Đón xuân trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Tết đến, chúng tôi háo hức lên đường. Điểm đến là những cung đường ở miền núi phía Bắc, nơi đào mận tưng bừng khoe sắc xuân, bà con dân tộc thiểu số náo nức chơi hội sải sán, gầu tào, lồng tồng, ra đồng...

Buổi sáng ở Lào Cai, chúng tôi đi xe máy theo hướng Mường Khương, Pha Long rời Bắc Hà qua Xín Mần, tìm đến Hoàng Su Phì khi trời đã tối như mực.

Dãy Tây Côn Lĩnh nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, thuộc địa phận huyện Hoàng Su Phì. Ngoài đỉnh Tây Côn Lĩnh 2.427m được coi là cao nhất khu vực Đông Bắc bộ, còn có đỉnh Gia Long (thuộc xã Bản Phùng) và Kiều Liêu Ti (thuộc xã Hồ Thầu) đều cao trên 2.400m và một loạt đỉnh khác có độ cao hơn 2.000m. Chinh phục Tây Côn Lĩnh huyền thoại luôn là mơ ước đối với dân "phượt", nhưng khám phá Tây Côn Lĩnh vào mùa xuân là một lời chào xuân ấn tượng.
.
< Thị trấn Vinh Quang.

Tại thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) vào một ngày đầu năm mới, không dễ để hỏi được lối lên Tây Côn Lĩnh khi nhà nhà đều đang vui vầy sum họp, tiệc tùng.

Đến phiên chợ cuối tuần đầu tiên trong năm mới cũng vắng vẻ, chỉ có một nhóm người Tày, Nùng mang rau cải xuống chợ, ngồi từ sáng tới chiều có khi không bán hết gùi rau xanh.

Sau 20km đường trồi sụt xóc tung người, chúng tôi cũng tới trung tâm xã Tân Tiến và được chỉ đường vào ngã ba Túng Sán, nơi có một ngả lên Tây Côn Lĩnh 1 đi về phía biên giới Trung Quốc - con đường chúng tôi sẽ chinh phục, ngả kia qua dãy Tây Côn Lĩnh 2 đi về phía Vị Xuyên.

Ghé vào một ngôi nhà bán hàng tạp hóa ở Túng Sán, chúng tôi được mời uống rượu tết với chủ nhà người Tày và được mời ở lại để hôm sau tham gia lễ hội ra đồng với bà con.

Tuy nhiên, chúng tôi đành từ chối và tiếp tục lên đường. Nắng vàng ươm trải rực rỡ trên lối mòn chúng tôi đi. Con đường hoang hoải và rậm rạp cây cỏ vốn chỉ dành cho người đi bộ nhưng cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú vô cùng.

Từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang quấn quanh lưng núi, trải dài miên man và hùng vĩ dù chưa vào mùa gieo hạt nên vẫn khô màu đất.

Càng lên cao càng nhọc nhằn trắc trở, nhà cửa thưa thớt, những bụi cây thêm rập rạp, che lấp cả lối mòn. Bất chấp cây cỏ chắn ngang, những con suối vắt qua đường khi ngập nước khi sình lầy, chỉ cần thấy con đường phía trước còn đi được là mấy con chiến mã lại háo hức xông lên, có lúc đuổi theo đám trâu rừng vừa chạy vừa ngoái lại nhìn trước khi rẽ sang vách núi khác, trả lại con đường mòn cho đám khách lạ không mời.

Đường từ Đản Ván Thượng lên đỉnh Bốt Đen có lẽ là cung đường mùa xuân đẹp nhất mà tôi từng đi qua trong cuộc đời. Màu hoa đào Tây Côn Lĩnh ấy sẽ ám ảnh tôi mãi dù từng được chiêm ngưỡng hoa đào ở Điện Biên, Lai Châu, Sa Pa, Bắc Hà, Ý Tý...

Có lẽ không ở đâu những gốc đào núi lại tuyệt đẹp và rạng rỡ đến vậy. Cánh hoa như dày dặn hơn, bông hoa như to hơn, khỏe khoắn hồn nhiên đu mình trên vách núi, căng tràn sức xuân tựa nàng sơn nữ tuổi trăng tròn. Những gốc đào nằm cheo leo, hoa nở hồng rực từ gốc đến ngọn, giữa thiên nhiên hùng vĩ, bên những mái nhà tranh giản dị khiến chúng tôi ngây ngất bàng hoàng. Trước mùa xuân, Tây Côn Lĩnh rạng rỡ trong một buổi chiều như không có thật, bao nhọc nhằn trước đó như tan biến.

Sau bữa trưa với xôi nếp trắng và gà luộc giữa rừng sâu núi cao, cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa trữ tình, chúng tôi tiếp tục đi về phía Bốt Đen. Có đoạn đường phải dùng dao mở lối cho xe đi. Dốc cao thì cùng nhau hò dô đẩy cho xe qua bằng được. Dăm ba lần chiến mã húc vào vách núi, ngã ùm xuống suối, thậm chí tuột xuống vực nhưng may mắn được đám cây rối rắm quấn vào nhau giữ lại! Đến khi trước mặt chúng tôi là một nửa quả núi sạt xuống không biết tự bao giờ, không có đường mòn cho cả người đi bộ. Biết không thể vượt Bốt Đen để sang bên kia Lao Chải về Thanh Thủy, chúng tôi quyết định quay về. Lại mở đường, phạt cây, kê đá, bê xe, lăn bánh, đẩy xe... như khi đi vào.

Chiều xuống. Hoàng hôn khoác tấm áo đỏ tím lên dãy Tây Côn Lĩnh, tỏa ánh nắng chiều lấp lánh trên những cánh hoa đào, hoa mận khiến chúng trở nên lấp lánh và hư ảo lạ thường. Tôi biết sẽ không ai trong chúng tôi có thể quên được mùa xuân Tây Côn Lĩnh diệu vợi, phiêu bồng...

- Theo DulichTuoitre, internet