Núi Ngọc và động Phúc Long - Hà Nam

Núi Ngọc nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc. Từ thị xã Phủ Lý, ngược sông Đáy 7km, tới bến Đanh, đi tiếp 100m là đến núi Ngọc.

Quả núi nằm sát mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc là một ngọn núi đá vôi trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống hướng tây bắc đông nam qua xã Tượng Lĩnh – Khả Phong – Liên Sơn của huyện Kim Bảng. Tuy nhiên núi Ngọc nằm tách riêng, ngăn cách vệt dãy núi kia bằng con sông Đáy.

Núi Ngọc không cao lắm. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một ông nghè có công với dân làng.
.
Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.

Động Phúc Long:

Từ thị xã Phủ Lý theo quốc lộ 1A đi về phía Ninh Bình 2km, rẽ phải theo đường qua cầu Đọ về Châu Sơn 4km sẽ đến động.

Động Phúc Long nằm trong khu vực núi Chùa thôn Châu, thuộc núi Kiện Khê (còn gọi là núi Thiên Kiện). Núi Chùa là một trong số những ngọn núi nối đuôi nhau ở địa phận thôn Châu Sơn và thôn La Mát thuộc Kiện Khê. Núi Chùa là ngọn trung tâm, trên đó có chùa Hang, có khu miếu ở phía bắc chùa. Vua Trần Duệ Tông (1373-1377) đã cho lập đền thờ trên núi, đền thờ này bị nhà Nguyễn phá vào năm Tân Dậu (1801) và cho xây lại ở thôn Châu như vị trí hiện nay. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, tục truyền trên núi Thiên Kiện có cây tùng cổ có rồng quần ở trên, vua Trần Thái Tông đã lập hành cung và Trần Đế Nghiễn cho quân vận chuyển tiền đồng về cất giấu năm 1379 ở nơi đây. Thời Pháp thuộc, Viễn Đông bác cổ đã liệt hạng núi Chùa là cổ tích danh thắng (ngày 01 tháng 6 năm 1925).

Núi Chùa do các khối đá vỉa xếp chồng chất, lởm chởm như đầu con rồng. Có mỏm đứng chơ vơ trên đỉnh như sừng rồng, nhiều mỏm đá dựng ngược như tóc rồng, phía nam núi có một mái đá nhô ra, dưới mái đá có những vỉa bò lan, nổi cộm lại thành miệng con rồng mà ngôi chùa như hạt ngọc nằm gọn trong miệng con rồng, nhiều vỉa đá xếp thành các bậc thang rất thuận tiện cho việc lên núi ngắm cảnh. Trên đỉnh núi có nhiều cây cổ thụ kiểu dáng khác nhau, từ đây có thể bao quát cảnh sơn thủy hữu tình của sông Đáy, núi Bút Sơn, thành nhà Hồ, núi rừng Thanh Thủy và dòng sông Đáy.

Từ đất bằng leo lên chừng 2m tới cửa động, từ cửa động đi vào chừng 5m tới một ngã ba, rẽ bên phải đi xuống dần hàng chục mét là động có nhiều thạch nhũ đẹp, rẽ bên trái là đường lởm chởm nhũ đá nhô lên, rủ xuống tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Động Phúc Long có dáng một con rồng thắt túi, có nhiều dơi bám trên vách nên nhân dân địa phương còn gọi đây là hang dơi. Động Phúc Long có sức chứa vài trăm người. Động hài hòa với cảnh quan núi Chùa, ngay bên cạnh là đình và chùa thôn Châu, tạo thành một di tích thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách gần xa.

- Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam