nhưng tập trung hầu hết những nét đặc trưng văn hóa của người Dáy. Họ sống vui vẻ, ôn hòa cùng với các dân tộc khác: Mông, Lô Lô, Chải, Pu Péo... Trải qua nhiều thế hệ nhưng bản sắc vẫn không bị pha trộn.

Trang phục phụ nữ người Dáy ở Ma Lé thông thường là áo dài xanh hoặc đen, vạt đến ống quyển, cài khuy từ cổ chéo xuống nách, giống như áo dài của người Kinh. Phần eo thắt đai lưng bằng vải màu xanh, đen khá chắc chắn, chiếc đai lưng này có tác dụng như bệ tì cho phần bụng hay dùng để cài dao, lạt buộc...
Phụ nữ Dáy vấn tóc kiểu vành khuyên, choàng lên trên là chiếc khăn vuông sặc sỡ tương xứng với đôi giày thêu một cách rất cầu kỳ. Họ có thể bỏ ra hàng tháng để thêu đôi giày với những đường nét tinh tế.
.
Thông thường hình thêu trên đó là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi: Đôi bướm, đôi uyên ương, hai bông hoa đào... Phụ nữ Dáy dùng rất ít đồ trang sức bằng kim loại. Chỉ một chiếc vòng tay, một dây xà tích hay một vòng cổ bằng bạc là đủ.

Trải qua nhiều thế hệ nhưng bản sắc người Dáy vẫn không bị pha trộn.

Người Dáy có kỹ thuật xây nhà khá đặc biệt. Xưa kia, khi rừng còn nhiều, người Dáy làm nhà sàn bằng gỗ, móng, trụ bằng đá, chạm trổ phong phú. Hiện nay ở Ma Lé còn 2 ngôi nhà sàn bằng gỗ của gia đình anh Hoàng Văn Hương và ông Hoàng Văn Nanh, có hơn 100 năm tuổi. Hai ngôi nhà này thường xuyên được tiếp đón các nhà văn hóa, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và nghiên cứu.

Người Dáy có kỹ thuật ghép đá, chạm khắc trên đá, trên gỗ được thể hiện bằng con sơn hình hoa cúc, đèn lồng; những ô cửa sổ nan trám hay những trụ đá chạm hoa sen... khá tinh xảo, một điều ít thấy ở các dân tộc sống trên cùng địa bàn. Gần 100 năm nay, rừng ngày càng bị thu hẹp nên người Dáy xây nhà bằng đất. Có hai phương pháp, một là làm tường trình: Dùng đất ướt lèn chặt vào khuôn tường để thành một ngôi nhà đúc bằng đất; hai là trộn đất nhão với rơm, rạ đóng thành gạch rồi xây nhà. Loại vật liệu này đơn giản nhưng có sức chịu đựng dẻo dai với nắng gió trên cao nguyên Đồng Văn.

Cả hai kiểu nhà này phân chia khu vực sinh hoạt giống nhau. Ở giữa là gian thờ và tiếp khách nam, một bên là bếp và tiếp khách nữ. Gian bên kia là phòng ngủ. Nhà của người Dáy thường có thêm gác xép cả trong nhà lẫn ngoài hiên để đựng thóc lúa, người Dáy kiêng không cho khách lên khu vực này. Xung quanh nhà là chuồng gia súc và các dụng cụ chế biến nông sản.

Vào dịp Tết, người Dáy dán bùa chú màu đỏ khắp nơi, kể cả chuồng gia súc, trên đó viết những lời cầu may bằng chữ Hán, rồi nhà nhà chuẩn bị gói bánh chưng đen. Đó là loại bánh chưng rất khó bị mốc do gạo nếp được ngâm với tro mà chuyển thành màu đen, nhân bánh bằng đậu xanh tẩm hương liệu thiên nhiên, để lại dư vị khó quên.

Người Dáy còn có kỹ thuật làm "sường" (thịt xông khói) rất ngon: Thịt ướp muối được nhồi vào lòng heo rồi treo lên gác bếp cho đến lúc khô cứng lại. Khách đến chơi, người Dáy thường đem thịt này thết đãi cùng với rượu chưng cất từ một loại men đặc biệt.

Ở Ma Lé, người Dáy vẫn còn lưu giữ được những bài thuốc đông y của tổ tiên để lại. Thầy lang Lò Đình Thiêu có đến hàng trăm bài thuốc chưa có sách vở nào chép lại. Ông thường bận rộn suốt ngày với người bệnh đến từ nhiều vùng miền, chứ không riêng người Dáy.

- Theo Baomoi, ảnh internet